Thứ bảy, 18/05/2024, 18:37 [GMT+7]

Đưa Than Uyên ngày càng phát triển

Thứ năm, 30/07/2015 - 14:16'
(BLC) - Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Than Uyên nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Phóng viên Báo Lai Châu phỏng vấn đồng chí Hoàng Văn Hiêng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật phát triển kinh tế - xã hội của huyện đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Hoàng Văn Hiêng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên kiểm tra chất lượng chè giống trồng tại xã Phúc Than.

Đồng chí Hoàng Văn Hiêng: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, thống nhất phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đặc biệt, huyện đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn với nền kinh tế phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm còn 45%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 29% (năm 2010) lên 31% (năm 2015); thương nghiệp - dịch vụ tăng từ 28% (năm 2010) lên 32% (năm 2015). Thu ngân sách địa bàn đạt trên 60 tỷ đồng, thu nhập bình quân  đạt 20,3 triệu đồng/người/năm; mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo (hiện còn 16%). Nổi bật là sản lượng lương thực đạt 27.900 tấn, tăng 900 tấn so với nghị quyết; hình thành vùng trồng cây cao su. Hết năm 2015, phấn đấu có 4 xã đạt 17 - 19 tiêu chí (2 xã đạt 19 tiêu chí), 4 xã đạt 10 - 16 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao; chất lượng giáo dục được nâng lên; người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

P.V: Để đạt được kết quả trên, UBND huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành những nhiệm vụ trọng tâm như thế nào?

Đồng chí Hoàng Văn Hiêng: Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010 - 2015, UBND huyện tổ chức họp bàn, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu của nghị quyết. Cùng với đó chỉ đạo cơ quan, đơn vị đưa ra biện pháp thực hiện sát với tình hình thực tiễn địa phương gắn với nhiệm vụ chuyên môn được phân công. Các chương trình phát triển kinh tế được huyện lựa chọn ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện và phát huy vai trò của cơ quan chuyên môn trong tham mưu, đề xuất các giải pháp trước khi thực hiện. 

Hàng năm, huyện kịp thời ban hành các quyết định phân bổ, giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch thu chi ngân sách, xây dựng cơ bản, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn triển khai thực hiện. Đồng thời phân công thành viên UBND huyện phụ trách nội dung công việc, địa bàn cụ thể gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhân rộng các mô hình mới, gương người tốt, việc tốt. Một yếu tố quan trọng nữa là củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, khơi gợi tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong tầng lớp Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng cao thu nhập.

P.V: Đồng chí cho biết những điểm nhấn trong thực hiện các chương trình trọng điểm 5 năm qua?

Đồng chí Hoàng Văn Hiêng: Trong quá trình thực hiện 4 chương trình trọng điểm: sản xuất nông sản hàng hóa, phát triển trồng cây cao su, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới đã được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.

Điển hình như chương trình sản xuất nông sản hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập bằng việc thực hiện các mô hình, hỗ trợ về giống, kỹ thuật trực tiếp người dân. Trong đó, đưa giống lúa mới ĐS1, giống lúa thuần gia lộc, séng cù vào sản xuất nâng cao chất lượng; duy trì 20ha rau màu các loại; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học với tỷ trọng chiếm 19,69% cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Từ việc hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp đã nâng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích từ 60 triệu đồng/ha (năm 2011) lên 70 triệu đồng/ha. Hiện nay, nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Đối với chương trình phát triển cây cao su được huyện xác định là chủ trương mới vừa tạo việc làm lâu dài lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế. Do vậy, huyện chỉ đạo cơ quan chuyện môn cùng địa phương tổ chức họp dân tuyên truyền các chính sách phát triển cây cao su, đặc biệt việc chia lợi tức sau này khi người dân tham gia góp đất cho công ty cao su. Đến nay, toàn huyện đã trồng 866,3ha cây cao su tại 4 xã: Mường Kim, Mường Mít, Pha Mu, Mường Cang; mở ra hướng thoát nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

P.V: Trong những năm tới còn nhiều thách thức, huyện xác định các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?

Đồng chí Hoàng Văn Hiêng: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện tập trung quy hoạch và xây dựng phát triển kinh tế theo không gian 4 hướng, lấy quốc lộ 32 làm trục trung tâm. Khu vực thượng huyện phát triển sản xuất nông nghiệp trên hệ thống cánh đồng mẫu lớn, phát triển sản xuất chè nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến chè tại khu vực xã Phúc Than. Phía Tây, tập trung phát triển cây cao su, chăn nuôi thủy cầm, thủy sản, phát triển lúa nước, rau màu. Vùng hạ huyện phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trung tâm huyện phát triển nông nghiệp sạch, lâm nghiệp, thương mại-dịch vụ gắn với du lịch, tiểu thủ công nghiệp.

Để làm tốt điều này, huyện xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chỉ tiêu nghị quyết sát với tình hình thực tiễn; lãnh, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện toàn diện, sâu sát cơ sở. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện chương trình trọng điểm: sản xuất nông sản hàng hóa tập trung và ổn định đời sống Nhân dân sau tái định cư. Ngoài ra, huyện huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới gắn với chỉnh trang, phát triển đô thị, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Hàng năm làm tốt công tác sơ, tổng kết chương trình, kế hoạch, đề án đã ban hành nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm; phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong phát triển kinh tế để các tầng lớp Nhân dân hăng hái hưởng ứng cùng tham gia, từng bước xây dựng huyện Than Uyên ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Tùng Phương (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...