Thứ hai, 13/05/2024, 05:20 [GMT+7]

Bài 3: Đại tướng Văn Tiến Dũng, một vị tướng tài ba, chính trị - quân sự song toàn, nhà chỉ huy tham mưu chiến lược tài năng của Quân đội ta

Thứ năm, 27/04/2017 - 10:35'
Theo yêu cầu của Đảng, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Ông là vị tướng tài ba, nhà chính trị - quân sự song toàn, nhà chỉ huy tham mưu chiến lược tài năng của quân đội ta.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong cả nước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, vừa ra đời, nước ta đã phải đối phó với thù trong, giặc ngoài. Đất nước đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng, vận mệnh của Tổ quốc như ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta bước vào chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ. Ở Chiến khu 2 (gồm các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Văn Tiến Dũng - Chính ủy và đồng chí Hoàng Sâm - Tư lệnh, lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh mẽ về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, cùng các tầng lớp nhân dân chống “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”, vừa tổ chức một số đơn vị “Nam tiến”, chi viện cho các mặt trận Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 214/SL-CP, bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng làm Chính trị Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chính trị; ngày 12-2-1947, Người ký Sắc lệnh số 16/SL, cử đồng chí làm Chính trị Cục trưởng; đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Trên cương vị ấy, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp tích cực vào việc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của quân đội và là nhân tố bảo đảm cho quân đội liên tục phát triển, trưởng thành và chiến thắng vẻ vang.

 

 Đại tướng Văn Tiến Dũng điện báo tin chiến thắng Tây Nguyên tháng 3-1975. Ảnh tư liệu.

Sau này, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, càng trải qua khó khăn, gian khổ với những thử thách gay go, ác liệt, tài năng quân sự của đồng chí Văn Tiến Dũng càng được bộc lộ rõ nét. Trong đó, phải kể đến hai thời kỳ: Thời kỳ đồng chí làm Chính ủy kiêm Tư lệnh Đại đoàn 320, chiến đấu trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ và thời kỳ đồng chí làm Tổng Tham mưu trưởng tham gia chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn tầm chiến lược.

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bằng Bắc Bộ là một địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch, bởi ngoài giá trị về địa lý, bố trí chiến lược quân sự, địa bàn này còn là nơi tập trung sức người, sức của mà cả hai phía đều muốn làm chủ để bổ sung nguồn nhân lực, vật lực cho chiến tranh. Vì thế, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây luôn là địa bàn giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Sau thất bại ở biên giới Việt - Trung, đầu tháng 12-1950, Chính phủ Pháp cử tướng Đờ-lát-đờ Tát-xi-nhi sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh kiêm Cao ủy. Ngay sau khi đến chiến trường Việt Nam xem xét tình hình, Đờ-lát đã triển khai kế hoạch hành động 15 tháng; trong đó, một trong những trọng điểm là thiết lập tuyến phòng thủ kiên cố, lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nhằm ngăn chặn chủ lực ta đánh vào và kiểm soát ta đưa nhân lực, vật lực ra vùng tự do.

Với sự tập trung dày đặc, càn quét liên tục, trong năm 1951, địch đã bình định được nhiều vùng rộng lớn. Do đó, nhiều căn cứ du kích của ta bị xóa, nhiều cơ sở cách mạng bị bật khỏi dân, việc huy động nhân lực, vật lực từ các tỉnh đồng bằng ra vùng tự do bị đình trệ. Trong tình thế vô cùng khó khăn đó, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đồng chí Văn Tiến Dũng đã cùng Bộ Tư lệnh Đại đoàn mưu trí và gan góc đưa cả Đại đoàn hơn một vạn quân vượt sông Đáy, sông Hồng, lần đầu tiên tiến sâu vào trong lòng địch. Đây là địa bàn có địa hình trống trải, địch xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, gây khó khăn cho ta trong việc đưa quân vào vùng này. Với tài thao lược của mình, ngay sau khi vượt sông Đáy (đêm 9-12-1951), Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng đã sử dụng hai Trung đoàn (48 và 52) vượt 20km đường ruộng chiêm, qua hai con sông và nhiều đồn bốt địch, tập kích địch ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) - căn cứ trung tâm của bọn đầu sỏ đội lốt tôn giáo. Ta làm chủ thị trấn Phát Diệm chỉ trong một ngày, đánh tan nhiều đội quân ứng chiến, tiêu diệt một số vị trí khác, diệt và bắt hơn 1.000 lính Âu - Phi và lính ngụy.

Cách sử dụng lực lượng thọc sâu táo bạo, đánh “nở hoa trong lòng địch” của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng đã giáng đòn choáng váng, làm cho quân địch kinh hoàng. Trên đà thắng lợi, Đại đoàn 320 tiến sang Nam Định đánh địch và tiếp đó vượt sông Hồng sang chiến đấu ở Thái Bình.

Với cách sử dụng lực lượng cơ động, linh hoạt, táo bạo, Đại đoàn đã buộc địch phải căng lực lượng đối phó ở nhịều nơi. Các trận tiêu diệt hoàn toàn đại đội biệt kích “Hổ xám” Văng-đăng-be ở thị xã Nam Định, đại đội biệt kích Rút-cô-ni ở thị xã Phủ Lý, tiêu diệt địch ở vị trí Đào Thành (Thái Bình)... đã thể hiện cách đánh táo bạo, tài sử dụng lực lượng của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng.

Bằng các hoạt động tích cực chủ động với nhiều cách đánh sáng tạo, trong những năm 1951-1953, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 đã cùng bộ đội, dân quân du kích các địa phương đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của địch, góp phần làm đảo lộn thế chiến lược của thực dân Pháp trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.

Nếu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tài thao lược của đồng chí Văn Tiến Dũng thể hiện ở tài cầm quân xông pha nơi trận mạc trong lòng địch hậu, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tên tuổi của đồng chí lại gắn với những chiến dịch lớn mang tầm chiến lược. Trong đó có các chiến dịch tiêu biểu:

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971): Đây là cuộc đọ sức giữa khối chủ lực cơ động ngụy được Mỹ dày công xây dựng (xương sống của chương trình Việt Nam hóa chiến tranh) với lực lượng của ta mà Binh đoàn 70 vừa được được thành lập tháng 10-1970 làm nòng cốt. Tính quyết liệt của chiến dịch này thể hiện ở sự đối đầu giữa hai khối chủ lực mạnh của hai bên. Vì thế, việc bày binh bố trận, tổ chức cơ động lực lượng và tổ chức các trận then chốt có ý nghĩa quyết định sự thành bại của chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng ra trận mang theo quyết tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nhất thiêt phải đánh thăng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược. Bằng tài thao lược của mình, đồng chí cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch đã buộc địch từ thế tiến công chủ động ban đầu thành thế bị động, bất ngờ; tập trung lực lượng bẻ gãy hoàn toàn cánh quân bảo vệ sườn Bắc, đẩy lùi mũi tiến công và đánh thiệt hại cánh quân bảo vệ sườn Nam, gây tổn thất lớn cánh quân ở khu vực phía Đông, lần lượt đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn ở khu vực phía Tây, tiến tới công kích địch trên toàn tuyến, tiêu diệt quân địch rút chạy. Thắng lợi của chiến dịch này đã mở ra hiện thực đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ về quân sự và “tác động mạnh mẽ đến cục diện chung của cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương”(1).

Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên (1975): Với đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột năm ngoài dự kiến của cả Bộ Tổng Tham mưu ngụy và Mỹ, ta đã làm cho địch choáng váng, rối loạn, cả hệ thống phòng ngự của chúng ở Tây Nguyên bị rung chuyển, về cách sử dụng lực lượng trong đòn điểm huyệt này, trong hồi ký của mình, Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta lấy lực lượng mạnh gấp nhiều lần hơn địch, tổ chức các đội đột kích binh chủng hợp thành mạnh kết hợp với các tiểu đoàn đặc công và bộ binh bí mật triển khai trước, đánh thẳng ngay vào trung tâm thị xã, chiếm hai sân bay, nhanh chóng tiêu diệt đầu não chỉ huy của địch rồi mới phát triển trở ra tiêu diệt địch bên ngoài thị xã. Cách đánh này có hai vấn đề khó: Một là, tổ chức chiến đấu hợp đồng và chỉ huy các cánh quân thống nhất thời gian và hành động theo kế hoạch, vượt sông, vượt qua được các chốt phòng ngự của địch từ xa đến sát thị xã. Có một điểm nữa là phải giữ được bí mật, làm cho địch bị bất ngờ đến lúc ta nổ súng. Thực hiện được tốt hai vấn đề trên thì địch sẽ bị đánh ngã rất nhanh” (2). Với cách đánh táo bạo đó, đồng chí đã cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ huy lực lượng của ta tiến công dũng mãnh, làm cho quân địch hoảng loạn, dẫn tới sai lầm chiến lược rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, đưa cuộc chiến tranh chuyển sang bước ngoặt có lợi cho ta.

- Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (4-1975): Với vai trò là Tư lệnh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; đánh chiếm Sài Gòn nhanh gọn nhưng phải đảm bảo cho thành phố ít bị tàn phá, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Sau nhiều đêm thức trắng trao đổi bàn bạc, Đại tướng đã cùng Bộ Tư lệnh Chiến dịch đi tới nhất trí về cách đánh của Chiến dịch lịch sử này là: “Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ bình chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành” (3). Với cách đánh táo bạo đó, ta đã nhanh chóng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên cạnh những chiến công vang dội ấy, trong gần 25 năm làm Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí luôn dành nhiều tâm sức, trí tuệ xây dựng Bộ Tổng Tham mưu và cơ quan tham mưu các cấp trong quân đội từ nền nếp, tác phong công tác đến trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ. Nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ tham mưu, chỉ huy đơn vị giỏi. Là người đứng đầu Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí đã chỉ đạo Cơ quan phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Chính trị và các tổng cục, tạo dựng sự đoàn kết nhất trí cao, góp phần tích cực trong công tác huấn luyện bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cùng với Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện. Đồng thời, có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiếp tục phát huy bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yểu câu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

-------------------

(1) Văn Tiến Dũng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.81

(2) Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa xuân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.59

(3) Văn Tiến Dũng: Đại thắng mùa xuân, Sđđ, tr.214

(Còn nữa)

Theo PV/QĐND Online/24/04/2017 09:48

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...