Thứ hai, 20/05/2024, 07:13 [GMT+7]

Góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Thứ tư, 20/03/2019 - 09:23'
(BLC) - Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018” (gọi tắt là Đề án) tại tỉnh ta bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc ngày 6/3 vừa qua về tình hình thực hiện Đề án tại Lai Châu, đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Qua 5 năm thực hiện Đề án, hệ thống chính trị tại cơ sở được củng cố: 100% thôn, bản có đảng viên, chi bộ; 100% các chức danh cán bộ, công chức xã và những người hoạt động không chuyên trách được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm; trên 90% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Các xã trọng yếu được bố trí, tăng cường cán bộ người dân tộc Mông đảm bảo tỷ lệ, phù hợp với cơ cấu, thành phần dân tộc.

Đồng chí Cứ A Sở - Chủ tịch xã Khun Há (huyện Tam Đường) - một cán bộ dân tộc Mông trẻ được nhân dân tín nhiệm, tin yêu. Trong ảnh: Đồng chí Cứ A Sở (người đội mũ) hướng dẫn bà con trồng rau màu.

Đồng chí Cứ A Sở - Chủ tịch UBND xã Khun Há (huyện Tam Đường) - cán bộ trẻ người dân tộc Mông hướng dẫn bà con trồng rau.

Để có kết quả đó, ngay từ khi triển khai, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, xác định mục tiêu, thời gian, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện Đề án. Các huyện bxây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, bố trí đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo những xã có từ 30% dân số là người dân tộc Mông trở lên có ít nhất 1 cán bộ dân tộc Mông giữ chức danh lãnh đạo xã. Sở Nội vụ phối hợp với UBND các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan rà soát, tổng hợp số lượng sinh viên là người địa phương thuộc dân tộc Mông đã tốt nghiệp có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên ký hợp đồng tại 20 xã địa bàn trọng yếu.

Đến nay, tỉnh ta đã hợp đồng 40 người làm việc tại 18 xã thuộc các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và Sìn Hồ. Các nhân viên hợp đồng đều am hiểu phong tục tập quán, hoàn thành nhiệm vụ giúp cấp uỷ, chính quyền theo dõi tình hình an ninh, trật tự tại xã; tích cực vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực phát triển kinh tế.

Nếu thời điểm cuối năm 2014, toàn tỉnh vẫn còn 5 bản thuộc 20 xã trọng yếu chưa có đảng viên và chi bộ, 3 bản có đảng viên nhưng chưa thành lập chi bộ thì đến nay, tại 20 xã trọng yếu đã có 244/244 thôn, bản có đảng viên và có chi bộ độc lập (tăng 8 chi bộ so với trước khi triển khai Đề án), tổng số 3.084 đảng viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nói chung và cán bộ, công chức tại 20 xã trọng yếu được quan tâm. UBND các huyện, xã tích cực cử cán bộ, công chức đi đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh đảm nhiệm. Quy hoạch bố trí cán bộ cấp xã đảm bảo phù hợp với cơ cấu, thành phần dân tộc.

Huyện Sìn Hồ có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 33,29%. Ngay từ khi Đề án được triển khai, UBND huyện đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trên cơ sở đánh giá thực trạng và khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các xã thuộc địa bàn trọng yếu là người dân tộc Mông. Từ năm 2015 đến nay, huyện cử 938 lượt cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và cán bộ nguồn của 6 xã trọng yếu đi đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường 3 cán bộ, chiến sỹ thuộc Công an huyện là người dân tộc Mông xuống làm Trưởng công an và Công an viên xã; tăng cường 2 cán bộ đến công tác tại các địa bàn trọng yếu. Còn tại huyện Tam Đường, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ ban hành Công văn về việc rà soát, thống kê trên địa bàn các xã thuộc Đề án số sinh viên, học viên người dân tộc Mông đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp có trình độ từ trung cấp trở lên để xem xét hợp đồng lao động tại xã; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện gắn với quy hoạch cán bộ, phát hiện và sử dụng cán bộ.

Tuy nhiên, khó khăn chung đối với các huyện trong quá trình thực hiện Đề án là việc tìm nguồn để hợp đồng, bố trí người dân tộc Mông có trình độ văn hoá, chuyên môn còn khó; trình độ, năng lực của nhân viên hợp đồng là người dân tộc Mông ở một số xã thuộc Đề án hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu và vị trí công việc. Chưa có chế độ đãi ngộ đặc thù đối với đồng bào dân tộc ít người, dẫn đến có trường hợp bỏ vị trí khi chưa kết thúc Đề án. 

Cuối năm 2018, UBND các huyện đã chấm dứt hợp đồng (do kết thúc Đề án và hết thời gian hợp đồng) với 37/40 người. Với những nỗ lực đáng ghi nhận của đội ngũ cán bộ dân tộc Mông tại các xã trọng điểm của tỉnh thời gian qua, thiết nghĩ, Chính phủ cần tiếp tục xem xét kéo dài thời gian thực hiện Đề án; chú trọng đến các chính sách ưu tiên với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông tại các xã trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị.

Anh Nguyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...