Thứ bảy, 18/05/2024, 16:59 [GMT+7]

Lai Châu – 70 năm hành trình cùng đất nước

Thứ ba, 04/08/2015 - 16:51'
I - LAI CHÂU VỚI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1945)

Ngày 17/10/1945, dưới sự lãnh đạo của lực lượng khởi nghĩa địa phương, Nhân dân Châu Quỳnh Nhai (lúc đó thuộc tỉnh Lai Châu) tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền đã về tay lực lượng khởi nghĩa. Sáng ngày 18/10/1945, một cuộc mít tinh của quần chúng được tổ chức tại sân vận động Châu. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, đại diện lực lượng khởi nghĩa đã đọc bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố tại Hà Nội vào chiều ngày 02/09/1945 và tuyên bố thành lập Uỷ ban Cách mạng Lâm thời của Châu.

Sau sự kiện Châu Quỳnh Nhai, chính quyền, các địa phương khác trong tỉnh cũng bắt đầu tiến hành các hoạt động đấu tranh giành chính quyền. Cuộc mít tinh treo cờ đỏ sao vàng chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công trên nóc nhà tên Châu Ún (đồi C2 Điện Biên)… Mặc dù chỉ giành được chính quyền duy nhất ở Châu Quỳnh Nhai nhưng đồng bào các dân tộc Lai Châu vẫn tin vào Đảng, Bác Hồ, Chính phủ, vào ngày chiến thắng. Đó là những tiền đề quan trọng để các lực lượng cách mạng thành lập nên Đảng bộ Lai Châu và giải phóng Điện Biên Phủ, Lai Châu.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay. Ảnh ĐT

II- LAI CHÂU VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946 - 1954)

Tháng 11/1945, thực dân Pháp đưa quân trở lại xâm lược Lai Châu. Để tổ chức quần chúng Nhân dân các dân tộc thành một khối thống nhất và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) đã được thành lập theo Nghị quyết Thường vụ Liên khu uỷ 10 gồm 3 đồng chí, do đồng chí Trần Quốc Mạnh làm Trưởng ban. Từ đây, phong trào cách mạng của Lai Châu đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Ban Cán sự Đảng (sau này là Đảng bộ tỉnh).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là Đảng bộ Lai Châu, quân và dân trong tỉnh đã không sợ hy sinh, gian khổ, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến, huy động sức người, sức của tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, có những đóng góp quan trọng và xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

III- LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN VỪA SẢN XUẤT, VỪA CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, CHI VIỆN CHO CHIẾN TRƯỜNG MIỀN NAM, THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUỐC TẾ (1954-1975)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với công tác tiễu phỉ, trừ gian, chống các vụ xưng vua, đón vua…, Ban Cán sự Đảng Lai Châu hết sức coi trọng việc lãnh, chỉ đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất để ổn định đời sống và phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá - xã hội. Sau 3 năm (1955 - 1957) nền kinh tế của tỉnh đã được khôi phục, các mặt đời sống, văn hoá xã hội có bước phát triển mới.

Tháng 4/1959, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về cải tạo XHCN ở miền núi. Thực hiện chủ trương này, Khu uỷ Tây Bắc đã lãnh đạo các Châu vận động Nhân dân vào hợp tác xã. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ, Nhân dân các Châu đã hăng hái tham gia học tập và tự nguyện gia nhập hợp tác xã. Năm 1962 có 1.192 hộ gia đình, chiếm 6,2%, đến năm 1963 đã có 69,97% tổng số hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã, trong đó vùng thấp đạt tỷ lệ 93%, vùng cao đạt 43,6%.

Cũng trong thời gian này, Lai Châu thành lập 2 nông trường: Điện Biên và Tam Đường với hơn 3.000 cán bộ, công nhân viên. Được sự giúp đỡ của Trung ương, Đội thanh niên Tháng Tám của thủ đô Hà Nội và hàng ngàn thanh niên các Châu thuộc Lai Châu đã tham gia công trình đại thuỷ nông Nậm Rốm. Cuối năm 1965, sản lượng lương thực quy ra thóc của toàn tỉnh đạt 71.870 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, đàn gia súc tăng 4%, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 5,3%/năm. Số học sinh đến lớp đạt 90% kế hoạch, 30% số xã vùng cao có tổ chức y tế, xây dựng một số cầu cống và hoàn thành quy hoạch hệ thống đường giao thông đến các huyện trong tỉnh, hệ thống chính trị được xây dựng và củng cố vững chắc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ Lai Châu đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, cùng quân dân cả nước “chắc tay súng, vững tay cày”. Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa tham gia chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc và tiễn đưa hàng ngàn con em đồng bào các dân tộc lên đường ra trận chi viện cho tiền tuyến miền Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

IV- CÙNG CẢ NƯỚC TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VÌ MỤC TIÊU “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, XÃ HỘI CÔNG BẰNG, DÂN CHỦ, VĂN MINH” (1986 - 2003)

Thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ năm 1986, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đoàn kết, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và các tỉnh bạn đã giành được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia không chỉ ở vùng thấp mà cả ở vùng cao, vùng sâu. Hàng năm số hộ giàu tăng mạnh, số hộ nghèo giảm đáng kể từ 46% năm 2000 giảm còn 31,3% năm 2003, đã cơ bản xoá được hộ đói lưu niên. Sự nghiệp văn hoá - xã hội luôn được quan tâm lãnh đạo nên đã duy trì và phát triển. Tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh từ 60% năm 2000 lên 92% năm 2003, sóng truyền hình từ 35% lên 78%. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tập trung lãnh đạo và đạt kết quả quan trọng.  Nhiệm vụ xây dựng các cấp bộ Đảng vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Tạo tiền đề quan trọng cho Lai Châu tiếp tục phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.

V- LAI CHÂU TỪ KHI CHIA TÁCH ĐẾN NAY (2004-2015)

Nhằm tạo điều kiện cho Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Bắc có sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XI, tháng 11 năm 2003 đã ra Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Lai Châu, gồm 33 đồng chí và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lâm thời gồm 11 đồng chí.

Ngay sau khi có các Nghị quyết và quyết định của Trung ương về thành lập tỉnh mới, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo nhanh chóng kiện toàn ổn định tổ chức toàn bộ máy cấp tỉnh và đi vào hoạt động, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Sau hơn 10 năm chia tách thành lập, mặc dù có những khó khăn, thách thức mới, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng xác định, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm. Nền kinh tế của tỉnh phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều kết quả vượt bậc.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,4%/năm, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 17,9 triệu đồng, tăng 1,83 lần so với năm 2010. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ nhanh. Hình thành một số đô thị hiện đại, mang bản sắc văn hoá các dân tộc. Văn hoá - xã hội có bước phát triển mới. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, chính trị ổn định, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường; bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể lớn mạnh, trưởng thành, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể được nâng lên. Những kết quả đó đã tạo ra thế và lực mới cho Lai Châu vững bước tiến lên trong những năm tới.

VI- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, NẮM CHẮC THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Để thực hiện thành công sự nghiệp "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" trong điều kiện mới của một thời kỳ mới và tạo tiền đề cho những bước tiếp theo phát triển, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

2. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tốt chương trình xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, cơ cấu các tiểu vùng để phát triển hàng hoá. Phấn đấu đến năm 2020 đưa Lai Châu thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.

3. Đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hoá, xã hội; chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

4. Tăng cường công tác củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể Nhân dân từ tỉnh tới cơ sở ngày càng vững mạnh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng sử dụng và phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ người dân tộc địa phương, đảm bảo đủ sức lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời kỳ mới.

5. Chăm lo xây dựng nền quốc phòng - an ninh vững mạnh toàn diện, đảm bảo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống hoà bình, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Tăng cường và mở rộng mối quan hệ với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xây dựng biên giới ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Phát huy truyền thống 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu nguyện đoàn kết một lòng, nắm chắc thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với tất cả tinh thần và sức lực, trí tuệ và sự sáng tạo quyết tâm xây dựng một tỉnh Lai Châu: Chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh, đời sống Nhân dân các dân tộc ấm no, hạnh phúc. Góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân cả nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...