Chủ nhật, 19/05/2024, 10:37 [GMT+7]

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Thứ bảy, 30/12/2023 - 21:00'
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ luôn được xác định là mục tiêu chính, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Khi chia tách thành lập, tỉnh Lai Châu đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức: Đảng bộ tỉnh chỉ có 5 đảng bộ trực thuộc, 204 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ), 432 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, 6.848 đảng viên; số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ còn chiếm tỷ lệ cao, tình trạng sinh hoạt chi bộ ghép còn phổ biến. Năng lực lãnh đạo, điều hành, phương thức hoạt động của nhiều tổ chức đảng còn yếu, nhất là ở cấp cơ sở, tỷ lệ đảng bộ cấp xã xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, yếu kém còn cao. Tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động chưa được kiện toàn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu về số lượng, chất lượng còn thấp.
Xác định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, Đảng bộ tỉnh đã đề ra các chủ trương, giải pháp để lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, tập trung ban hành các nghị quyết về tăng cường chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng tại các thôn, bản chưa có chi bộ; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ; các đề án về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng…
Cùng với việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, Đảng bộ tỉnh chú trọng lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng. Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nhiều đổi mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn của từng tổ chức đảng, địa phương, đơn vị. Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái thù địch được tăng cường, phòng ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được quan tâm thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Mạnh Hà thăm hỏi, động viên bà con bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Ảnh: THANH HOA

Lãnh, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, tổ chức, cán bộ đạt nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, phát triển tổ chức đảng, đảng viên. Đến nay, Đảng bộ đã có hơn 30 nghìn đảng viên, hơn 1.800 chi bộ trực thuộc, cơ bản xóa được bản “trắng” đảng viên. Chất lượng đội ngũ cán bộ nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đến cuối tháng 11/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh là 18.831 người, tăng 51,6% so với năm 2004. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ được nâng cao, hằng năm 100% TCCSĐ hoàn thành nhiệm vụ, không còn TCCSĐ yếu kém.
Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) được các cấp ủy đảng chú trọng, tăng cường, ban hành nhiều quy chế, quy định nhằm quy trình hóa công tác KTGS. Hàng năm xây dựng chương trình KTGS với những nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát với nhiệm vụ chính trị địa phương, cơ quan, đơn vị, phù hợp với thực tiễn, chú trọng kiểm tra dấu hiệu vi phạm. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp được cụ thể hóa và thực hiện nghiêm. Kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ được giữ vững, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Công tác dân vận của hệ thống chính trị được coi trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát huy tốt vai trò công tác dân vận trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có tôn giáo, giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân, tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp. Ban hành các chính sách triển khai hiệu quả chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, chủ động, sâu sát và quyết liệt hơn.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua khẳng định vai trò lãnh đạo có ý nghĩa quyết định của Đảng bộ tỉnh trong công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử, đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, kém phát triển, là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, trong những năm tới, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đảm bảo thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn mới. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng việc quán triệt, học tập, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai nghị quyết của Đảng. Xây dựng, ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động có tính khả thi cao. Chủ động dự báo, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội. Nâng cao chất lượng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, thực hiện hiệu quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm. Duy trì bền vững chi bộ ở thôn, bản, tổ dân phố; làm tốt công tác kết nạp đảng viên; tăng cường giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên. Thực hiện nghiêm công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị. Vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng, tích cực củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, triển khai hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Năm là, tăng cường lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác KTGS, thi hành kỷ luật trong Đảng, đảm bảo toàn diện, chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần làm trong sạch nội bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đẩy mạnh kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh; kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...