Thứ bảy, 18/05/2024, 14:25 [GMT+7]

Nhà báo cần thu thập thông tin từ nhiều phía

Thứ tư, 21/06/2017 - 11:08'
L.T.S: Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), phóng viên Báo Lai Châu phỏng vấn nhà báo Đỗ Thị Tấc - Chi hội trưởng Chi hội Nhà báo Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Lai Châu về nghề báo, những hoạt động đặc thù của nổi bật của Chi hội Nhà báo VNNT Lai Châu.

Phóng viên: Hoạt động của Chi hội Nhà báo Hội VHNT có gì khác so với các chi hội nhà báo của các cơ quan báo chí trong tỉnh?

Nhà báo Đỗ Thị Tấc: Chi hội Nhà báo Hội VHNT là chi hội sinh hoạt ghép của các nhà báo Hội VHNT tỉnh và Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Lai Châu. Vậy nên, quá trình tác nghiệp, phương thức thể hiện tác phẩm có nhiều khác nhau ngay trong chi hội chứ chưa so sánh với các chi hội ở các cơ quan báo chí. Về tác nghiệp, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu không chịu áp lực về thời gian, thời điểm diễn ra sự kiện. Vì vậy, thời gian lưu lại địa bàn để thu thập tư liệu không hạn chế. 

Nhà báo Đỗ Thị Tấc sưu tầm, nghiên cứu về dân tộc Mông tại xã Tà Hừa (huyện Than Uyên).

Về phương thức thể hiện, với lợi thế là tạp chí văn nghệ, nên cùng một sự kiện, vấn đề, nhân vật, phóng viên Tạp chí Văn nghệ có thể thể hiện tác phẩm ở nhiều thể loại hơn như: ghi chép văn học, ký văn học, ký báo chí, kịch bản sân khấu, phóng sự ảnh… Vậy là đương nhiên, tùy sự kiện, vấn đề thông tin được tuyên truyền sâu hơn, rộng hơn. 

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những khó khăn, thuận lợi trong quá trình tác nghiệp và hoạt động chuyên môn của một chi hội sinh hoạt ghép?

Nhà báo Đỗ Thị Tấc: Khó khăn thì không có. Vì số lượng hội viên của Phân xã Thông tấn xã không đủ thành lập chi hội nên Hội Nhà báo tỉnh bố trí sinh hoạt ghép. Thực tế hai cơ quan báo chí có hai chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Thông tấn xã là cơ quan thông tin báo chí quốc gia. Còn Tạp chí Văn nghệ Lai Châu là Tạp chí Văn nghệ địa phương. Chi hội không can thiệp vào tác phẩm báo chí của các nhà báo bên phân xã. Thuận lợi thì có đấy. Trong quá tình tác nghiệp, cá nhân các nhà báo trong chi hội có thể trao đổi thông tin. Chẳng hạn như ở địa bàn nào đó đang diễn ra sự kiện, vấn đề, hoặc có nhân vật điển hình nào đó thì thông báo cho nhau; cũng có khi cùng đi tác nghiệp khi địa bàn có sự kiện chính trị quan trọng hoặc sự việc bất thường như: thiên tai, cháy rừng… Cá biệt, có những sự kiện quan trọng của tỉnh diễn ra trên địa bàn nào đó mà phóng viên văn nghệ không kịp tiếp cận thì phóng viên Phân xã Thông tấn xã sẽ chuyển tin để Ban Biên tập Tạp chí sử dụng.   

Phóng viên: Nhiều người nghĩ rằng, Tạp chí Văn nghệ chỉ đăng tải các tác phẩm văn nghệ, điều đó có đúng không? 

Nhà báo Đỗ Thị Tấc: Còn bạn, bạn có nghĩ thế không? Ai đó hiểu vậy thì cũng đúng, nhưng chưa đủ. Tạp chí Văn nghệ Lai Châu có nhiều chuyên trang, chuyên mục. Ở “Trang Văn học và đời sống”, trang “Nhiếp ảnh”, trang “Văn học nhà trường” chúng tôi thường xuyên đăng tải các tác phẩm báo chí về những tập thể, cá nhân điển hình ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, các tác phẩm này có khác ở ngôn ngữ thể hiện. Ngoài việc phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của một tác phẩm báo chí thì một tác phẩm sử dụng trên Tạp chí Văn nghệ coi trọng việc sử dụng ngôn ngữ tạo cảm xúc cho người đọc và đặc biệt là việc lựa chọn, sử dụng chi tiết.  

Phóng viên: Là nhà báo có uy tín không chỉ ở trong tỉnh, cả cuộc đời gắn bó với Lai Châu, đồng chí có điều gì chia sẻ với những người làm báo Lai Châu hiện nay, đặc biệt là những nhà báo trẻ?

Nhà báo Đỗ Thị Tấc: Chúng ta không phủ nhận, đâu đó còn có những phóng viên mang danh nhà báo mà bất chấp cả lương tâm, đạo đức nghề nghiệp dọa dẫm cơ sở hòng kiếm lợi cho bản thân. Nhưng đó chỉ là số ít. Thực tế cho thấy, hầu hết các thế hệ nhà báo đang công tác tại các cơ quan Báo chí trong tỉnh hiện nay đều là những người tâm huyết với nghề. Dù làm công việc biên tập, biên dịch, đạo diễn chương trình, quay phim hay là phóng viên… Họ luôn bằng nghề nghiệp của mình, không quản gian khổ, vất vả và nguy hiểm dấn thân vì sự nghiệp. Và ai cũng mong có những tác phẩm báo chí có tác động tích cực góp phần vì sự phát triển cả quê hương, đất nước. 

Điều tôi muốn trao đổi với tư cách là nhà báo với nhau là: Đối với những vấn đề phức tạp, có ảnh hưởng, tác động lớn đến cộng đồng, xã hội thì người làm báo phải thu thập và có cho mình thông tin từ nhiều phía. Và đặc biệt phải chú ý đến tính lịch sử của vấn đề, sự kiện. Có như vậy, tác phẩm báo chí, dù chỉ là tin mới khách quan được.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!

P.V (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...