Thứ bảy, 18/05/2024, 21:06 [GMT+7]

Thảo luận Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Thứ sáu, 23/06/2023 - 16:07'
(BLC) - Sáng 23/6, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tại phiên thảo luận, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lai Châu, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã tham gia phát biểu ý kiến. Trước hết, đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và công dân trong việc quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự góp phần bảo đảm khả năng phòng thủ đất nước trong mọi tình huống, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo luật còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, liên quan đến quy định về quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ di dời công trình, khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, khu quân sự; tạm giữ người, đồ vật, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cơ quan soạn thảo cần rà soát, đối chiếu với các luật như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Bộ Luật hình sự,… nhằm tránh xung đột.

Bên cạnh đó, dự thảo luật có 34 điều nhưng có tới 9 điều giao Chính phủ, Bộ Quốc phòng quy định cụ thể, đề nghị rà soát 9 điều này để cụ thể hóa trong luật để khi luật ban hành được tổ chức thực hiện ngay. Tham gia vào một số điều luật cụ thể như:

Điều 11, Điều 12 về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển đổi mục đích sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh; nằm trong phạm vi ranh giới thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất chuyển đổi mục đích sử dụng thì cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư dự án phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ kinh phí để xây dựng công trình mới với quy mô tương đương công trình cũ; kinh phí bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng; các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ khác liên quan; chi phí có liên quan đến xử lý tài sản công và chi phí hợp pháp khác có liên quan...

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường.

Đây là vấn đề cần thiết để tránh lãng phí trong sử dụng đất đai, tài sản khi không còn nhu cầu sử dụng thì chuyển đổi, nhưng quy định như dự thảo luật đại biểu cho rằng chưa hợp lý, cần phải rà soát, xem xét, nghiên cứu kỹ vì việc giao đất xây dựng công trình quốc phòng, khu quân sự nhà nước không thu tiền sử dụng đất, trong khi công trình đầu tư, kinh phí di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình, khu quân sự do ngân sách nhà nước bố trí, đây là tài sản công giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Khi không có nhu cầu sử dụng thì do Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi, giao cho các cơ quan tổ chức nhà nước khác quản lý, sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích công cộng, không vì mục tiêu lợi nhuận, do đó không phải thực hiện đền bù, hỗ trợ, trường hợp các tổ chức tư nhân có nhu cầu đầu tư được nhà nước phê duyệt thì thực hiện việc đấu thầu, cho thuê đất theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 19 đến Điều 22 về lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; nhiệm vụ quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ. Quy định trong dự thảo luật về lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp tham gia bảo vệ, địa phương quản lý, sử dụng, bảo vệ còn rất chung chung, nhất là lực lượng của Bộ Công an phối hợp tham gia bảo vệ và lực lượng bảo vệ của bộ, ngành, địa phương cần quy định cụ thể hơn theo những loại công trình được giao là những loại công trình nào vì Điều 5 dự thảo luật đã phân loại rất cụ thể. Về quyền hạn của lực lượng được giao bảo vệ công trình cần làm rõ một số nội dung như: được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ các công trình thuộc nhóm đặc biệt, khu quân sự trọng yếu cần bảo vệ nghiêm ngặt; việc tạm giữ người, đồ vật, phương tiện ra vào khu vực cấm,… để tránh bị lạm dụng.

Điều 25 về chế độ, chính sách đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Dự thảo luật còn quy định chung chung, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể lực lượng tham gia bảo vệ công trình được hưởng mức chế độ cụ thể, bên cạnh đó cần làm rõ đây là nhiệm vụ thuần túy bảo vệ các mục tiêu, chủ yếu do lực lượng quân đội đảm nhiệm, có đặc thù hơn gì so với các lực lượng làm nhiệm vụ khác để hưởng chế độ riêng, ngân sách nhà nước có đảm bảo được không.

Điều 5 về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải phân loại, phân nhóm để làm căn cứ cho việc xác định chính sách, trách nhiệm. Tuy nhiên, việc phân loại cần căn cứ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng để phân loại và nhóm cho phù hợp theo hướng gọn lại, bao quát và thuận lợi cho việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện khi luật có hiệu lực.

Điều 13 về việc thống kê, kiểm kê công trình quốc phòng và khu quân sự, theo đó kiểm kê được thực hiện vào kỳ cuối năm, tổng kiểm kê thuộc trách nhiệm đơn vị được giao quản lý, sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự. Tuy nhiên, việc hướng dẫn, quản lý sử dụng tài liệu thống kê, kiểm kê chưa được đề cập thuộc trách nhiệm của Chính phủ hay Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý nhà nước vì đây là những số liệu, tài liệu mật không công khai như tài sản công khác. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu thêm nội dung này để quy định rõ trách nhiệm.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục chương trình với một số nội dung như: biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận tại hội trường dự án Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Nguyễn Duy Khoan - Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...