Thứ bảy, 18/05/2024, 11:14 [GMT+7]

Trăn trở hoạt động trạm truyền thanh cơ sở

Thứ tư, 21/06/2017 - 11:10'
Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có gần 70 trạm truyền thanh cơ sở, trong đó, một số trạm hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa. Phần lớn các trạm truyền thanh thực hiện tốt chức năng của mình: tiếp sóng đài Trung ương, địa phương; phát thanh các chương trình chuyên đề.

Để có cái nhìn toàn cảnh về hoạt động của trạm truyền thanh cơ sở, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Luân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thì được biết, phần lớn các trạm thực hiện tốt chức năng, phát huy được hiệu quả, là phương tiện truyền thông hữu ích, là phương tiện đề cấp uỷ, chính quyền lãnh, chỉ đạo các hoạt động của địa phương. Một số trạm của huyện Phong Thổ: Mù Sang, Tung Qua Lìn, Sì Lở Lầu, Sin Suối Hồ, Pa Vây Sử và các trạm của huyện Tam Đường: Nùng Nàng, Bản Hon, Bản Giang... duy trì tốt hoạt động, đều đặn phát sóng, tiếp sóng phục vụ nhu cầu thông tin của thính giả. Ở những địa phương này, cùng với các phương tiện thông tin đại chúng khác, Trạm truyền thanh cơ sở trở thành một kênh thông tin quan trọng của bà con.

Cán bộ Trạm Truyền thanh cơ sở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) tra cứu thông tin, phục vụ các buổi phát chương trình.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều trạm còn lúng túng trong triển khai thực hiện cơ chế hoạt động, mặc dù được tập huấn kỹ thuật, kỹ năng vận hành thiết bị truyền, tiếp và phát sóng, nhưng nhiều địa phương cán bộ chưa thuần thục các kỹ năng, ảnh hưởng tới hoạt động của trạm. Trang thiết bị của một số trạm xuống cấp, không có kinh phí để thay thế, sửa chữa cũng khiến cho các trạm truyền thanh cơ sở không thể tiếp tục duy trì hoạt động của mình.

Để khắc phục, song song với việc đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đợt tập huấn, thời gian vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông cử các tổ kỹ thuật xuống hỗ trợ các trạm sửa chữa trang thiết bị hư hỏng; hướng dẫn các kỹ năng cơ bản trong vận hành trạm truyền thanh, xây dựng chương trình phát thanh cơ sở. Nhờ đó, tạo được sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở. 

Chúng tôi có mặt tại Trạm Truyền thanh cơ sở xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ) và thấy rõ sự nghiêm túc trong quá trình tác nghiệp của cán bộ trực trạm. Dù kiêm nhiệm, nhưng đều đặn mỗi ngày 3 lần, chị Đèo Thị Nơi phát chương trình phát thanh phục vụ bà con. Qua chia sẻ của chị, chúng tôi được biết, dù làm kiêm nhiệm, không có phụ cấp... nhưng không vì thế mà chị bỏ bê công việc của mình. Sự háo hức trước mỗi giờ phát sóng của dân bản như tạo động lực, giúp chị thêm trách nhiệm với công việc của mình.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm tới công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thì trạm truyền thanh cơ sở có điều kiện hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, người được giao phụ trách trạm truyền thanh cơ sở thêm sức sáng tạo, nhiều cống hiến hơn đối với công việc của mình. 

Không chỉ dừng lại tiếp, phát sóng, các đài Trung ương và địa phương hay phát các chuyên mục được cấp sẵn, anh Trần Đình Tùng (Trạm Truyền thanh cơ sở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) chủ động biên tập, xây dựng nhiều chương trình phát thanh bổ ích liên quan tới công tác khuyến nông, giúp bà con có thêm thông tin, kiến thức về phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Trăn trở với công việc, luôn mong muốn cho chương trình của Trạm ngày càng có sức hút với thính giả, anh Tùng còn chủ động tìm nhạc hiệu cho chương trình, xây dựng các chuyên mục giải trí, giải đáp pháp luật… Sự bổ ích, sức hấp dẫn của các chương trình đã có sức hút mạnh mẽ với thính giả. 

Hiệu quả, vai trò của trạm truyền thanh cơ sở đã thấy rõ, nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, các trạm sẽ thực sự là kênh thông tin bổ ích, cùng các phương tiện thông tin đại chúng khác làm tốt, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, là một trong những cầu nối của ý Đảng với lòng dân. Tuy nhiên, thực tế bên cạnh những trạm truyền thanh cơ sở hoạt động tốt, phát huy hiệu quả, còn một số trạm còn bỏ không, gây lãng phí. Vì thế, các cơ quan chuyên môn cần sớm chủ động phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền các địa phương rà soát, lên phương án sửa chữa, duy trì hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở.

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...