Thứ sáu, 17/05/2024, 21:18 [GMT+7]

Vai trò của Hội đồng Nhân dân tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh

Thứ sáu, 24/01/2014 - 17:06'
(BLC) - Cùng với sự phát triển của tỉnh sau 10 năm thành lập, HĐND thật sự là cơ quan đại diện của dân, hoạt động của đại biểu dân cử, của cơ quan dân cử được cử tri quan tâm, được hệ thống chính trị ủng hộ, đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Tỉnh Lai Châu chia tách và thành lập theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 01/01/2004 của Quốc hội khóa XI, ngày đầu mới chia tách Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn, toàn tỉnh có diện tích hơn 9 nghìn km2, 37 vạn dân sinh sống, tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường ôtô đến trung tâm xã… Cũng từ những khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu càng đoàn kết, kề vai sát cánh, tận dụng những thời cơ thuận lợi, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với vùng và cả nước.

Sau 10 năm, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2004 - 2012 đạt 12,3%/năm; năm 2013 đạt 14,1%. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Cơ sở hạ tầng đặc biệt được quan tâm đầu tư xây dựng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng phát triển và đồng bộ, thị xã Lai Châu từ một thị trấn nhỏ nay đã được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Hệ thống giao thông nông thôn có bước cải thiện rõ rệt, từ lúc chia tách tỉnh có 10 xã không có đường ôtô đến trung tâm, đến nay chỉ còn 3 xã (các xã mới được chia tách thành lập). Các tuyến đường quốc lộ huyết mạch được quan tâm đầu tư nâng cấp. Hệ thống trường học, bệnh viện, công trình nước sinh hoạt, nước sản xuất được quan tâm đầu tư xây dựng. Nhiều vấn đề xã hội được giải quyết, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, cơ bản hoàn thành đề án xóa nhà tạm cho hộ nghèo; công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách luôn được quan tâm kịp thời; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng.

Có được kết quả đó không thể không kể tới sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của HĐND tỉnh, với vai trò là cơ quan quyền lực của nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND tỉnh Lai Châu các khóa XII, XIII không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng thiết thực, hiệu quả, trách nhiệm, vì dân. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, đây là cơ sở để HĐND tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử địa phương. Trên cơ sở các quy định của pháp luật, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, XII, những năm qua HĐND tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt chức năng quyết định trên tất cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh thông qua việc ban hành các nghị quyết. HĐND tỉnh khóa XII nhiệm kỳ 2004 – 2011 đã tổ chức 18 kỳ họp, ban hành 194 nghị quyết, với 74 nghị quyết chuyên đề; HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã tổ chức 7 kỳ họp, thông qua 91 nghị quyết, trong đó 59 nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, 20 nghị quyết về các chế độ chính sách.

Các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn 20 năm về tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả tỉnh cũng như quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phát triển của từng ngành, lĩnh vực đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh trong thời gian qua được ban hành sát với tình hình thực tiễn, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế: HĐND tỉnh khóa XII, XIII đã ban hành các nghị quyết quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2020 và từng giai đoạn; quy hoạch tái định cư, việc bồi thường, di dân tái định cư dự án Thủy điện Sơn La; quy hoạch sử dụng đất; chính sách hỗ trợ sản xuất nông – lâm nghiệp; chính sách khoanh nuôi tái sinh bảo vệ và phát triển rừng; thu hút đầu tư; phát triển kinh tế cửa khẩu; chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách phát triển kinh tế trang trại; quy hoạch điện lực… Các nghị quyết được thông qua là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh thăm bà con xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu).

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết. Các nghị quyết về phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục; chính sách cho học sinh nghèo, học sinh nội trú, bán trú đã đáp ứng đòi hỏi bức thiết của nhân dân và sự nghiệp giáo dục của tỉnh, đã huy động sự đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đối với giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp học sinh có điều kiện khó khăn được đến trường và duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Các nghị quyết về phát triển y tế, chính sách cho bệnh nhân nghèo thực sự phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế bệnh nhân nghèo trên địa bàn, chính sách đã giúp cho người nghèo điều trị nội trú giảm bớt khó khăn. Các nghị quyết về phát triển văn hóa, cai nghiện ma túy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng lao động, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Trên lĩnh vực thực thi pháp luật và xây dựng chính quyền: HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết để xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của HĐND, UBND tỉnh; thông qua biên chế hành chính và quyết định tổng biên chế sự nghiệp hằng năm; điều chỉnh địa giới hành chính; quy hoạch đô thị; đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng; quy định số lượng chức danh và mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố và các nghị quyết khác. Đặc biệt, trong điều kiện của một tỉnh nghèo, ngân sách tỉnh còn khó khăn nhưng HĐND tỉnh vẫn có những quyết sách quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút những người tình nguyện đến Lai Châu công tác; quy định số lượng, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; về hỗ trợ kinh phí hoạt động của Chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, bản; chế độ chi cho công tác thanh tra, kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách hành chính; chính sách cho những người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù; chính sách cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân…

Để nghị quyết phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của địa phương, ngoài việc lựa chọn nội dung để ban hành chính sách, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh còn tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề và khảo sát nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Chỉ tính riêng HĐND tỉnh khóa XIII, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức trên 30 cuộc giám sát, nội dung chủ yếu giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các vấn đề bức xúc được nhân dân quan tâm. Sau giám sát Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đều có báo cáo kết quả giám sát, trong đó đánh giá kỹ những mặt đạt được, nhất là những tồn tại hạn chế, từ đó xác định nguyên nhân đề nghị UBND và các ngành có liên quan xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn và có giải pháp khắc phục. Do thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát nên đã phát hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh qua quá trình thực hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế, do vậy đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngoài ra, đại biểu HĐND tỉnh còn tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp xúc cử tri nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của nhân dân, từ đó giúp cho việc xây dựng nghị quyết, nhất là các nghị quyết liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân được sát hơn, phù hợp và hiệu quả hơn.

Giàng Páo Mỷ - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...