Chủ nhật, 19/05/2024, 07:31 [GMT+7]

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định và tuân thủ theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra

Thứ ba, 15/01/2013 - 15:51'
(BLC) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tô Như Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị trực tuyến triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức sáng nay (15/1).

Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Tô Như Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Bùi Từ Thiện - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Xuân Phùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang và các cơ quan tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thị có các đồng chí Thường trực HĐND; UBND và đại diện lãnh đạo các phòng, ban huyện, thị ủy.

Đồng chí Tô Như Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt Chỉ thị 22 - CT/TW của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Hướng dẫn số 35 của UBND tỉnh ngày 14/1/2013 về triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; 2 Kế hoạch: số 216 ngày 28/12/2012 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, số 05 của HĐND tỉnh ngày 10/1/2013 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết số 38 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo tinh thần của Chỉ thị 22 - CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa thành nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng và nhân dân thực hiện tốt một số nhiệm vụ: quán triệt thực hiện nghiêm túc các chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đưa nội dung vào sinh hoạt chi bộ về mục đích, quan điểm, định hướng của việc sửa đổi Hiến pháp 1992; nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Đồng thời phải tiến hành thận trọng, công khai, khoa học và dân chủ; đảm bảo tính khách quan, tiêu biểu, xây dựng; tránh hình thức, phong trào, thông tin phiến diện, không chuẩn xác. Bằng nhiều hình thức đa dạng, tạo điều kiện tối đa để mọi người dân được tham gia góp ý.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến phải đảm bảo công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ qan đơn vị; đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ để chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Đại diện lãnh đạo Báo Lai Châu phát biểu tại Hội nghị.

Vận động mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, phát huy vai trò làm chủ đất nước của nhân dân. Giáo dục ý thức đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp ý kiến nhân dân để báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Mỗi tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến vào Dự thảo và nêu cao tính gương mẫu trong việc tham gia nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Ngay sau Hội nghị này, lãnh đạo các ngành, địa phương khẩn trương, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của ngành, địa phương mình một cách cụ thể.

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 28/2/2013, báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo cấp xã được gửi tới thường trực HĐND huyện, thị xã để tổng hợp; cấp huyện, thị xã chậm nhất ngày 5/3/2013 gửi báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia Dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại điểm cầu các huyện, thị, đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã nêu những khó khăn, vướng mắc như: cách thức, nội dung phát hành các tài liệu tuyên truyền cũng như cung cấp thông tin cho bà con; nơi gửi thư góp ý; xác định đối tượng tham gia lấy ý kiến ở cấp xã, thôn, bản. Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính cũng báo cáo tình hình tổ chức bố trí kinh phí, đảm bảo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; yêu cầu các huyện, thị chủ động đề xuất dự toán kinh phí để phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Đồng chí Bùi Từ Thiện - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã giải đáp cụ thể những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Đồng thời đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông chỉ đạo cơ quan bưu chính viễn thông về việc gửi thư không cần dán tem cho việc tham gia góp ý về Dự thảo; Báo Lai Châu chủ động liên hệ với các địa phương, đơn vị để xác định các đối tượng phát hành, chậm nhất ngày 25/1, các số báo phải được gửi đến các địa chỉ để các địa phương và người dân nắm được các nội dung trong Dự thảo để tham gia ý kiến sát với tình hình thực tế nơi mình sinh sống và công tác.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tô Như Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Qua các thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nước ta đã nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp với thời điểm hiện tại. Mỗi bản hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Đồng chí yêu cầu: các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt 4 văn bản đã được quán triệt tại Hội nghị trong thời gian sớm nhất. Các cơ quan nhà nước (HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh) phải nghiên cứu kỹ các nội dung trong Dự thảo; Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội nghề nghiệp; các trường cao đẳng, trung cấp tăng cường tuyên truyền cán bộ công nhân viên chức lao động, hội viên tích cực tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo.

Các cơ quan thông tấn báo chí kết hợp tuyên truyền với việc chủ động, gương mẫu tham gia đóng góp ý kiến. Báo Lai Châu phải dành dung lượng tuyên truyền đậm nét về việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các tờ báo. Đặc biệt, cách thức tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của nhân dân phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị và phải đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định và tuân thủ theo kế hoạch của tỉnh đã đề ra.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...