Thứ năm, 02/05/2024, 21:07 [GMT+7]

Bác sĩ tận tâm với bệnh nhân

Thứ sáu, 27/12/2013 - 10:05'
(BLC) - Vào nghề từ năm 1993, dù ở vị trí công tác nào chị cũng luôn hết lòng với bệnh nhân – chị là Bác sĩ Phùng Thị Lai - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc nhưng chị Lai luôn phải điều hành công việc qua điện thoại hoặc có người đến gặp trực tiếp. Câu chuyện vì thế mà bị ngắt quãng thành nhiều lần. Chị tâm sự: “Tôi lên Lai Châu từ năm 1993 và được nhận làm việc tại Trạm Y tế xã Bình Lư (huyện Tam Đường). Với phương châm “Trăm hay không bằng tay quen” tôi đã quan sát đồng nghiệp từng chi tiết nhỏ nhất trong công tác khám, chữa bệnh để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ thực tế”.

Bác sĩ Phùng Thị Lai đang khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Do tích cực học hỏi cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp chị đã nhanh chóng nắm vững chuyên môn và ngày càng trưởng thành hơn. Trải qua nhiều vị trí công tác, từ năm 2008 đến nay, chị làm Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ.

Dáng người nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Lai không chỉ hoàn thành tốt công tác khám, chữa bệnh mà còn quyên góp ủng hộ bệnh nhân nghèo. Điển hình như trường hợp của cháu bé ở xã Bản Lang, bị bỏng đến 20% cơ thể, bố mẹ cháu tự chữa theo cách truyền thống. Khi cháu được đưa đến Trung tâm Y tế huyện da đã lên mủ do bị viêm nhiễm nặng. Chị đã vệ sinh ngoài da cho cháu sạch sẽ, bôi thuốc, cho uống kháng sinh và chuyển cháu lên bệnh viện tuyến trên. Do điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, gia đình không đưa cháu đi được nên chị đã vận động cán bộ, y, bác sĩ của khoa quyên góp tiền và quần áo để giúp đỡ cháu bé. Sau hơn một tháng điều trị, cháu dần bình phục và bắt đầu đi lại được.

Để thuận tiện cho việc giao tiếp và khám, chữa bệnh, chị Lai đã học thêm tiếng: Mông, Thái, Dao. Chị chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân không biết tiếng phổ thông hoặc biết rất ít nên rất khó khăn trong công tác khám và điều trị bệnh. Khi học tiếng của đồng bào, bác sỹ có thể nghe người bệnh nói về tình trạng mắc bệnh, từ đó các y, bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp”. Theo gương chị, nhiều cán bộ y tế của huyện Phong Thổ đã tích cực học tiếng của đồng bào. Chị Lai còn cùng cán bộ, y, bác sĩ của Trung tâm Y tế trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con về các chế độ, quyền lợi, dịch vụ y tế.

Anh Nguyễn Thế Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết: “Trong công việc, chị Lai luôn chủ động triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực mình phụ trách, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị luôn tận tình với bệnh nhân, hết mình với công việc, tích cực học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý”.

Với tấm lòng nhân ái và tay nghề vững vàng, chị Lai được người bệnh tin yêu, đồng nghiệp quý mến và vinh dự được nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Tỉnh ủy Lai Châu, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở Y tế.

 

Kim Anh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...