Thứ bảy, 04/05/2024, 22:21 [GMT+7]

Ký ức một thời

Thứ tư, 04/05/2016 - 17:53'
(BLC) - Mỗi khi đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), trong giấc ngủ của cựu chiến binh Phùng Thế Lơ (tổ 3, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) - nguyên chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào lại chập chờn hồi ức về những năm tháng giúp nước bạn Lào đánh đuổi quân Coong Le, phỉ Vàng Pao và thực hiện công tác dân vận tại địa phương.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong lời kể của người lính Cụ Hồ vẫn đầy nhiệt huyết, hào khí như câu chuyện mới xảy ra hôm qua. Năm 1963, chàng trai dân tộc Thái Phùng Thế Lơ (tròn 20 tuổi) tình nguyện tham gia bộ đội đóng quân tại tiểu đoàn 3, trung đoàn 907, sư đoàn 316 khu vực Tây Bắc. Sau thời gian huấn luyện, học chính trị, ông tham gia đội quân tình nguyện sang giúp nước bạn Lào chiến đấu chống quân Coong Le và phỉ Vàng Pao tại tỉnh Sầm Nưa và làm công tác dân vận tại tỉnh Xiêng Khoảng. Khi tham gia chiến đấu tại tỉnh Sầm Nưa, ông mang quân hàm thiếu úy và là trung đội trưởng phụ trách đơn vị hỏa lực chiến đấu chi viện cho tuyến trên.

Những tấm huân chương được ông Lơ nâng niu, trân trọng và gìn giữ cẩn thận.

Mắt rưng rưng, giọng đầy xúc động, ông Lơ trầm ngâm: Mặc dù đơn vị tôi tham gia chiến đấu ở tuyến sau nhưng mỗi khi nghe tin đồng đội tuyến truyên hy sinh lòng lại đau như cắt. Bởi xa gia đình, quê hương, những người lính luôn coi đồng chí đồng đội là anh em ruột thịt. Khó khăn, gian khổ, đau thương là vậy nhưng không làm lung lay ý chí mà ngược lại trở thành động lực để chúng tôi chiến đấu hết mình.

Năm 1966, ông Lơ chuyển sang lực lượng công binh sửa chữa cầu đường kết hợp làm công tác dân vận tại tỉnh Xiêng Khoảng với chức vụ là Đội trưởng phụ trách công tác dân vận Đội quân tình nguyện Việt Nam. Được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm nhiệm vụ tại đây, ông Lơ kể: Tại địa phương có 1 bản giáp ranh do phỉ Vàng Pao chiến đóng, nhiệm vụ của chúng tôi là vận động, thuyết phục bà con trong bản quay lại với quân giải phóng. Khó khăn lớn nhất là bên phía phỉ Vàng Pao có tiềm lực kinh tế, chúng dùng tiền mua chuộc, dụ dỗ người dân. Làm thế nào để dân tin, nghe lời bộ đội, đòi hỏi sự nỗ lực, kiên trì rất lớn. Tôi thường xuyên cử đoàn cán bộ (gồm 1 chiến sỹ liên lạc, 1 đồng chí thạo việc cắt tóc và 1 đồng chí quân y). Tại bản, chúng tôi tổ chức cắt tóc miễn phí cho đàn ông, trẻ nhỏ, đồng thời khám, chữa bệnh, phát thuốc cho bà con kết hợp với tuyên truyền, giải thích quyền, lợi khi trở về với quân giải phóng.

Kiên trì thuyết phục, tận tình giúp đỡ, bà con không phụ lòng, tình nguyện về với bộ đội. Cái khó nhất được gỡ, tôi tham mưu cho địa phương thành lập cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm cho quân đội Việt Nam; thành lập chính quyền xã, bản để nâng cao hiệu quản lý của hệ thống chính trị.

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đội quân tình nguyện Việt Nam rút về nước và đơn vị giải tán. Chia sẻ cảm xúc khi đất nước giành độc lập, được trở về với quê hương, ánh mắt ông sáng bừng lên. “Nhận được tin chúng tôi mừng lắm, anh em đồng đội hò reo, có người nhảy lên hét vang sung sướng: Tổ quốc ta hòa bình rồi!. Nhưng giây phút chia tay bà con dân bản để trở về quê hương thì vô cùng quyết luyến và nhiều cảm xúc đan xen. Bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn cảm thấy bùi bùi, xúc động” - ông Lơ tâm sự.

Về địa phương, ông tham gia công tác tại Phòng Thống kê - Kế hoạch huyện Phong Thổ. Đến năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới, ông chuyển gia đình theo cơ quan về thị trấn Phong Thổ (cũ) nay là thành phố Lai Châu. Phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn nỗ lực hết mình với nhiệm vụ chuyên môn, được cơ quan đánh giá cao. Cuộc sống đời thường, ông là người chồng, người cha mẫu mực. Nhờ đó, 3 người con của ông ngoan ngoãn, phấn đấu học tập, hiện đều có địa vị trong công tác, xã hội.

Sau khi nghỉ chế độ, năm 1994, ông được hội viên cựu chiến binh trong tổ tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Hơn 20 năm qua, trên cương vị đó, ông luôn là người lính già gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào của chi hội, địa phương. 100% hội viên cựu chiến binh tích cực thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, hàng năm chi hội được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là món quà xứng đáng đền đáp những tâm huyết của ông Lơ.

Nhìn cách ông lau chùi, nâng niu cẩn thận tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II; Huân chương Ítsxala hạng I do nước bạn Lào trao tặng, chúng tôi thầm cảm phục những người lính Cụ Hồ năm xưa không tiếc máu xương để đất nước được hòa bình. Đặc biệt, khi nghe kể về những đóng góp trong công cuộc giúp nước bạn Lào chiến đấu bảo vệ Nhân dân khiến tôi nhớ lại bài thơ về tình nghĩa giữa Việt Nam - Lào của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào, 2 nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long.

Trong không khí hân hoan của những ngày tháng 4 lịch sử, xin chúc những người lính năm xưa mãi dồi dào sức khỏe, tiếp tục cống hiến trí và lực cho đất nước, dìu dắt, tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...