Thứ tư, 08/05/2024, 00:15 [GMT+7]

Làm giàu từ trồng thảo quả

Thứ ba, 03/02/2015 - 14:58'
(BLC) - Theo lời giới thiệu của trưởng bản Nậm Pha (xã Khun Há, huyện Tam Đường ) chúng tôi ghé thăm gia đình ông Hạng A Tăng (51 tuổi, dân tộc Mông), người đầu tiên đem cây thảo quả về trồng trên những cánh rừng của bản và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong ngôi nhà gỗ khang trang, nền lát gạch đá hoa với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ông Tăng kể cho chúng tôi nghe việc bén duyên với cây thảo quả, năm 1999, một lần đi thăm bà con ở huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thấy những hộ nông dân ở đây trồng thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao, là người nhanh nhạy, ông nhận ra rằng: Cây này có thể phù hợp trồng ở những khu rừng của bản mình. Từ suy nghĩ đó, ông đã xin một ít thảo quả về làm giống, năm đầu tiên gia đình ông trồng được 300 cây, nhưng do thiếu kinh nghiệm trồng và chăm sóc lên tỷ lệ cây sống chỉ đạt khoảng 40%. Không nản chí, năm sau ông tiếp tục trồng, đồng thời học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm trồng thảo quả qua các lớp tập huấn, sách, báo, ti vi… do vậy, tỷ lệ cây sống ngày càng cao. Sau 3 năm số lượng cây thảo quả đã tăng lên 1.000 cây, đến nay gia đình ông đã trồng được trên 7.000 cây thảo quả (khoảng 7ha)

Sau 6 năm trồng, chăm sóc, lứa quả đầu tiên, gia đình ông chỉ thu được 3 tạ quả, nhưng những năm sau đó, sản lượng này một tăng dần, năm 2007 gia đình ông đã thu hoạch được 3 tấn thảo quả khô, mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Năm 2014, gia đình thu được 3,6 tấn thảo quả khô, với giá bán là 150.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng.

Theo ông Tăng, trồng thảo quả cũng không mất nhiều công chăm sóc, năm đầu thì phải phát cỏ 3-4 lần, những năm sau chỉ cần phát dọn cỏ 2 lần xung quanh gốc để không cho chuột phá hoại. Cũng theo ông, trồng thảo quả có nhiều lợi ích: vừa giữ được rừng, giữ được nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn lãi thu được từ trồng thảo quả, gia đình ông Tăng đã vươn lên trở thành hộ giàu của bản và có điều kiện xây dựng nhà cửa đàng hoàng, mua máy bừa, máy tuốt để phục vụ cho sản xuất, mở rộng chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá và sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho gia đình, như: Ti vi, xe máy…

Không chỉ là người đầu tiên mang giống thảo về trồng thử nghiệm và đã khẳng định được hiệu quả kinh tế tại vùng đất khó này, mà ông Tăng còn tích cực vận động, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp nguồn giống cho nhiều hộ gia đình trong bản để cùng đầu tư trồng thảo quả. Trưởng bản Nậm Pha Hạng A Tông nói: “Nhờ có bác Tăng hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống mà đến nay Nhân dân trong bản đã trồng được gần 80ha thảo quả. Nhiều gia đình trong bản đã xóa được đói, nghèo và làm giàu chính đáng”.

Nhiệt tình giúp đỡ dân bản cùng phát triển kinh tế, năm 2014 ông Hạng A Tăng được UBND huyện Tam Đường tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2014.

 

Hoản Thanh (Đài PT – TH Tam Đường)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...