Thứ sáu, 03/05/2024, 00:13 [GMT+7]

Làm giàu trên đồng đất quê hương

Thứ ba, 19/11/2013 - 09:18'
(BLC) - Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo lại đông anh chị em, sau khi lập gia đình do bố mẹ khó khăn nên vợ chồng anh Hảng A Dê ở bản Lao Tỷ Phùng (xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường) phải ra ở riêng và tự thân lập nghiệp.

Để đảm bảo cuộc sống của gia đình, hàng ngày anh Dê lặn lội lên rừng kiếm củi, đi hết bản trên xã dưới để tìm việc làm mặc dù tiền công lao động nhận được rất ít. Tuy làm cật lực nhưng quanh năm vẫn chỉ là “ăn bữa sáng, lo bữa tối”. Vào những ngày giáp hạt gia đình anh thường xuyên phải ăn rau rừng, ngô, sắn thay cơm. Vì vậy, nhiều đêm anh đã trăn trở, tìm cách thoát nghèo.

Anh Hảng A Dê xát thóc phục vụ chăn nuôi của gia đình.

Năm 2000, tận dụng diện tích rừng được giao anh mạnh dạn trồng cây thảo quả. Để có kinh nghiệm trồng thảo quả anh đã đến các xã: Khun Há, Hồ Thầu, Sơn Bình học tách chồi, ươm mầm thảo quả. Thấy vài chục gốc cây thảo quả gia đình không đủ để mở rộng diện tích, anh đi làm thuê đổi lấy mầm thảo quả về trồng; tích cực chăm sóc, phát dọn thực bì. Đến nay, gia đình anh có hơn 1ha cây thảo quả, hiện đã cho thu hoạch. Anh cùng các thành viên trong gia đình phát cỏ dại, san gạt đất, đá, tạo mặt bằng diện tích đất xung quanh nhà để trồng rau, làm chuồng trại chăn nuôi. Anh mạnh dạn vay tiền Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thuê máy về xúc, ủi những khối đá, những khu vực mà dụng cụ thủ công không thể cải tạo được. Phải mất nửa năm trời khai hoang, gia đình anh mới có được 5 sào vườn đẹp đẽ.

Tận dụng lợi thế gần thị xã Lai Châu anh trồng các loại rau cải, súp lơ, su hào; chăn nuôi gà, vịt, xây dựng chuồng trại kiên cố nuôi lợn hung đen. Thời gian đầu do chưa có  kinh nghiệm chăn nuôi nên gia đình anh đã liên tiếp thất bại; rau trồng thường xuyên bị sâu bệnh; còn gia cầm cũng bị chết vì dịch bệnh.

Quyết tâm không bỏ cuộc, anh tiếp tục mày mò, tìm hiểu thông tin khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tích cực tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức, nhờ đó đất đã không phụ công người.

 Từ tiền bán thảo quả, bán rau, gia súc, gia cầm trừ chi chí mỗi năm gia đình anh thu về 70 triệu đồng. Anh có điều kiện dựng được nhà kiên cố, vững chắc và mua sắm được các phương tiện: máy xay xát, máy bừa, máy tuốt lúa phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình và giúp đỡ bà con trong bản. Anh Dê tâm sự: “Là người nông dân mình phải cố gắng, chăm chỉ lao động. Trong hoàn cảnh khó khăn, nếu biết cách tính toán, dựa vào sự nỗ lực của bản thân thì sẽ thoát nghèo”.

Không chỉ coi trọng việc phát triển kinh tế gia đình mà anh Hảng A Dê còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương; giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở bản như: anh Gàng A Phử, Hảng A Chang…Vì vậy, anh Dê luôn được bà con trong bản quý mến, tin tưởng.

 

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...