Thứ sáu, 03/05/2024, 01:17 [GMT+7]

Người giữ “hồn” văn hóa Dao

Thứ tư, 08/08/2012 - 16:02'
(BLC) - Lên Sìn Hồ, nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa của người Dao, bạn chỉ cần gặp ông Tẩn Kim Phu ở khu 6, thị trấn Sìn Hồ là đủ. Ông không chỉ được bà con dân tộc Dao tin yêu, quý trọng mà còn phong tặng danh hiệu “người giữ “hồn” văn hóa Dao”.

Nặng lòng với văn hóa Dao

Theo người dân ở đây, nếu không hẹn trước khó mà gặp ông Phu ở nhà, vì ông còn mải đi tìm, đi sưu tầm văn hóa người Dao... Chẳng biết thật hay đùa nhưng mãi chiều muộn chúng tôi mới tới nhà ông, cũng là lúc ông vừa từ bản trở về.

Sưu tầm, ghi chép lại những phong tục, chuyện cổ của người Dao là niềm đam mê của ông Tẩn Kim Phu.

Gương mặt rạng rỡ và nụ cười hiền hậu, ông dẫn chúng tôi vào một gian phòng nhỏ, nơi đó có đủ những cuốn sách văn hóa dân tộc Dao, máy đánh chữ từ thời cổ kim và đặc biệt là những bản thảo viết tay về văn hóa người Dao ở Sìn Hồ. Ông bảo đó chính là “bảo bối” của ông.

Rót thêm chén nước mời khách, ông Phu lại trầm ngâm: “Những cuốn sách, bản thảo này là tâm huyết của cả đời ông”. Bây giờ, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông có quyền thanh thản nghỉ ngơi sau bao năm cống hiến cho tỉnh nhà. Vậy mà, mỗi lần có lễ hội hay có người đến tìm ông làm “cố vấn” về văn hóa, phong tục, tập quán của người Dao, ông vẫn đi và nhiệt tình chỉ dẫn.

Hành trình xuôi ngược để sưu tầm văn hóa người Dao, chúng tôi thấy nhiệt huyết, đam mê vẫn còn cháy hừng hực trong từng câu, từng chữ của ông. Ông bảo: “Việc sưu tầm văn hóa Dao đến với ông như một cơ duyên”. Hồi những năm 1960 nước ta ảnh hưởng của Cách mạng vô sản là thực hiện xây dựng nếp sống mới trong việc cưới việc, việc tang, lễ hội. Vì vậy, tất cả loại hình cúng bái đều bị xóa bỏ, nên một số phong tục ma chay, cưới hỏi của người Dao đã bị mai một.

Sau này, Hội văn nghệ Dân gian ra đời, theo chủ trương của Nhà nước là khôi phục bản sắc văn hóa của từng dân tộc trên đất nước Việt Nam. Ông mới có cơ hội đi tìm và sưu tầm lại những phong tục, văn hóa của người Dao. Rồi những năm làm cán bộ cắm xã, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch HĐND huyện Sìn Hồ đã tạo cơ hội cho ông đi nhiều qua các bản làng, vun đắp dày thêm vốn văn hóa về cộng đồng người Dao.

Vợ ông – bà Chẻo Khé Mềnh luôn ủng hộ và dành nhiều thời gian cho ông sưu tầm và tìm hiểu.

Tài sản “vô giá”

Cũng có lẽ vì muốn khôi phục lại văn hóa của dân tộc mình và cũng có thể vì đó là niềm đam mê của ông, mà hồi ấy, người ta cứ thấy ông Phu khoác máy ảnh, máy ghi âm, đi bộ hết bản này sang bản khác để gặp các già làng, trưởng bản, nhờ họ kể lại rồi ông ghi âm, chép lại. Biết bao câu chuyện về cuộc sống cũng như sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Dao để răn dạy con cháu như: “Dìa xỉ thiên nèng xỉ tỷ, pù kín pú mu kín hò dần” có nghĩa là “Cha là trời, mẹ là đất, không kính cha mẹ thì kính ai, không thờ cha mẹ thì thờ ai”. Đó là những câu thơ và cũng những câu chuyện được ông sưu tầm, đúc kết mấy chục năm sau mỗi chuyến đi về với bản, làng. Lời kể từ các già làng, trưởng bản, thói quen sinh hoạt đều được ông lắng nghe, quan sát rồi tỷ mẩn ghi chép thành sách.

Sau nhiều năm khổ luyện sưu tầm, ông đã có một tài sản vô giá không chỉ với ông mà còn với cả đồng bào dân tộc Dao. Đó là các cuốn sách viết về đồng bào Dao lần lượt được xuất bản. Năm 2003 - 2004, ông cho ra đời 2 tập sách mang tên “Chuyện cổ người Dao” kể về sự ra đời nguồn gốc của loài người và đặc biệt là sự ra đời của người Dao cũng như nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hàng ngày giữa con người với tự nhiên.

Rồi những cuốn sách về văn hóa Dao như: Chuyện thơ người Dao Khâu, tập 1, tập 2; Nghi lễ trong việc cưới, việc tang của người Dao Khâu; Những lời răn dạy đạo đức trong sách cổ của người Dao...

Ông bảo: “Còn khỏe ông vẫn tiếp tục hệ thống lại những kiến thức ông sưu tầm được để viết thành sách. Tranh thủ đi dự các lễ hội của đồng bào để ghi nhận những phong tục, tập quán, nét văn hóa”.

Nỗi niềm của người giữ “hồn” dân tộc

Trong câu chuyện buổi chiều muộn hôm ấy, chúng tôi cảm nhận được nỗi niềm của ông về văn hóa dân tộc mình. “Ngần ấy năm trời, cứ nhặt nhạnh, sưu tầm được cái gì thì ghi lại, sợ mai kia văn hóa của dân tộc Dao sẽ phai nhạt dần. Rồi các lớp người Dao sau sẽ không biết về văn hóa, ngôn ngữ của tổ tiên mình. Vậy mà, bây giờ lớp trẻ mấy ai còn nhớ, còn biết phong tục truyền thống đâu” – ông Phu Trăn trở.

Con gái Dao ngày xưa trước khi về nhà chồng phải biết thêu thùa, bây giờ các cháu còn ai biết thêu. Rồi các làn điệu điệu múa của người Dao, không mấy ai còn nhớ để hát trong các dịp lễ, tết truyền thống. Mà dân tộc không còn văn hóa thì không còn dân tộc. Nếu không tìm cách khôi phục, thì mai này nó sẽ mất dần trong giới trẻ” – giọng ông trầm ấm nhưng thật nhiều day dứt.

 

Tường Lam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...