Thứ sáu, 03/05/2024, 05:49 [GMT+7]

Người lưu giữ tiếng kèn pí kẻo

Thứ hai, 18/12/2023 - 14:39'
Từ thành phố Lai Châu vượt qua những khúc cua tay áo, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Chu ở bản Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) - người có 30 năm gắn bó với tiếng kèn pí kẻo. Cuộc gặp gỡ không hẹn trước nhưng sau khi biết tâm tư của chúng tôi, ông Chu niềm nở, vui vẻ đón tiếp bằng tấm lòng của người con yêu văn hóa truyền thống.

Rót chén trà mời khách, ông Chu kể: Từ nhỏ thường xuyên được nghe những người trong bản thổi kèn nên tôi đã mê mẩn tiếng kèn. Năm 13 tuổi tôi quyết định học kèn. Người thầy đầu tiên dạy cho tôi những kỹ thuật cơ bản về kèn là anh trai. Cây kèn cấu tạo đơn giản, nhưng lại là nhạc cụ khó chinh phục, mới nghe lý thuyết thì nhanh, nhưng thực hành lại rất khó. Do đó, chỉ yêu thích tiếng kèn thôi vẫn chưa đủ mà người học phải say mê, kiên trì, trải qua quá trình khổ luyện mới thành công. Sau nhiều lần thổi kèn thất bại, tôi phải ngày đêm dùng ống sáo tập cho quen. Với niềm đam mê yêu thích nhạc cụ dân tộc mình, tôi đã luyện tập và thành thục các bài kèn năm 17 tuổi.
Cầm cây kèn trong tay, ông Chu giới thiệu cho chúng tôi về cấu tạo loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Pú Nả. Kèn pí kẻo nhỏ gọn gồm đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ. Thân kèn là đoạn gỗ xoan được khoan rỗng có chiều dài 30 - 40cm chia thành các đốt có khoảng cách bằng nhau, mỗi đốt có lỗ nhỏ hình tròn, loa kèn được làm bằng đồng hình phễu.

 Ông Chu luyện tập kèn pí kẻo.

Ngày xưa học thổi kèn Pú Nả không qua sách vở, không có nốt trắng, nốt đen như nhạc cụ hiện đại ngày nay mà qua cách cảm thụ, truyền miệng. Để có thể nâng cao kỹ năng về âm vực, tiết tấu, ông Chu tự rút kinh nghiệm và tích cực tham gia thổi kèn trong các lễ, hội, đám cưới, về nhà mới, đám tang ở bản, chương trình giao lưu do xã tổ chức. Muốn sử dụng được kèn pí kẻo, cần lấy hơi từ mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn. Trong mỗi nghi lễ khác nhau với những bài kèn khác nhau mà người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật lấy hơi, rung hơi, nhấn nhả, vuốt ngón tay trên các lỗ hơi của cây kèn để tạo ra những tiết tấu bay bổng vui nhộn hoặc da diết buồn nhớ.
Càng học ông càng yêu tiếng kèn dân tộc mình, do đó cây kèn cha ông để lại ông giữ gìn cẩn thận. Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ, tiếng kèn pí kẻo lúc vi vu lúc xào xạc, lúc véo von như cây rừng gặp gió, chim gặp bạn trên đỉnh núi cao. Nghe tiếng kèn ông Chu thổi lúc trầm bổng lúc lên xuống, thánh thót âm vang cùng ánh mắt đăm chiêu hướng về những nương chè xanh bát ngát, chúng tôi mường tượng như được đến dự đám cưới người Pú Nả với hình ảnh đội kèn, trống, chiêng dẫn nhà trai sang nhà gái rước dâu với ý nghĩa xua đi mọi cản trở trên đường để cô dâu về nhà chồng trong sự may mắn bình an, đồng thời thể hiện sự uy nghi của nhà trai trong ngày đại hỷ. Qua đó càng hiểu hơn vai trò của kèn pí kẻo trong đời sống văn hóa tâm linh người Pú Nả. Tiếng kèn như phương tiện giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên, cũng là tiếng lòng của người với trời đất núi rừng.
Chia tay chúng tôi khi trời chiều chạng vạng, từng đợt khói lam quanh quẩn trên những nếp nhà người Pú Nả. Khung cảnh vùng cao bình dị nhưng lòng người thì nặng trĩu. Ông Chu trăn trở: tôi luôn mong có những thanh niên tâm huyết với tiếng kèn dân tộc để tiếng kèn không bao giờ tắt, không chỉ đưa tiếng kèn pí kẻo gần hơn với công chúng mà còn góp phần phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc đồng bào thiểu số vùng cao biên giới.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...