Chủ nhật, 05/05/2024, 10:06 [GMT+7]

Niềm tự hào của xã Sì Lở Lầu

Thứ ba, 19/03/2013 - 16:37'
(BLC) - Đến xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) ai cũng khẳng định ông Phàn Chin Hoà – người nông dân "tay không dựng nghiệp". Ông cũng là nông dân đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ đích thân ký tặng Bằng khen…

Gần 4 giờ đồng hồ vượt qua 12km đường rừng núi, chúng tôi đến bản Lả Nhì Thàng, tìm được nhà ông Phàn Chin Hoà thì mặt trời đã gần đứng bóng. Sau cái bắt tay ông Hoà bảo luôn: "Mùa này hoa thảo quả đang nở, mật ong giá trị lắm. Tôi nuôi một ít vừa dùng vừa bán cũng được mười mấy triệu, gọi là đủ tiền đổ xăng". Ở đầu nhà tôi thấy có 4 chiếc xe máy, xịn có, cà tàng có, lại còn cả 2 chiếc máy cày mi ni còn khá mới. Ông Hoà bảo: xe tốt thì để đi chơi, xe xấu để đi nương. Cái anh "ngựa sắt" này khoẻ hơn ngựa nhà lại dễ chăm sóc nên tôi mua cho mỗi người trong nhà một cái.

ông Hoà cùng con trai chăm sóc cây thảo quả.

Chúng tôi còn đang ngỡ ngàng về kinh tế của một hộ gia đình người Dao, ông Hoà tâm sự: "Trước đây gia đình tôi cũng nghèo lắm…". Phàn Chin Hoà sinh năm 1961 trong một gia đình đông con mà bố thì nghiện thuốc phiện nên kinh tế gia đình thuộc hàng khánh kiệt ở bản. Mới chỉ học hết lớp 1, Phàn Chin Hoà đã phải nghỉ học vì không đủ khả năng theo đuổi giấc mơ sách đèn lại phải thường xuyên trông em cho mẹ làm nương làm rẫy. Lớn hơn một chút, khi đã lùa được con trâu đi chăn, cầm được cái cuốc người dân trong bản thường thấy Phàn Chin Hoà cùng anh trai đi làm thuê cho người dân trong bản.

Có lẽ phải nếm trải cơ cực từ tấm bé nên anh em Hoà đã tự đặt cho mình mục tiêu phấn đấu: không nghiện thuốc phiện và phải làm giầu. Mục tiêu là thế nhưng làm thế nào thì là câu hỏi mà suốt mấy năm làm thuê cho dân, hết bản này bản khác Hoà mới lờ mờ hình dung ra được. Vậy là cứ thôi đi làm thuê là anh em Hoà lại cùng nhau dậy sớm, về muộn để khai hoang ruộng bậc thang.

Trong những ngày đi làm thuê Hoà cũng học được cách trồng thảo quả, lại thấy người ta làm giầu từ giống cây này nên Hoà khẳng định: Thảo quả tuy lâu thu hoạch nhưng có thể làm được mà không chỉ một đời, nhiều đời vẫn sẽ được nhờ. Thế là suốt mấy năm liền hễ thôi tay cuốc là Hoà lại cầm dao lên rừng chọn nơi đất tốt, tán rừng mát mẻ dọn dẹp, trồng thảo quả. Đến năm 1981, ông đã có một trảng thảo quả khá rộng.

 … cân thảo quả chuẩn bị xuất bán.

Gần 10 năm làm thuê, Hoà cũng tích cóp được một ít tiền để mua thảo quả giống. Hiềm một nỗi, người có thảo quả không bán mà đòi đổi bằng bạc trắng, thế là ông gom góp tiền, lặn lội sang tận Trung Quốc đổi được 2 đồng bạc trắng (giá khoảng hơn 600 ngàn đồng Việt Nam được một đồng bạc trắng), về đổi được khoảng 2kg giống thảo quả để gieo, làm giống. Suốt mấy năm trời vợ chồng ông nhịn ăn, nhịn mặc dành dụm, mua được thêm 4 đồng bạc trắng nữa để mua thảo quả giống.

Nhờ tần tảo, đến khi đứa con đầu lòng ra đời, ông đã có một đám ruộng bậc thang kha khá và khoảng 2 - 3ha thảo quả. Vậy là sáng trên nương, chiều xuống ruộng, mùa hè làm cỏ, mùa thu sấy thảo quả… chẳng bao giờ người dân trong bản thấy ông ngồi rồi một chỗ.

Quả là trời chẳng triệt đường của người cố gắng, cái đói, cái nghèo cứ thế mà chẳng còn chỗ len lỏi trong gia đình ông. Đến nay, tính sơ sơ, mỗi năm ông cũng thu trên dưới 80 bao thóc (khoảng 4 tấn) và gần 1 tấn thảo quả khô (năm được giá bán được đến gần 100 triệu đồng). Chỉ tính riêng từ thảo quả, năm ít bù năm nhiều mỗi năm ông cũng thu khoảng 50 - 60 triệu đồng chưa kể các khoản thu từ, lợn, gà, trâu…

Hôm nay, căn lều rách nát của gia đình đã bị ông phá đi mà dựng vào đó một ngôi nhà trình tường vững trãi, mái lợp proximang, có điện (máy phát mini), có ti vi, có cả điện thoại cho mỗi thành viên trong gia đình, và vươn lên trở thành hộ có diện tích, sản lượng thảo quả cao nhất trong bản, giầu nhất bản. Không những thế, trong mấy người con của ông thì trừ con cả ra đều được ăn học tử tế. Riêng cậu con trai thứ 2 đang là sinh viên Đại học Giao thông Vận tải ở Hà Nội, con thứ 3 thì đang theo nghiệp y để trở thành cán bộ y tế bản. Nhìn con đường mới đang được mở từ xã Mồ Sì San đi qua bản, ông lại tính sẽ mua ô tô để con trai lái, chở thảo quả của gia đình và của bản đi bán cho đỡ mất giá…

Năm nay đã ngoài 50 tuổi song ông vẫn cùng con, cháu lên nương vừa làm vừa chỉ dạy cho họ cách trồng, cách chăm sóc cây thảo quả, cách bảo vệ tán rừng. Ông vẫn lặn lội lên rừng bắt ong mật về nuôi, tự tay làm chuồng nuôi mấy chục đôi gà để gia đình cải thiện, lại tham gia làm công an viên thôn bản… như thể chưa muốn dừng lại.

Ông bảo: "Phải làm trước rồi tuyên truyền cho bà con để họ cũng làm giầu thì bản mới giầu được" và nhiều người đã học ông để thoát nghèo, thoát đói. Ông Tẩn Phủ Tông - Trưởng bản cho biết: Bà con học nhau trồng thảo quả nên nay gia đình nào cũng có thảo quả, cả bản có 117 hộ thì chỉ còn 11 hộ nghèo.

Những nỗ lực đi lên từ 2 tay trắng của ông Phàn Chin Hoà đã được các cấp, các ngành ghi nhận, trong các sự kiện nêu gương làm kinh tế luôn ông luôn nằm trong danh sách cứng của xã, của huyện. Và vinh dự nhất là vào ngày 18/8/2010 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có nhiều thành tích trong công tác, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lai Châu từ năm 2006 đến năm 2010.

Nói về tấm gương này, ông Lò Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lờ Lầu nhận định: "Ông Hoà đã khiến nhiều người không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà cả Thủ tướng Chính phủ cũng biết đến Sì Lờ Lầu. Ông ấy đã làm rạng danh cho xã".

 

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...