Chủ nhật, 05/05/2024, 07:32 [GMT+7]

Tần tảo nuôi 3 con ăn học

Thứ hai, 25/03/2013 - 16:08'
(BLC) - Với suy nghĩ chỉ cho con học hành đến nới đến chốn mới trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, chị Thùng Thị Thế (dân tộc Giáy) ở bản Cò Lá, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường đã tảo tần nuôi 3 con ăn học thành người.

Ngày đi làm đồng, tranh thủ lấy rau về nuôi lợn, đến tối mịt chị mới về nhà. Cơm nước chưa xuôi, chị lại tất bật chuẩn bị bột gạo nếp nhào sẵn để sáng mai dậy sớm làm bánh rán, bánh mật bán kiếm từng đồng bạc lẻ. Cứ thế đã hơn 6 năm qua, người phụ nữ ấy cùng chồng gồng mình lo miếng cơm cho gia đình và nuôi 3 con ăn học.

Lấy nhau trong hoàn cảnh gia đình hai bên đều rất khó khăn, kinh tế gia đình chỉ dựa vào mấy thước ruộng bố mẹ cho làm của hồi môn. “Một túp lều tranh – hai trái tim vàng” cứ bám riết lấy vợ chồng anh, chị Mùng Văn Hưng và Thùng Thị Thế trong bao nhiêu năm qua, không có công ăn việc làm để kiếm thêm thu nhập cho nên chuyện “ăn bữa nay, lo bữa mai” là chuyện thường ngày đối với gia đình anh, chị.

 Vợ chồng chị Thế chăm sóc vườn rau.

Cũng may, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước được triển khai đến với người dân. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ngành tạo điều kiện cho gia đình chị vay vốn phát triển kinh tế; anh chị đã tham khảo qua sách báo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời học học kinh nghiệm từ những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trong huyện, trong tỉnh.

Nhờ chăn nuôi, trồng trọt theo đúng quy trình kỹ thuật, cuộc sống của gia đình chị mới khấm khá hơn, các con có điều kiện đi học. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cả 3 người con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Chị còn nhớ, ngày đứa con gái đầu của chị đỗ vào trường đại học sư phạm, chị vui vì con đã có nhiều cố gắng trong học tập bao nhiêu thì cũng lo lắng bấy nhiêu vì không biết lấy tiền đâu để cho con nhập học.

Vay mượn thì không dễ dàng gì vì các gia đình trong bản đều nghèo khó cả. Chị quyết định bán đôi lợn giống lấy tiền cho con nhập trường. Khi nghe chị nói bán lợn lấy tiền cho con đi học thì chồng chị không những cũng bằng lòng, anh còn động viên chị “Đời mình khổ nhiều rồi, tôi cũng muốn con cái được học hành tử tế, sau này chúng nó sướng cái thân, có đánh đổi tất cả để các con được học hành tôi cũng cam lòng”. Từ ngày con gái đầu của chị đi học đại học, vợ chồng chị phải làm nhiều hơn để lấy tiền nuôi con.

Rồi cô con gái thứ hai và cậu con trai út cũng lần lượt bước chân vào cổng trường đại học và trung học chuyên nghiệp. Khó khăn ngày càng đè nặng lên đôi vai của vợ chồng chị. Ngoài việc đồng áng, chăn trâu, nuôi lợn, chị còn tranh thủ học nghề làm bánh mật, bánh rán, xôi đậu xanh để có thêm tiền trang trải. Khắp bản Cò Lá này ai cũng quen với hình ảnh người phụ nữ đội trên đầu một thúng bánh đi bán dạo quanh bản từ sáng sớm mùa đông cũng như mùa hè. Bánh của chị ngon và rẻ nên rất đông khách. Trung bình mỗi ngày, chị làm khoảng 4kg bột, thức đến 11h đêm để chuẩn bị, sáng dậy từ 3 giờ để làm bánh. Mỗi ngày bán bánh, trừ chi phí chị cũng thu được 70 – 80 nghìn đồng để cuối tháng gửi cho các con.

Từ năm 2007, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian học tại trường. Anh chị đã làm đơn vay tiền cho con ăn học. Chị cho biết, nhờ có chính sách này mà các con của chị mới có điều kiện để yên tâm học tập. Chị luôn động viên các con phải cố gắng học tập, tiếp thu kiến thức phục vụ cho cuộc sống sau này. Giờ đây, con gái lớn của chị đã tốt nghiệp, trở thành cô giáo trường Mầm non Khun Há, cô con gái thứ hai hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện, cậu con trai út của chị cũng sắp ra trường. Nhưng hàng ngày chị vẫn duy trì nghề làm bánh bán rao để nuôi con.

Chia tay chị Thế lòng tôi không khỏi cảm phục trước nghị lực vượt khó của chị. Người phụ nữ ấy chính là hiện thân của nghị lực vượt qua khó khăn với tình yêu thương, trách nhiệm và mong muốn con khôn lớn, trưởng thành.

Nguyên Hiệp - Đài PT – TH Lai Châu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...