Thứ tư, 08/05/2024, 02:52 [GMT+7]

Vững vàng thời chiến, tiên phong thời bình

Thứ sáu, 19/12/2014 - 16:22'
(BLC) - Trở về quê hương sau nhiều năm lăn lộn khắp các chiến trường, cựu chiến binh (CCB) Lò Xuân Xanh (bản Tạng Đán - xã Thân Thuộc - huyện Tân Uyên) vẫn giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Một thời đạn bom

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thân Thuộc, năm 1971, anh thanh niên Lò Xuân Xanh mới ngoài 20 tuổi, cái tuổi thanh xuân căng tràn lồng ngực. đất nước có chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng, anh lên đường nhập ngũ. Trở thành chiến sỹ của Trung đoàn 335, Quân khu Tây Bắc. Chỉ sau thời gian nhập ngũ vài tuần, anh đã hòa nhập với các đồng chí, đồng đội và tình nguyện sang chiến trường nước bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Vừa huấn luyện, vừa chiến đấu dũng cảm trước quân giặc, khói bom, đạn nổ hy sinh không làm anh nản chí. Giờ đây, hồi tưởng lại những ngày đầu mới cầm súng, CCB Lò Xuân Xanh vẫn bừng bừng khí thế: "Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp Nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình", tình nguyện sang giúp cách mạng Lào cũng như đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước mình thôi. Chúng tôi đã ra trận là quyết tiến, không né tránh".

CCB Lò Xuân Xanh chăm sóc  diện tích rừng trồng của gia đình.

2 năm sau đó, anh Lò Xuân Xanh về nước và được điều về công tác tại Huyện đội Nghĩa Lộ (tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ). Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh Xanh lại được triệu tập tại Sư đoàn 355, Trung đoàn 468 với vị trí là trợ lý hậu cần. Không chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển đạn dược, quân tư trang phục vụ sẵn sàng chiến đấu, khi cần, anh vẫn hăng hái xung phong tuyến đầu, lên trận địa pháo cùng với đồng đội đóng góp công sức vào cuộc chiến tranh vệ quốc. Cũng có lúc anh chở vũ khí lên tuyến trên rồi lại chở thương binh về tuyến dưới để chăm sóc, chữa trị vết thương.

Giữa làn đạn, ít ai xông pha trận tuyến có thể bảo toàn tuyệt đối tính mạng. Anh Xanh cũng vậy, nhiều mảnh đạn xượt qua vai, lưng, giờ vẫn còn để lại di chứng. Mỗi khi thời tiết thay đổi, cơ thể đau nhức, mệt mỏi. Song, nghị lực trường tồn của người lính Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng để làm gương cho các thế hệ con, cháu. "Là công dân Việt Nam, khi đất nước có chiến tranh, khi Tổ quốc cần là chúng tôi lên đường, nếu có chết thì cũng vì Tổ quốc. Mỗi người đóng góp một chút công sức, đất nước mới vững mạnh được" - ông Xanh bộc bạch.

Từ năm 1982 - 1989, ông Xanh chuyển ngành về công tác tại Phòng Kế hoạch Thống kê rồi Phó chánh Văn phòng UBND huyện Than Uyên. Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB huyện Than Uyên, rồi giữ vị trí Chủ tịch Hội CCB xã Thân Thuộc 2 khóa và về nghỉ hưu theo chế độ của nhà nước

Tiên phong thời bình

Nói về "cái khó" khi làm công tác hội ở cơ sở, CCB Lò Xuân Xanh tâm sự: "Rời quân ngũ, nhiều người lính trở về quê hương phát triển kinh tế gia đình song cũng chưa hiểu rõ về vai trò của tổ chức hội CCB. Do thói quen sinh hoạt của địa phương, một số hội viên đã uống rượu, không làm chủ được mình gây mất đoàn kết ở khu dân cư. Nhiều khi khuyên giải, ngăn cản không được, tôi phải dùng đến "kỷ luật quân đội" để "xử" mới xong. Mình là người lính Cụ Hồ, được rèn luyện trong môi trường quân đội thì dù điều kiện, hoàn cảnh cuộc sống như thế nào, vẫn phải giữ vẹn nguyên hình ảnh của người chiến sỹ cách mạng Việt Nam".

Cũng như nhiều đồng đội khác, khi về quê hương, ông Xanh phải đối mặt với nỗi lo cơm áo đời thường với gánh nặng 4 đứa con thơ. Chỉ nhờ đồng lương ít ỏi thì không thể đảm bảo cuộc sống gia đình. Việc đầu tiên ông cùng gia đình bắt tay vào trồng rừng. Những khoảng đồi trọc, thậm chí hoang vu lau lách, ông cùng vợ và các con phát dọn, trồng 4ha rừng gồm các loại cây: thông, mỡ, bồ đề. CCB Lò Xuân Xanh là người đầu tiên trong xã tiên phong trồng rừng. Ông Xanh còn nhận hợp đồng ươm cây giống để phục vụ cho công tác trồng rừng của huyện. Gắn bó với rừng đã nhiều năm như vậy nên mới đây, ngôi nhà sàn trị giá trên nửa tỷ đồng của gia đình ông được thiết kế theo kiểu vừa cổ kính, vừa hiện đại nhưng hoàn toàn bằng chất liệu gỗ. Chỉ vào những thanh gỗ làm sàn nhà, ông Xanh tự hào: "Được như vậy, chẳng bõ công sức mấy chục năm của 2 vợ chồng tôi".

Ở huyện Tân Uyên nói chung, xã Thân Thuộc nói riêng, CCB Lò Xuân Xanh nổi tiếng bởi ông luôn đi tìm cái mới chưa ai làm thì ông làm, cái khó chưa ai dám thử sức thì ông đã vượt qua. Từ làm nhà máy gạch cho đến kinh doanh dịch vụ du lịch bằng hình thức du thuyền qua sông Nậm Mu (từ địa phận xã Nậm Cần vào đến bản Chát (Mường Kim, Than Uyên). Rồi kể cả việc thu mua tôm, cá do ngư dân khai thác được trên sông Nậm Mu để bán ra chợ huyện. Ông Xanh cho biết, những năm đầu làm nhà máy gạch, lúc đó chưa có đơn vị cạnh tranh nên sản phẩm gạch của gia đình ông làm ra lúc nào cũng "đắt như tôm tươi". Có thời điểm, gia đình ông thu nhập 100 triệu đồng/tháng từ sản xuất gạch xây dựng. Còn làm dịch vụ du lịch, thời gian đầu, khách trong và ngoài tỉnh tấp nập khám phá, trải nghiệm cảm giác được trôi theo dòng nước, ngắm mây, trời, núi non. Ông Xanh cũng là người rất "mát tay" trong chăn nuôi. Thiếu vốn, ông vay thêm 20 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội mua 14 con bò. Chỉ trong 3 năm, đàn bò của gia đình ông phát triển lên 36 con, cộng với 5 con trâu sinh sản. Có lẽ CCB Lò Xuân Xanh quá khiêm tốn khi cho chúng tôi biết, trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Bởi mới đây, gia đình ông Xanh là hộ đầu tiên trong xã mua ôtô để sử dụng cho việc đi lại của gia đình.

Trong câu chuyện với CCB Lò Xuân Xanh, tưởng như hành trình để có cuộc sống ấm no, sung túc của gia đình ông rất yên ả. Song tôi nghĩ, âm thầm vượt lên trên những gian khó, giấu đi những mệt mỏi để đạt kết quả như hôm nay của ông Xanh thật đáng quý và trân trọng.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...