Thứ sáu, 26/04/2024, 08:22 [GMT+7]

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo

Thứ ba, 28/03/2017 - 10:03'
Việc nâng cao trình độ, năng lực của khoa học và công nghệ (KH và CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. ĐMST luôn là những kế hoạch lâu dài, đòi hỏi những cơ chế, chính sách phù hợp và sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội.

Cán bộ Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu, ứng dụng, phân tích mẫu địa chất trên máy huỳnh quang tia X-XRF.Ảnh: MINH TÂM

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mang lại những cơ hội lớn và cả những thách thức đối với nước ta. Đây chính là thời điểm yếu tố về năng lực sáng tạo cần được thể hiện đúng vai trò, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới: quốc gia phát triển dựa vào KH và CN, ĐMST thay vì dựa vào vốn, tài nguyên, lao động như hiện nay. Việc cải thiện được chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) và Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu sẽ tăng được tiềm lực phát triển của quốc gia. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về chỉ số ĐMST, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế, tụt bảy bậc so với năm 2015. Tuy nhiên, nước ta vẫn được đánh giá là mạnh ở các chỉ số thuộc nhóm đầu ra của ĐMST (bao gồm sản phẩm của tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo). Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài đã giúp Việt Nam đạt thứ hạng cao ở chỉ số về “hấp thụ tri thức”, “dòng vốn đầu tư nước ngoài”, cũng như “lan truyền tri thức”, hay “đăng ký nhãn hiệu hàng hóa”. Nhưng Việt Nam bị đánh giá là còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “tỷ lệ lao động nữ có trình độ”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”, “xuất khẩu dịch vụ ICT”, “nhập khẩu dịch vụ ICT”. Thứ trưởng Bộ KH và CN Trần Việt Thanh cho rằng, thứ hạng về môi trường cạnh tranh của Việt Nam năm 2016 đã có sự cải thiện tốt hơn (tăng chín bậc so với năm 2008), thứ hạng trong xếp hạng Chính phủ điện tử cũng tăng 10 bậc so với năm 2014, nhưng việc giảm thứ hạng về chỉ số ĐMST và năng lực cạnh tranh cho thấy chúng ta cần có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực. Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, từ nhiều năm nay rất ít doanh nghiệp Việt Nam thật sự quan tâm nghiên cứu và phát triển, cho nên mức độ ĐMST còn thấp và thiếu sự kết nối với hoạt động nghiên cứu của các tổ chức KH và CN. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động đối với các tổ chức KH và CN vẫn chưa thật sự phát huy tác dụng, dẫn đến nhiều phòng thí nghiệm hoạt động chưa hiệu quả, thiếu nguồn lực có chất lượng cao về KH và CN đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cơ chế, chính sách về KH và CN mặc dù đã có những cải thiện tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn, chưa khuyến khích nghiên cứu phát triển, chưa thành động lực để thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Bên cạnh đó, mặc dù các trường đại học là nơi có khả năng tạo ra nhiều sáng chế, nhưng vẫn chưa có sự phối hợp với các viện nghiên cứu, tổ chức KH và CN, các doanh nghiệp, cho nên không thể đưa các sáng chế ra thị trường. Bởi vậy, cần đánh giá lại vai trò quan trọng của các trường đại học trong hệ sinh thái ĐMST.

Theo Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh, để nâng cao năng lực ĐMST, Bộ KH và CN sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai, các chính sách phát triển KH và CN. Trong đó sẽ tập trung ứng dụng các kết quả nghiên cứu triển khai, thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và thương mại hóa tài sản trí tuệ, nhất là tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam; hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức KH và CN trong xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền SHTT; tạo ra các mạng lưới, hạ tầng giúp cho các chủ thể của quá trình có những định hướng và sự hỗ trợ thiết thực nâng cao năng lực ĐMST. Bộ KH và CN đang xây dựng đề án thiết lập mạng lưới trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Qua đó sẽ hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận thông tin KH và CN chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền SHTT. Trên cơ sở đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ gia tăng, thắt chặt mối liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đưa hoạt động nghiên cứu, ĐMST trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Theo NHẬT MINH/nhandan/Thứ Bảy, 25/03/2017, 03:23:25

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...