Thứ sáu, 17/05/2024, 11:23 [GMT+7]

‘Không trúng cử Quốc hội cũng là thắng lợi nhỏ’

Thứ năm, 19/05/2011 - 09:47'
Tự ứng cử đại biểu Quốc hội và lọt vào danh sách chính thức, Tổng giám đốc Công ty phát triển hạ tầng Thăng Long, Nguyễn Quang Huân chia sẻ: “Với tôi, cả trong trường hợp không trúng cử thì đó cũng là một thắng lợi”. 

Nữ nghị sĩ không thích chờ đợi

CEO Nguyễn Cảnh Bình: 'Đã tự ứng cử thì đừng sợ thất bại'

Trong số 30 người tự ứng cử tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Huân nằm trong 4 người lọt vào danh sách chính thức. Vị tổng giám đốc (CEO) này cũng thuộc số ít doanh nhân từ một công ty tư nhân cỡ vừa và nhỏ (doanh thu năm 2010 khoảng hơn 40 tỷ đồng) lọt vào “vòng chung kết” của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII.

Ứng viên này cho biết, sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn phát triển bền vững với các công trình hạ tầng và dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, ông mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho đất nước nên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

Không giống các chủ doanh nhiệp tư nhân khác, từ lúc mới thành lập, Công ty phát triển hạ tầng Thăng Long do ông Huân làm Tổng giám đốc đã có mô hình tổ chức về đoàn thể giống một doanh nghiệp nhà nước. Công ty này cũng có chi bộ (ông Huân làm Bí thư), đoàn thanh niên, công đoàn… Bản thân tên của công ty cũng giống một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hơn là đơn vị tư nhân 100%.

Vẻ bề ngoài của ông Nguyễn Quang Huân cũng trông giống giám đốc doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Hiền Thương
Ông Huân cho rằng doanh nghiệp nhà nước cũng có nhiều đặc điểm tốt. Ảnh: Hiền Thương

Giải thích về cơ cấu này, vị tổng giám đốc chia sẻ: “Tôi có 14 năm làm trong nhà nước và nhận thấy cũng có nhiều cái hay ở đó như sự gắn kết về mặt con người, chế độ tuyển dụng, chăm sóc cán bộ công nhân viên… Vì thế, tôi vẫn giữ lại những đặc điểm tốt khi thành lập công ty cùng các cổ đông khác”.

Bên cạnh đó, một lý do được ông Huân đưa ra là: “Trong thể chế chính trị xã hội của Việt Nam, muốn phát triển cùng với thời đại, bản thân mình phải có những thích ứng với mô hình hiện tại để có chung một nhịp đập. Và khi cơ hội đến, mình mới có thể khai thác được”.

Trước khi thành lập doanh nghiệp riêng, ông Huân từng làm việc tại Công ty cấp nước Hải Phòng lúc mới tốt nghiệp Đại học Bách khoa, khoa Chế tạo máy. Sau khi tham gia các dự án về cấp nước do Phần Lan tài trợ, năm 1996, Huân sang Phần Lan học về quản lý chuyên ngành nước và môi trường. Năm 2000, kỹ sư này về đầu quân cho Công ty tư vấn Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam, thuộc Bộ Xây dựng.

Nhưng chỉ một năm sau, ông quyết định “ra riêng” cùng với hai cán bộ về hưu tại công ty này (Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Khai và ông Nguyễn Học Văn, nguyên Phó giám đốc của công ty tư vấn nói trên). Ông Huân tâm sự: “Trong công ty nhà nước có nhiều điều hay nhưng cũng có cái dở là khô cứng và chậm thay đổi. Mình muốn làm cái gì đó mới thì phải báo cáo quá nhiều cấp và rất khó thực hiện ý tưởng đặt ra. Nếu cứ mãi như vậy thì động lực vươn lên sẽ giảm sút và khó phát triển. Vì thế, mình ra làm ngoài để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn và được thể hiện những ý tưởng mới nhanh hơn”.

Năm nay, quyết định tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII được coi là một bước ngoặt trong cuộc đời của ông Huân. Vị tổng giám đốc cho biết: “Mấy năm trước, việc làm này sẽ bị coi là viển vông bởi cơ hội trúng cử rất thấp. Ở một số nơi thì việc tự ứng cử còn bị coi là ‘không bình thường’. Thế nhưng, tình hình đã thay đổi”.

Ông Huân cho rằng, khi đã lọt vào danh sách chính thức, ứng viên tự ứng cử cũng có cơ hội như người được giới thiệu. Ảnh: Hiền Thương
Ông Huân cho rằng, khi đã lọt vào danh sách chính thức, ứng viên tự ứng cử cũng có cơ hội như người được giới thiệu. Ảnh: Hiền Thương

Theo phân tích của ứng viên này, việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã trở nên quen thuộc hơn với nhiều cử tri. Cùng với chủ trương dân chủ trong ứng cử và bầu cử, những người tự ứng cử cũng có nhiều cơ hội hơn. Đặc biệt, ở khu vực thành thị như Hà Nội và TP HCM, nếu không bị rơi vào khu vực của những “nhân vật nặng ký”, người tự ứng cử lọt vào danh sách chính thức với những đặc điểm nổi bật có cơ hội không kém gì những ứng viên được giới thiệu.

Đánh giá về cơ hội trúng cử tại đơn vị bầu cử số 7 (huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai - Hà Nội), vị tổng giám đốc này cho rằng, mình có thể đem đến một “luồng gió mới”, góc nhìn khác về những vấn đề cử tri đang quan tâm. Thay vì những vấn đề quá vĩ mô, ông Huân tập trung vào những vấn đề mang tính dân sinh, thiết thực với đời sống hàng ngày như đền bù, tái định cư; cấp thoát nước, vệ sinh, rác thải… Đây cũng là những công việc mà ông Huân vẫn làm hàng ngày với công việc kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm thành công trong công tác tư vấn thực hiện nhiều dự án ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ứng viên này dự kiến có những đề xuất mới giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc làm cầu nối giữa người dân, chính quyền và nhà tài trợ, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo hiệu quả hoạt động, đồng thời vẫn giữ gìn được môi trường cũng như vấn đề an sinh xã hội. Đây cũng là lý do công ty đã và đang cung cấp các dịch vụ tư vấn thông qua hàng trăm hợp đồng cho các dự án lớn nhỏ do WB và ADB tài trợ. Những kinh nghiệm này sẽ được tôi đóng góp nhiều hơn cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA nếu trúng cử đại biểu Quốc hội”, ông Huân nói.

Tổng giám đốc Công ty phát triển hạ tầng Thăng Long cho rằng, cái được lớn nhất của việc tự ứng cử là ông có thêm nhiều cơ hội làm việc với các cấp chính quyền cơ sở, mở rộng mối quan hệ và phát hiện thêm những khả năng mới của chính mình trong việc tạo ra cầu nối giữa chính sách với cuộc sống.

Không bận tâm về khả năng thất bại, ứng viên này tâm sự: “Cho đến thời điểm này, tôi thấy mình đã thắng lợi rồi. Bởi với tôi, trúng cử là một thắng lợi lớn, còn không cũng là một thắng lợi nhỏ. Nếu như trước đây những người tự ứng cử chỉ là ‘quân xanh’ thì bây giờ họ đã có cơ hội lớn hơn. Điều này thể hiện một thay đổi quan trọng trong hệ thống chính trị nước nhà và tôi rất vui vì được góp phần vào ‘luồng gió mới’ đó”.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...