Thứ bảy, 27/04/2024, 07:38 [GMT+7]

Bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ chè cổ thụ

Thứ sáu, 27/01/2023 - 21:39'
(BLC) - Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng một hệ sinh thái rừng đa dạng với nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những năm gần đây, huyện Phong Thổ luôn quan tâm triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ chè.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn; trong đó hầu hết là các xã biên giới, có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Nơi đây, khí hậu mát mẻ quanh năm, có nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, do cây chè sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên năng suất thấp. Người dân chưa có thu nhập nhiều, chưa quan tâm bảo vệ cũng như đầu tư chăm sóc. Trước đây, có lúc, có nơi, người dân còn chặt hạ chè để thu hái, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Lãnh đạo huyện Phong Thổ cùng cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, xa Mồ Sì San khảo sát vùng chè cổ thụ.

Lãnh đạo huyện Phong Thổ cùng cán bộ chuyên môn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, xã Mồ Sì San khảo sát vùng chè cổ thụ.

UBND huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã tuyên truyền, phân tích để Nhân dân hiểu được giá trị của chè cổ thụ cũng như hướng dẫn bà con cách thu hái đảm bảo kỹ thuật. Đồng thời, triển khai xây dựng và ban hành đề án bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện; giao cho cơ quan chuyên môn kiểm đếm cụ thể, gắn biển tên từng cây chè. Giao từng cây cho các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã để quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Xây dựng và bổ sung vào quy ước, hương ước tại các bản trên địa bàn về quản lý và bảo vệ chè cổ thụ.

Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất, nâng tầm giá trị của chè. Quan tâm đầu tư kinh phí làm các tuyến đường giao thông ra các vùng chè cổ thụ ở các xã: Sì Lở Lầu, Hoang Thèn và Mồ Sì San. Triển khai trồng mới chè cổ thụ ở các xã: Hoang Thèn, Mồ Sì San. Nhờ đó, người dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia bảo tồn và phát triển chè cổ thụ.

Qua thống kê, hiện toàn huyện có khoảng 8.000 cây chè cổ thụ (Shan tuyết), chiếm 50% số lượng chè cổ thụ trên địa bàn tỉnh. Sản lượng ước tính 1-2 tấn chè khô/năm. Chè phân bố rải rác ở các xã: Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Mồ Sì San, Dào San, Tung Qua Lìn... và riêng xã Hoang Thèn trồng mới được thêm 23,81ha chè cổ thụ (đã nghiệm thu), xã Mồ Sì San trồng mới 2ha chè cổ thụ. Diện tích chè cơ bản phát triển tốt, bước đầu diện tích chè cũ mang lại thu nhập cho người dân địa phương.

Cán bộ xã Mồ Sì San giới thiệu về các sản phẩm chè cổ thụ tới đoàn khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh.

Cán bộ xã Mồ Sì San giới thiệu về các sản phẩm chè cổ thụ tới đoàn khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tìm hiểu rõ hơn về chè cổ thụ, chúng tôi vượt chặng đường đèo dốc quanh co từ thành phố Lai Châu để đến với xã Mồ Sì San - một trong những địa phương được đánh giá có số lượng chè cổ thụ nhiều nhất huyện (trên 2.000 cây). Mùa này, thời tiết của Mồ Sì San lạnh buốt, thời điểm gần trưa mây mù vẫn giăng khắp lối khiến cảnh vật, con người nhìn xa mờ ảo. Anh Tẩn Chin Lùng - Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San hồ hởi đón khách và cho biết, các cây chè cổ thụ trên địa bàn xã đã trên 100 năm tuổi. Chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, được ngấm đủ hương sắc đất trời nên khi pha chè rất ngon, khác hẳn hương vị chè ở vùng khác. Đây cũng chính là yếu tố được nhiều khách hàng gần xa lựa chọn.

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Hợp tác xã Biên Cương đã ra đời, chuyên thu mua chè tươi của bà con để chế biến, cung ứng các sản phẩm: hồng trà, hoàng trà và trà xanh (các sản phẩm này đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao). Bán với giá 1,5-2,5 triệu đồng/kg chè khô. Từ bán chè tươi cho hợp tác xã (giá từ 50-100 nghìn đồng/kg), người dân có thêm thu nhập. Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên gần 24 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng so với năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 72%.

Chè cổ thụ ở huyện Phong Thổ đã hàng trăm năm tuổi.

Chè cổ thụ ở huyện Phong Thổ hàng trăm năm tuổi.

Với xã Dào San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Hoang Thèn... toàn bộ cây chè cỗ thụ được Nhân dân đang bảo vệ bằng cách nhận chăm sóc, thu hái đúng quy cách, hầu như không còn tình trạng chặt hạ chè. Nhân dân mang sản phẩm chè khô bán cho khách hàng trong và ngoài huyện.

Dự kiến thời gian tới huyện tiếp tục triển khai trồng mới chè cổ thụ. Phấn đấu đến năm 2025 trồng mới bổ sung 120ha chè vào diện tích rừng thưa hoặc diện tích nương rẫy. Kêu gọi HTX tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở chế biến chè. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại vùng chè cổ. Phát triển du lịch trải nghiệm những công việc hàng ngày của người dân địa phương... thu hút du khách tham gia.

Có thể thấy, chủ động làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế từ chè cổ thụ cộng với định hướng rõ ràng theo lộ trình cụ thể, huyện Phong Thổ đang giúp người dân có thêm điều kiện nâng cao thu nhập, mặt khác nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống trong lành.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...