Thứ bảy, 27/04/2024, 06:00 [GMT+7]

Cây mắc ca trên đất Tân Uyên

Thứ tư, 16/09/2020 - 15:03'
(BLC) - Những đồi chè xanh ngút tầm mắt, cánh đồng rộng màu mỡ không để đất trống, trảng đồi phủ màu xanh của rừng kinh tế (quế, sơn tra…) và giờ đây đồng đất Tân Uyên còn được tạo điểm nhấn bởi hàng trăm hécta mắc ca, hứa hẹn bước đột phá trong chuyển đổi sản xuất lâm nghiệp, hình thành vùng chuyên canh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hơn hết là thực hiện thành công mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất gắn với bảo vệ môi trường.

Những ngày đầu tháng 8, trong các chuyến công tác về xã Mường Khoa, Trung Đồng, Hố Mít, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người dân tất bật nhận, vận chuyển cây mắc ca giống lên đất chè trồng xen. Đây là dự án trồng mắc ca xen chè thuộc Chương trình 30a/CP - hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ mà UBND huyện giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khảo sát, triển khai trên diện tích 64ha tại 3 xã trên. Trong câu chuyện, ai nấy đều hồ hởi, kỳ vọng tương lai không xa, kinh tế gia đình sẽ thêm khởi sắc từ loại cây này. Mặc dù Trung Đồng là xã cuối cùng nhận và thực hiện trồng mắc ca (ngày 14/8) nhưng thời tiết thuận lợi, giúp 19 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của bản Tát Xôm (được xã lựa chọn thực hiện dự án với 9ha mắc ca xen chè) dễ dàng trong khâu nhận giống đảm bảo an toàn về bầu cũng như hạn chế thấp nhất tình trạng gẫy ngọn.

Khi được thông báo buổi chiều có đơn vị cung ứng giống và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực tiếp xuống cấp phát cây giống, gia đình chị Lò Thị Phiêng (bản Tát Xôm) nhờ anh em đưa xe máy và xe cải tiến đến chở cây giống lên nương chè. Là cây trồng mới, sau khi nhận xong, chị không vội về mà nán lại để nghe đại diện đơn vị cung ứng hướng dẫn cách vận chuyển, bảo quản, trồng, chăm sóc mắc ca. Chị Phiêng chia sẻ: Gia đình tôi thuộc diện mới thoát nghèo và đợt này được hỗ trợ phân bón, 183 cây giống mắc ca trồng xen chè. Tôi cố gắng nắm bắt kỹ thuật được hướng dẫn, đảm bảo sau trồng, tỷ lệ cây sống cao nhất và hy vọng sau 4 năm, mắc ca sẽ giúp gia đình có thu nhập cao.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, mỗi cây chuyển xuống từ xe đều được anh Bùi Vũ Anh - Phó Giám đốc trung tâm giống Ba Vì (Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến Hà Nội) - chuyên cung ứng cây giống mắc ca cho huyện nhiều năm cẩn thận kiểm tra từng ngọn, bầu. Anh Anh cho biết: Đợt này, chúng tôi cung cấp cho 3 xã theo Chương trình 30a/CP tổng số hơn 7.000 cây giống. Cũng như các đợt cung ứng trước, đơn vị luôn đảm bảo về số lượng, chất lượng. Các cô có thể thấy, mỗi cây giống khi chuyển qua tay, bầu cây đều rất chắc, điều đó khẳng định bộ rễ to, khỏe với thời gian nằm trong vườm ươm lâu; lá cây xanh, chiều cao đảm bảo quy định xuống giống. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, đặc biệt bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ở tất cả các khâu, đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt từ 95-97%. Sau khi cung ứng, chúng tôi cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên về cơ sở cùng với bà con giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Anh

Anh Bùi Vũ Anh - Phó Giám đốc trung tâm giống Ba Vì (Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến Hà Nội) hướng dẫn người dân bản Tát Xôm kỹ thuật trồng mắc ca.

Sau 3 năm tham gia Dự án xây dựng mô hình thâm canh cây mắc ca bằng giống TBKT (thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương 2018 - 2020), chị Hoàng Thị Đôi (bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng) gạt bỏ lo lắng về việc cây có sống tốt hay kỹ thuật chăm sóc đã đảm bảo, bởi toàn bộ diện tích (trên 100 cây mắc ca xen chè) sinh trưởng, phát triển tốt, một số cây đã bói quả. Theo chị Đôi, tham gia Dự án, gia đình chị cũng như 14 hộ dân trong bản được cấp 100% giống, phân bón năm đầu và 70% giá phân bón năm thứ 2. Là cây trồng mới nên ban đầu, chị khá lo lắng, băn khoăn. Được cán bộ kỹ thuật cơ quan chuyên môn huyện thường xuyên về kiểm tra, hướng dẫn cách chăm sóc ở từng giai đoạn phát triển, chị rất yên tâm. Mỗi năm chỉ phải chăm sóc 2 lần (tháng 3-4 và 7-8) nhưng các hộ đều kết hợp chăm sóc thêm khi làm cỏ, bón phân cho chè và kỳ vọng mắc ca sẽ cho thu hoạch mùa đầu tiên vào năm 2021.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, mắc ca không phải là cây trồng mới của huyện Tân Uyên mà chỉ là tập trung mở rộng diện tích theo Đề án từ năm 2017. Trước đó, năm 2012, ông Nguyễn Xuân Cát (Tổ dân phố số 1, thị trấn Tân Uyên) tiên phong đưa cây này về trồng trên đất chè của gia đình. Lí do được ông Cát chia sẻ: Năm 2012, tình cờ nghe đài, tôi biết đến mắc ca là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thể trồng thuần hoặc xen chè. Khi ấy trên địa bàn chưa có gia đình nào trồng, tôi phải về Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tìm hiểu. Sau khi nhận được 200 cây giống mắc ca của Viện hỗ trợ, tôi trồng xen trên diện tích 1ha chè. Sau 3 năm cây cho thu hoạch với thu nhập hơn 40 triệu đồng và ngày càng tăng cho những năm tiếp theo.

Từ quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hướng tới sản xuất hàng hóa với việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thu mua, bao tiêu sản phẩm cho Nhân dân cộng với minh chứng rất rõ ràng về hiệu quả kinh tế từ mô hình mắc ca xen chè của gia đình ông Cát, UBND huyện Tân Uyên đã dồn lực triển khai thực hiện Đề án phát triển cây mắc ca giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, quy hoạch vùng dự án gồm 7 xã, thị trấn: Mường Khoa, Phúc Khoa, Pắc Ta, Thân Thuộc, Trung Đồng, thị trấn Tân Uyên (trồng xen chè) và xã Nậm Sỏ (trồng thuần) với 777 lượt hộ dân tham gia. Đảm bảo Đề án thành công, căn cứ chỉ tiêu, kế hoạch vốn của UBND tỉnh và nhu cầu hỗ trợ của Nhân dân, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích trồng mắc ca. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung trong Đề án, kỹ thuật trồng và mức hỗ trợ khi tham gia. Hình thức tuyên truyền đa dạng, cụ thể thông qua hội nghị về nông lâm nghiệp, triển khai nghị quyết, họp cơ quan, bản và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Cơ quan chuyên môn xây dựng, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca cho Nhân dân. Các chính sách hỗ trợ triển khai kịp thời, quá trình thực hiện có sự “cầm tay chỉ việc” của cơ quan chuyên môn, Nhân dân các địa phương chủ động, tích cực hưởng ứng.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đến hết tháng 8, huyện Tân Uyên có tổng diện tích 819,8ha, trong đó xen chè 628,8ha, trồng thuần 191ha. Riêng năm 2020, Công ty An Đức Minh Capital (Hà Nội) phối hợp với người dân triển khai trồng 210ha (trồng thuần 30ha tại xã Nậm Cần, trồng xen chè 180ha tại thị trấn Tân Uyên); thực hiện Dự án trồng mắc ca xen chè thuộc Chương trình 30a/CP tại các xã: Mường Khoa, Trung Đồng, Hồ Mít. Đối với diện tích xen chè sinh trưởng, phát triển tốt nhưng diện tích trồng thuần chưa được người dân quan tâm chăm sóc và đất bị rửa trôi, xói mòn do địa hình dốc, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn gia súc của các xã chưa tốt, còn tình trạng phá hoại mắc ca, tập trung ở xã Nậm Sỏ. Vấn đề này đang được các địa phương khẩn trương triển khai giải pháp khắc phục.

Mặc dù rất ít diện tích cho bói quả nhưng trên địa bàn tỉnh, Nhân dân huyện Tam Đường, thành phố Lai Châu đã có mùa vụ mắc ca thắng lợi. Điều này tạo niềm tin, động lực để người dân Tân Uyên chú trọng đầu tư công sức để cây không phụ công người chăm sóc.

Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...