Thứ bảy, 18/05/2024, 22:32 [GMT+7]

Chăn nuôi - Mũi nhọn phát triển kinh tế của Ma Quai

Thứ bảy, 30/03/2019 - 18:57'
(BLC) - Duy trì tốc độ tăng đàn từ 4,5 – 5%/năm; nhiều hộ có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi là kết quả xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) đạt được khi xác định chăn nuôi là hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế.

Với diện tích bãi chăn thả lớn, điều kiện khí hậu tương đối thích hợp, xã Ma Quai đã xác định là chăn nuôi là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của xã. Ông Lò Văn Tinh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra chỉ tiêu phát triển đàn gia súc từ 4,5 – 5%/năm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã và các hội, đoàn thể thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung phòng, chống đói rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; mở rộng diện tích trồng cỏ để chuyển đổi từ thả rông sang nuôi nhốt; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) mua gia súc. Nhờ đó, xã luôn đạt chỉ tiêu tăng đàn, không để xảy ra tình trạng trâu, bò chết do đói, rét vào mùa đông.

Chú trọng chăn nuôi nên trong chuồng của gia đình anh Lò Văn Dom ở bản Ma Quai Thàng thường xuyên duy trì 8 con trâu, 2 con lợn sinh sản và gần 100 con gà. Mỗi năm, bán gia súc, gia cầm, anh có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh Dom chia sẻ: Xây dựng được mô hình chăn nuôi như hiện nay là nhờ sự quan tâm, định hướng của xã, Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện cho vay 8 triệu đồng (năm 2008). Với số tiền đó tôi mua con giống để chăn nuôi. Chăm sóc, phòng bệnh tốt, nguồn thu nhập tăng dần, gia đình tôi thoát nghèo từ 3 năm nay. 

Bản Ma Quai Thàng có 89 hộ dân tộc Lự. Trong những năm qua, phát triển kinh tế của bản tập trung vào cây ngô, lúa và chăn nuôi. Với giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, dân bản xác định chăn nuôi là hướng phát triển chủ lực giúp nâng cao thu nhập. Hiện, bản có 160 con trâu, 32 con dê và 249 con lợn. Trung bình các hộ nuôi từ 2 - 3 con trâu. Từ chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm dần qua các năm, hết năm 2018 còn 18 hộ nghèo.

Anh Lò Văn Nọi - Trưởng bản Ma Quai Thàng cho biết: Chăn nuôi gia súc nói chung và trâu nói riêng là hướng phát triển kinh tế được nửa số hộ trong bản lựa chọn. Đảm bảo tăng đàn, bản phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã tạo điều kiện cho hội viên vay vốn Ngân hàng CSXH để mua gia súc. Thường xuyên vận động bà con chú trọng khâu phòng chống dịch bệnh. Cách đây 4 năm, bản có 7 hộ được hỗ trợ mua trâu sinh sản từ chương trình giảm nghèo của Chính phủ, hiện các hộ đã thoát nghèo.

Chăn nuôi hướng đi mũi nhọn trong phát triển kinh tế

Tập trung phát triển chăn nuôi, gia đình anh Lò Văn Dom ở bản Ma Quai Thàng có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.

Xã Ma Quai có tổng đàn gia súc trên 3.819 con, trong đó 1.470 con trâu, 62 con bò. Thực hiện mục tiêu phát triển đàn gia súc, UBND xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông và trưởng các bản vận động hộ chăn nuôi tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ đảm bảo thức ăn vào mùa đông, tổ chức tốt công tác tiêm vắcxin phòng chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc. Riêng năm 2018, xã tổ chức tiêm phòng vắcxin tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò được 863/900 liều (đạt 95,78% kế hoạch); tổ chức phun tiêu độc khử trùng môi trường tại 9/9 bản với diện tích 108.000m2. Tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH mua trâu, bò sinh sản.

Chú trọng phát triển chăn nuôi, cuối năm 2018, đàn gia súc của xã tăng 318 con so với năm 2017, tốc độ tăng đàn đạt 4,9%. Ông Lò Văn Ướng - Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thực hiện tốt công tác phát triển đàn gia súc trong năm nay và các năm tiếp theo, chúng tôi tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp để từng bước tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Chú trọng chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, khuyến khích các mô hình trang trại chăn nuôi, tăng cường công tác thú y, kiểm dịch động vật, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng đàn từ 4,5%/năm.

Tăng đàn gia súc không chỉ giúp xã Ma Quai tận dụng tốt thế mạnh từ đồng đất còn thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành hướng kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Ninh Tuyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...