Thứ sáu, 17/05/2024, 13:50 [GMT+7]

Doanh nghiệp tính chuyện thu hẹp sản xuất vì lãi suất cao

Thứ tư, 18/05/2011 - 08:26'
Lãi suất lên cao ngất ngưởng khiến nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh "sống dở chết dở", chỉ biết hoạt động cầm chừng. Còn nhà băng cũng kêu than thiếu vốn để cho vay. 

Ông Lê Việt Hà, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hanco cho biết, trong bối cảnh lãi vay quá cao như hiện nay, từ đầu năm tới giờ, tháng nào công ty ông cũng thua lỗ, may mắn lắm thì hòa vốn.

Với mức lãi suất 22% một năm cho khoản tiền 40 tỷ đồng mà công ty đang vay, hằng tháng Hanco phải đóng lãi gần 1 tỷ đồng, chưa kể các chi phí nguyên vật liệu, lao động khác đều tăng... Theo ông, chi phí vốn quá cao như vậy, không thể nào kinh doanh có lời được.

Trong bối cảnh này, để cầm cự sản xuất, ông Hà cho biết Hanco đã phải đưa ra một số thay đổi như, thay vì trước kia nhập nguyên liệu cho cả năm thì nay chỉ nhập theo quý, sản xuất tới đâu bán tới đó, hạn chế tối đa sự tồn kho... để cân đối nguồn vốn.

Giám đốc kinh doanh một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tại TP HCM cũng thốt lên: "Lãi vay trên 20% như hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh không khéo sẽ chết ngay". Theo ông, đây là giai đoạn cầm cự, bởi sản phẩm tiêu thụ ít hơn trước và bản thân doanh nghiệp dè dặt với vốn vay, song cũng không thể cắt giảm lao động hơn nữa.

"Phải tìm thị trường mới, sản phẩm mới để tăng sản lượng và thị trường nông thôn là một nơi nhiều tiềm năng cho những sản phẩm hàng tiêu dùng của doanh nghiệp. Các phương án kinh doanh lập tức xúc tiến ngay, chứ không để trên giấy như trước nữa”, ông chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại Khu công nghiệp Tân Tạo cũng cho biết, khoản vay 5 tỷ đồng, lãi suất 20% của công ty ông đến kỳ đáo hạn, vừa mới được ngân hàng thông báo sẽ nâng thêm 1%. Nếu không đồng ý họ sẽ không cho vay. "Đành nhắm mắt chấp nhận vay, nếu không thì công ty sẽ phải đóng cửa", ông này ngao ngán nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vì quá "choáng" với mức lãi suất cao đã nghĩ đến phương án 'dở' nhất trong kinh doanh là lấy tiền gửi tiết kiệm. Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3, ông Phạm Xuân Hồng than thở: "Khách hàng, thị trường có sẵn, nhưng không dám mở rộng đầu tư vì lãi suất quá cao. Năm ngoái, lãi vay tầm 17-18%, lợi nhuận đã không bao nhiêu, huống chi trên 20% như hiện nay".

Doanh nghiệp đau đầu bài toán lãi suất. Ảnh: Hoàng Hà

Ông tính toán, nếu năm nay đi vay với tỷ lệ chừng 50-70% để sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cầm chắc cái lỗ, may mắn lắm thì huề vốn. Còn nếu dùng 100% vốn vay, chắc không thể sống nổi, bởi mọi chi phí tăng cao nhưng giá bán khó lên tương ứng.

Ông Hồng cho biết dự định mở rộng đầu tư thêm của công ty đành tạm gác lại, có năng lực bao nhiêu làm bấy nhiêu và không dám gõ cửa nhà băng. Do vậy, dù có trong tay 10 tỷ đồng và cần thêm 10 tỷ nữa để phục vụ sản xuất kinh doanh, ông cũng không vay. Thay vào đó, dùng 10 tỷ đồng tự có gửi ngân hàng hưởng lãi suất, còn hoạt động kinh doanh thu gọn lại, có gì làm nấy.

Lãi vay tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân được doanh nghiệp niêm yết đề cập nhiều nhất trong phần giải trình lý do lợi nhuận quý I biến động trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

Điển hình như Công ty cổ phần Basa (mã BAS) lỗ 3,17 tỷ đồng trong quý 1. Mới đây, trong công văn giải trình số liệu tài chính về kế hoạch kinh doanh 2011 gửi lên HOSE và Ủy ban chứng khoán, công ty dự kiến mức lỗ trong quý II sẽ cao hơn nữa. "Bởi lãi suất vay ở ngân hàng hiện lên tới 21%, trong khi quý đầu năm chỉ khoảng 17%. Ngoài ra, việc thu mua cá nguyên liệu phải trả ngay thay vì trả chậm như trước nên BAS khó khăn trong xoay sở vốn", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 (TV1) có lợi nhuận trước thuế quý I tăng 82,94% so với cùng kỳ, song doanh nghiệp khẳng định còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. TV1 phải vay nợ nhiều để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, trong khi lãi vay tăng cao dẫn tới chi phí tài chính đội lên nhiều.

"Hiện tại, doanh nghiệp tăng cường quản lý chi tiêu, thực hiện tiết kiệm trong sản xuất, giảm các chi phí không hiệu quả..., để hãm xuống mức thấp nhất mức tăng của tổng chi phí", đại diện TV1 chia sẻ.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM thừa nhận, các mức lãi suất cho vay hiện nay là quá cao và gây khó cho doanh nghiệp. Trong đó, cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu hiện đang ở mức khoảng 15% một năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác 16-20% một năm còn lĩnh vực phi sản xuất từ 20 đến 25% một năm.

Tuy nhiên, theo vị này, về phía nhà băng cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn về vốn. “Hiện nay, để chống lạm phát, các lãi suất chủ chốt đều tăng lên 13-14%, trong khi lãi suất huy động áp trần 14% một năm. Để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng, chúng tôi nhiều phen làm liều phải "đi đêm" với khách nhằm thu hút tiền gửi tiết kiệm nhàn rỗi trong dân cư ", Tổng giám đốc một nhà băng có trụ sở tại TP HCM cho biết.

Lãnh đạo một nhà băng lớn khác cũng bày tỏ, trong thời gian một tháng qua, đơn vị ông đã bị giảm tới gần 5% tiền gửi vì các nhà băng nhỏ hơn “giật” bằng lãi suất cao. "Sau khi tiền gửi giảm, ban lãnh đạo ngân hàng buộc phải thương lượng với các khách hàng có ý định muốn chuyển sang nơi khác bằng một mức lãi suất cao hơn", ông này tiết lộ.

Theo vị chuyên gia tài chính này, mặt bằng lãi suất tăng cao thời gian qua có nguyên nhân quan trọng từ yếu tố tâm lý, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ. "Hầu hết các ngân hàng phải tăng lãi suất để giữ khách hàng chứ không phải để huy động thêm", ông nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank chia sẻ, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh tại nhà băng hiện dao động quanh mức 15-20%. Tuy nguồn vốn hiện tại của HDBank chưa đến mức căng thẳng nhưng nhà băng vẫn đang rốt ráo tìm kiếm vốn từ nhiều nguồn khác chứ không thể trông chờ nhiều vào kênh huy động từ dân cư. "Lượng vốn từ dân cư gửi vào ngân hàng hiện chưa mấy khả quan", bà Thảo nói.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định lãi suất hiện nay cao hơn hồi khủng hoảng 2008 và cũng là mức cao nhất trong vòng vài chục năm trở lại đây.

"Nhiều doanh nghiệp nói với tôi là họ chỉ còn hai việc, một là ném công nhân ra đường, hai là đi buôn lậu. Lãi suất cao thế này họ không sống nổi", ông Nghĩa nói tại buổi công bố Báo cáo thường niên về Kinh tế Việt Nam năm 2011 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trực thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 17/5.

Theo ông Nghĩa, điều đáng nói hiện nay là chính sách tiền tệ bị điều hành giật cục, lúc thắt chặt quá mức rồi có nguy cơ thả quá nhanh, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

"Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2010 chỉ là 10% nhưng cả năm lên tới 34%. Tăng tổng phương tiện thanh toán cũng vậy, lần lượt là 7% và 28%. Năm nay, tình trạng này rất có thể sẽ lặp lại khi 4 tháng, tăng tín dụng chỉ 5%, cung tiền là 1%", ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, một chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng trong bối cảnh dư địa chính sách không còn nhiều, thắt chặt tiền tệ là giải pháp đau đớn nhưng gần như là duy nhất có hiệu quả lúc này để chống lạm phát. Thừa nhận những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, song vị chuyên gia này cho rằng doanh nghiệp cần chia sẻ để nền kinh tế ổn định trở lại và phát triển bền vững hơn.

 

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...