Thứ sáu, 17/05/2024, 11:33 [GMT+7]

Giảm chi phí đầu tư: Cách làm của nông dân thời bão giá

Thứ tư, 18/05/2011 - 09:42'
(BLC) - Giá cả các mặt hàng tăng cao khiến cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Song, nhiều nông dân trong tỉnh đã tìm ra hướng đi, cách làm phù hợp, thích ứng với sự biến động của thị trường.

Nông dân xã San Thàng (thị xã Lai Châu) thu hái chè.

Những ngày này, nông dân trồng chè xã San Thàng, thị xã Lai Châu đang phải đối mặt với việc giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao trong khi giá chè búp tươi không tăng vẫn giao động ở mức 3.500 đồng đến 5.000 đồng/kg.

Nếu như vụ trước, người trồng chè chỉ phải mua phân bón với giá 600.000 đồng/tạ phân đạm thì năy đã tăng lên 900.000 đồng/tạ; đối với phân lân tăng từ 360.000 đồng lên 470.000 đồng/tạ, thuốc trừ sâu cũng tăng từ 18.000 đồng lên 22.000 đồng/1lọ. Đó là chưa kể công thuê hái và làm cỏ  cũng tăng từ 80.000 đến 100.000 đồng/ngày công/người.

Khó khăn là vậy, song nhiều gia đình đã biết tận dụng thế mạnh của địa phương, sử dụng sức lao động của gia đình để giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Nam ở bản Thành Công có trên 5.000m2 chè, do công thuê hái chè đắt, nên tranh thủ mọi thời gian tất cả mọi người trong gia đình đều tham gia thu hái chè.

Qua câu chuyện với anh Nam, chúng tôi được biết, khi giá phân bón tăng cao, anh đã cùng gia đình chặt cây cỏ dại trên rừng và quanh nhà băm nhỏ, rồi ủ thành phân xanh. Đồng thời, tận dụng nguồn phân chuồng của gia đình và xin thêm ở các bản lân cận, ủ với tro bếp cho tới khi hoai mục đem bón cho chè. Cùng với đó, ngay từ đầu vụ, gia đình anh đã nhanh chóng làm sạch cỏ, xới cho đất tơi xốp để cây chè dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và chống được các loại sâu bệnh hại chè…

Nhờ đó, diện tích chè của gia đình anh cho năng suất cao mà đã giảm được nhiều chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Như hàng năm, đến thời điểm này, gia đình anh phải bỏ ra hơn chục triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động nhưng bây giờ chỉ mất 5 - 7 triệu đồng bổ sung thêm đạm, lân cho chè.

Không chỉ gia đình anh Nam mà gia đình anh Đỗ Văn Minh ở bản Thành Công, San Thàng, thị xã Lai Châu; anh Hảng A Páo, ở bản Cư Nhạ La, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường… cũng biết tận dụng các loại phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống gia đình.

Không chỉ giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao mà giá thức ăn trong chăn nuôi cũng liên tục biến động. Năm 2010 giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 10 lần thì chưa đầy 3 tháng đầu năm 2011 đã tăng 3 lần. Song, không vì thế mà nông dân bỏ chuồng trại, họ vẫn tìm mọi cách, thích nghi với thị trường.

Chị Bùi Thị Ươi - hộ chăn nuôi lợn ở bản km2, xã Bình Lư, huyện Tam Đường tâm sự: “Mỗi lứa gia đình tôi nuôi từ 50 đến 70 con. Để có đủ thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, ngoài tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất để trồng ngô, màu gối vụ, vợ chồng tôi còn làm thêm miến dong, nấu rượu vừa tăng thêm thu nhập vừa lấy bã phục vụ cho chăn nuôi. Ngoài ra, chúng tôi đến tận các bản vùng cao thu mua ngô của bà con với giá rẻ và để dự trữ trong thời gian dài”.

Có thể nói, người nông dân luôn là đối tượng được nhà nước quan tâm, hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Trong 6 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ khẳng định giảm đầu tư công nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; bán điện cho hộ nghèo với giá ưu đãi… Song để giúp người nông dân vượt qua khó khăn trước mắt, ngoài sự nỗ lực cố gắng của người nông dân, cấp ủy chính quyền địa phương cần vào cuộc, rà soát quy hoạch đầu tư vùng đất mà từ trước tới nay còn bỏ trống, vận động nhân dân trồng ngô, sắn, đậu tương…phục vụ đời sống, làm nguyên liệu cho chăn nuôi.

 Hội nông dân các cấp phải là điểm tựa vững chắc cho hội viên, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Sử dụng năng lượng, nguyên liệu tiết kiệm, củng cố các mô hình liên kết sản xuất như: tổ, nhóm tiết kiệm vốn, góp vốn…

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...