Thứ sáu, 26/04/2024, 22:38 [GMT+7]

Giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm

Thứ ba, 29/12/2020 - 19:56'
(BLC) - Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm cho người dân được huyện Phong Thổ quan tâm thực hiện. Lao động nông thôn có thêm sinh kế, tăng thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, giải quyết việc làm cho người lao động được Huyện ủy, UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn, xã, thị trấn quan tâm chú trọng. Ngoài kết nối với nhiều đơn vị là công ty, doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động ở trong và ngoài nước, cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 4.755 lao động nông thôn. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn từ 25% năm 2015 lên 50% năm 2020, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra. Đồng thời, giải quyết việc làm mới cho 4.945 lao động, góp phần ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.

Hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ sở đào tạo, UBND xã triển khai thực hiện kế hoạch công tác đào tạo nghề, kiểm tra giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Tính đến hết năm 2020, các xã, thị trấn đã thẩm định danh sách học viên tham gia học nghề và triển khai mở 22 lớp đào tạo nghề với hơn 700 học viên tham gia. Tiêu biểu là xã Bản Lang, Hoang Thèn, Huổi Luông, Sin Suối Hồ... Có nền tảng kiến thức căn bản, người dân chủ động tự tạo việc làm tại chỗ với thu nhập ổn định, chủ yếu là các nghề liên quan đến nông, lâm nghiệp.

Một lớp đào tạo nghề may cho lao động nữ tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ

Lớp đào tạo nghề may cho lao động nữ tại xã Sin Suối Hồ.

Ông Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: Trong năm 2020, xã mở được 2 lớp đào tạo nghề may và lâm nghiệp cho lao động nông thôn với 80 học viên tham gia. Các nghề này phù hợp điều kiện thực tế của xã, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới của xã.

Thông qua phối hợp, liên kết đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của huyện. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, đạt 100% Nghị quyết Đại hội, hiện còn 20,49%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/năm; 4 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 13,5 tiêu chí/xã.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm tại huyện Phong Thổ còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là, việc tuyên truyền các chính sách về lao động, việc làm và giảm nghèo đến người dân có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả. Một số cấp ủy, chính quyền xã, cán bộ, công chức chưa hiểu rõ và thực hiện đầy đủ các chính sách, mục tiêu của chương trình giảm nghèo; một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước chưa thực sự vươn lên thoát nghèo.

Công tác giảm nghèo đạt và vượt Nghị quyết nhưng chưa bền vững; thu nhập của người dân còn ở mức thấp. Nguồn lực bố trí cho các chương trình hạn chế; chất lượng đào tạo nghề có thời điểm chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động…

Tại Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định các chỉ tiêu phấn đấu: mức giảm bình quân hộ nghèo trên 3%/năm; giải quyết việc làm hàng năm cho trên 1.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 44%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm... Theo ông Hà Mạnh Thắng - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, trong thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn huyện, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền chính sách giảm nghèo, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tình hình và nhu cầu thực tế của từng xã, nâng cao chất lượng đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng lao động địa phương.

Đối với huyện, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn thuộc các chương trình giảm nghèo; huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tại các xã, thị trấn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Thực hiện đầy đủ, kịp thời và báo cáo thường xuyên, định kỳ công tác giảm nghèo bền vững.

Hy vọng với những nỗ lực và giải pháp đồng bộ, thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục thu "quả ngọt" trong công tác giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. 

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...