Thứ bảy, 18/05/2024, 21:44 [GMT+7]

Không tổ chức dạy nghề tràn lan

Thứ năm, 13/09/2012 - 08:47'
Nhiều chỉ tiêu không đạt được, kinh phí đầu tư dàn trải, không hiệu quả… Đó là những hạn chế mà Bộ LĐ-TB&XH đã thừa nhận với Chính phủ trong việc thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Đề án 1956).

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Bá Hoạt

Điều mà đại diện các địa phương thực hiện Đề án 1956 tỏ ra lo ngại chính là sự chậm trễ trong phân bổ kinh phí đào tạo khiến số tiền tồn đọng của đề án còn nhiều. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, theo lý giải của Bộ LĐ-TB&XH thì những rườm rà trong việc ban hành văn bản khiến nhiều tỉnh, thành phố lúng túng. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao dự toán ngân sách ngày 29-4-2012. Ngày 7-5-2012, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản hướng dẫn các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho công tác dạy nghề. Đến ngày 18-6-2012 Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 128 sửa đổi một số điều trong Thông tư 112 hướng dẫn thực hiện tài chính của Đề án 1956. Lúc này những hướng dẫn về việc dự toán, sử dụng kinh phí cho đề án mới chính thức được ban hành. Trong khi đó, nhiều quy định còn chưa cụ thể, gây khó khăn cho công tác thực hiện của các cơ quan liên quan. Chẳng hạn, Thông tư 117 của Bộ Tài chính không cho chuyển nguồn vốn từ năm trước sang năm sau. Vì vậy, trong 4 tháng còn lại của năm 2012 thì các tỉnh sẽ vô cùng khó khăn để bố trí dạy nghề cho nông dân cho hết số vốn ngân sách đề ra trong năm. 

Chứng minh cho những lo ngại này, đại diện tỉnh Bến Tre cho biết, hiện tỉnh này luôn sẵn sàng chi 2 tỷ đồng để dạy nghề cho nông dân theo chương trình cấp thẻ học nghề. Tuy nhiên, tiền vẫn còn "nằm im" trong "kho". Vì theo điều chỉnh mới, kinh phí thực hiện được chuyển từ Sở LĐ-TB&XH sang Sở NN&PTNT thực hiện nhưng do chưa kịp sửa chữa, ban hành thông tư mới nên mọi nguyên tắc vẫn do Sở LĐ-TB&XH chủ trì. Vì vậy, theo đại diện tỉnh Bến Tre thì nếu cứ chờ đợi thông tư thì trong năm 2012 sẽ không thể tổ chức được việc học nghề cho nông dân. Trước tình hình này buộc lòng tỉnh Bến Tre phải đề xuất Chính phủ xin giữ nguyên cơ chế cũ để kịp thời giải ngân và đào tạo cho người nông dân sớm có nghề, có việc làm.

Báo cáo từ các tỉnh cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra đều không đạt được. Phải kể đến kế hoạch chính dạy nghề cho 500.000 lao động nông thôn và bồi dưỡng 100.000 cán bộ cấp xã là không thực hiện được. Tính hết 6 tháng đầu năm 2012 mới chỉ có 49 địa phương báo cáo dạy nghề cho 135.397 lao động, đạt 28,4% so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu là 476.164 người. Trong đó, một số tỉnh chỉ đạt 3-5% kế hoạch đề ra. 

Một thực tế khác đáng lo ngại là tuy có báo cáo đầy đủ về số lao động có việc làm sau đào tạo theo Đề án 1956 nhưng xét theo tỷ lệ việc làm thì số nông dân học nghề rồi lại tiếp tục trở về làm nông nghiệp vẫn rất cao. Theo thống kê từ các địa phương, trong năm 2012 có 91.486 người đã học hết khóa học, trong đó có 82% có việc làm, 19,5% (14.656 người) được doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 54% tự tạo việc làm, học xong làm nghề nông nghiệp… Như vậy, đã nhìn thấy rõ hiệu quả giải quyết việc làm của Đề án 1956 mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trong đề án lại không đề cập đến các chính sách hỗ trợ cho nông dân đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì hiện chỉ có 2.215 hộ được vay vốn để sản xuất, kinh doanh với số tiền 18,6 tỷ đồng. Con số này còn "khiêm tốn" so với nhu cầu lao động hiện nay. Nguyên nhân đưa ra là các khóa đào tạo nghề ngắn, người nông dân có nhiều hỗ trợ khác nên không vay tiền ngân sách. Nhưng nguyên nhân sâu sa là do tâm lý người nông dân cho rằng, chỉ có các hộ nghèo mới được vay tiền, trong khi họ không biết là bất kỳ ai tham gia học nghề theo đề án cũng đều có thể tiếp cận nguồn vốn ngân sách. 

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ và có thông tư hướng dẫn ngay cho các tỉnh thực hiện đúng quy trình đưa ra. Bộ LĐ-TB&XH gửi ngay công văn đốc thúc các tỉnh triển khai quyết liệt. Và điều quan trọng mà Chính phủ yêu cầu các cơ quan, các địa phương phải thực hiện được là không tổ chức dạy và học cho lao động khi không dự báo được nơi làm và mức thu nhập hợp lý.

Đại diện các tỉnh, các chuyên gia tham gia đề án đều cho rằng cần phải gắn kết giữa nhu cầu đào tạo nghề và tạo việc làm cho có hiệu quả. Không thể để tình trạng cứ mở lớp dạy nghề cho đạt chỉ tiêu nhưng hiệu quả không cao, gây lãng phí.

Theo Kim Vũ (Hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...