Thứ hai, 20/05/2024, 07:12 [GMT+7]

Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản

Thứ tư, 20/03/2019 - 09:28'
(BLC) - Tận dụng lợi thế tự nhiên với nhiều khe suối, sông và lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, huyện Tân Uyên khuyến khích, hỗ trợ Nhân dân phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản.

Cách trung tâm huyện 60km, xã Tà Mít có lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Bản Chát, thuận lợi cho việc nuôi thả cá trên lòng hồ. Năm 2017, huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện tại xã. Theo đó, 5 hộ ở bản Lồng Thàng đã thực hiện nuôi 19 lồng cá trắm cỏ, bống, rôphi, chép. Sau 5 tháng, cá loại bắt đầu cho thu hoạch. Riêng đối với cá chép, trắm, rôphi theo ước tính của bà con, trừ các khoản chi phí ước tính mỗi lồng lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế cao,  nhiều hộ trong xã mong muốn được nhân rộng mô hình.

Theo đó, xã Tà Mít tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập mô hình nuôi cá lồng trên hồ ở huyện Than Uyên và sang huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La); làm cầu nối giữa Công ty Cổ phần Sông Thiên Đức liên kết với Nhân dân phát triển vùng nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Ngoài cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho  bà con, Công ty còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Đến nay, xã Tà Mít có 130 lồng, trong đó 85 lồng của 13 hộ gia đình trong xã, còn lại là của Công ty Cổ phần Sông Thiên Đức. Năm 2018, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của xã đạt 55 tấn.

Theo anh Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND xã Tà Mít, xã vận động bà con khai hoang ruộng nước, trồng quế, phát triển nghề nuôi cá lồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 10,46% (năm 2018). Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, trước mắt xã vận động các hộ nuôi thả cá trắm cỏ, chép, trắm đen, cá bống. Đồng thời, đưa các loại cá có giá trị kinh tế cao như: tầm, lăng, cá chình vào nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thực hiện quy trình nuôi cá sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc thú y và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Về vấn đề đầu ra, xã hướng dẫn bà con liên kết với các quán ăn, đầu mối bán thực phẩm trên địa bàn huyện; tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài huyện.

Nuôi cá lồng một trong hướng phát triển kinh tế mới của bà con xã Tà Mít, huyện Tân Uyên

Nuôi cá lồng - hướng phát triển kinh tế mới của bà con xã Tà Mít.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện, nuôi trồng thủy sản được bà con phát triển mạnh vì tận dụng được diện tích mặt nước, tạo việc làm tại chỗ cho người dân, nhất là thời gian nhàn rỗi giữa các mùa vụ. Điển hình như xã Trung Đồng, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 10,5ha, sản lượng thu hoạch 18 tấn. Chủ yếu hộ gia đình tự nuôi trong ao, hồ, khe, suối cạnh nhà. Năm 2018, xã cũng đã triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại sông Nâm Mu cho một số hộ ở bản Kim Pu và Pắc Ngùa.

Anh Điêu Văn Huôn (bản Pắc Ngùa, xã Trung Đồng) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thả cá tại ao cạnh nhà, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Khi xã triển khai mô hình nuôi cá lồng, tôi đăng ký đầu tư 2 lồng cá. Được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, tiền mua cá giống và thức ăn trong 3 năm, giúp tôi thêm tự tin tham gia. Tuy nhiên, để nuôi cá lồng thành công phải làm tốt công tác phòng dịch bệnh, mật độ thả đảm bảo tỷ lệ thiết kế lồng nuôi. Tôi cũng trồng thêm cỏ để giảm chi phí đầu tư thức ăn cho cá”.

Được biết, từ năm 2013 - 2018, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tăng đáng kể. Nếu năm 2013, đạt 95ha, sản lượng 117 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng 99 tấn) thì năm 2018 tăng lên 128ha, sản lượng 240 tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 175 tấn). Dù đạt những kết quả bước đầu nhưng nhìn tổng thể, việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện chưa xứng với tiềm năng, năng suất chưa cao, chưa ổn định. Nguyên nhân do trình độ người dân hạn chế, việc tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi thủy sản còn chậm. Kinh tế của các hộ còn khó khăn, khi nuôi cá việc đầu tư kinh phí còn hạn chế; khó khăn thị trường tiêu thụ.

Phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trên hồ thủy điện là hướng đi mới, tạo sinh kế giúp bà con xoá đói giảm nghèo. Để khai thác tốt lòng hồ, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, thời gian tới, huyện tiếp tục vận động Nhân dân mở rộng quy mô lồng nuôi và nuôi các loại cá có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường như: cá tầm, cá lăng. Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Khuyến khích các hộ đầu tư xây dựng mở rộng ao, bè nuôi tại khu vực đủ điều kiện. Cùng với đó, đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước. Nghiên cứu mở rộng, tạo thị trường ổn định để người nuôi cá yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...