Chủ nhật, 19/05/2024, 13:18 [GMT+7]

Lai Châu khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển

Thứ bảy, 30/12/2023 - 21:00'
Tỉnh Lai Châu được chia tách, thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004 trong điều kiện vô vàn khó khăn, thách thức. Trong điều kiện đó, Tỉnh ủy có nhiều chủ trương, quyết sách rất quan trọng, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển và đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thời điểm mới chia tách, thành lập, Lai Châu là tỉnh đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm kinh tế - xã hội (KT-XH) rất thấp; quy mô nền kinh tế nhỏ bé, sản xuất chậm phát triển; thu ngân sách trên địa bàn chưa đạt 2% so với thời điểm hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm trên 60%), kết cấu hạ tầng KT-XH thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thiếu nhiều về số lượng, trình độ, năng lực hạn chế, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã sớm chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ, thu hút mạnh mẽ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến công tác tại tỉnh, thành lập tổ chức, bộ máy, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ cấp cơ sở. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo; thu hút nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường, trạm viễn thông; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào những lĩnh vực lợi thế của tỉnh; chăm lo công tác quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững cả về trước mắt và lâu dài.

Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Tân Uyên thăm đồi chè Tân Uyên. Ảnh: Thu Trang

Sau gần 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, Lai Châu đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng và tự hào. Kinh tế tăng trưởng ở mức khá cao, bình quân khoảng 9,6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp và dịch vụ; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 47 triệu đồng, tăng hơn 18 lần so với năm 2004.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Đã hình thành 3.859ha lúa hàng hóa tập trung, 9.811ha chè, 1.666ha cây ăn quả các loại, 3.594ha mắc-ca, 4.433ha quế; 12.944ha cây cao su, 11.053ha dược liệu, trong đó có 35ha sâm Lai Châu. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt trên 52,3%, tăng 17,3% so với năm 2024. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện hiệu quả với 39 xã đạt chuẩn, bình quân 13,6 tiêu chí/xã.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 92,8 lần so với năm 2004; đến nay, có 48 công trình phát điện, công suất 2.375,55MW, dự kiến hết tháng 12/2023 có thêm 3 công trình hoàn thành gồm: Nậm Mít Luông, Nậm Xí Lùng 2, Nậm Cấu 1, nâng tổng số công trình phát điện lên 51 công trình với tổng công suất 2.424,35MW. Từng bước hình thành và phát triển công nghiệp chế biến, trọng tâm là chế biến nông, lâm, thủy sản với 26 doanh nghiệp, hợp tác xã và 80 hộ cá thể. Các khu, cụm công nghiệp được quan tâm quy hoạch và xây dựng...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 tăng 21,7 lần so với năm 2004, tổng lượt khách du lịch đến Lai Châu đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng gấp 30,7 lần so với năm 2004. Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính ngân hàng tiếp tục phát triển. Năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.086 tỷ đồng, tăng 56 lần so với năm 2004.
Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông kết nối vùng, hạ tầng nông thôn và hạ tầng sản xuất; các tuyến quốc lộ, đường tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn từ cấp IV, cấp VI miền núi; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 98,6% thôn, bản có đường ôtô hoặc xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và 96,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ trường học được xây dựng kiên cố đạt 99,7%... Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp theo quy hoạch, tỷ lệ đô thị hóa đạt 17,7%.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP.
Ảnh: Ngân Khánh - Quốc Thái

Triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hệ thống trường lớp học được quan tâm đầu tư, ước cuối năm 2023 có 61,9% trường đạt chuẩn quốc gia, tăng gần 60 điểm % so với năm 2004. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, ước đến hết năm 2023, đạt 13 bác sỹ/vạn dân, tăng 10 bác sỹ/vạn dân so với năm 2004. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được triển khai tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,3%, tăng 51,8% so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến hết năm 2023, toàn tỉnh còn khoảng 24,63%.
Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc và với các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào được nâng lên, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Mặc dù đã đạt được kết quả rất quan trọng, song với yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững thì nhiệm vụ xây dựng tỉnh Lai Châu trong thời gian tới còn hết sức nặng nề. Khắc sâu lời Bác Hồ căn dặn trong thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lai Châu tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức, với quyết tâm cao, xây dựng tỉnh Lai Châu ngày càng phồn vinh, hạnh phúc bằng những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Một là, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển Lai Châu nhanh và bền vững của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lai Châu. Quyết tâm khắc phục khó khăn; phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm phát triển theo định hướng: Hình thành và phát triển trục kinh tế động lực dọc theo QL.32 - QL.4D - QL.12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua QL.279, kết nối huyện Than Uyên - huyện Tân Uyên - huyện Tam Đường - thành phố Lai Châu - huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Phát triển hai vùng kinh tế: Vùng kinh tế động lực và Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà. Phát triển ba trụ cột kinh tế: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả bốn khâu đột phá chiến lược: về kết cấu hạ tầng; hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; khoa học công nghệ.
Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động đa dạng, tối đa các nguồn lực cho phát triển KT-XH. Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo ra không gian phát triển mới. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Bốn là, tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, văn minh gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua thu hút nhân tài và cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực tại chỗ; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Năm là, phát triển KT-XH gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh; duy trì, mở rộng, phát triển quan hệ đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, chúng ta nhất định sẽ giành được nhiều thành công trong thời gian tới.

Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...