Thứ bảy, 27/04/2024, 09:28 [GMT+7]

Mường Tè phát triển mô hình cây ăn quả

Thứ ba, 19/05/2020 - 16:10'
(BLC) - Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, dược liệu, huyện Mường Tè còn triển khai phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Sau nhiều năm thực hiện, cây ăn quả đã cho thu hoạch, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Đến thăm những mô hình trồng cây ăn quả tại các xã: Mường Tè, Vàng San, Bum Nưa, Tà Tổng, Kan Hồ... chúng tôi được biết, cây ăn quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Những trái cam, lê, xoài, mận, bưởi chín mọng trên cây, là sản phẩm yêu thích của người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Qua từng năm người dân dần có kỹ thuật trong cách trồng và chăm sóc cây ăn quả, để cây không bị sâu bệnh, cho quả to, bắt mắt. Giờ đây cây ăn quả được nhiều hộ phát triển và trở thành lợi thế của địa phương.

Để phát triển cây ăn quả trên địa bàn, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân tích cực tham gia trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. Để dân tin hơn, cán bộ tuyên truyền qua những hình ảnh, phim tài liệu về mô hình cây ăn quả trên cả nước, lợi nhuận khi xuất bán để khích lệ tinh thần bà con. Ngoài ra, UBND huyện còn cử các đoàn đi tham quan mô hình ở nhiều địa phương học hỏi kinh nghiệm, các kỹ thuật chăm sóc áp dụng vào địa bàn.

 Người dân bản Giẳng (xã Mường Tè) chăm sóc mô hình cây ăn quả của gia đình.

Người dân bản Giẳng (xã Mường Tè) chăm sóc mô hình cây ăn quả của gia đình.

Đầu năm 2016, 54,5ha cây ăn quả với các loại như: cam, xoài, lê, mận, bưởi, quýt được trồng chủ yếu ở các xã: Vàng San, Mường Tè, Bum Nưa, Kan Hồ và một số xã lân cận trồng nhỏ lẻ; giống cây được nhập từ Viện Giống cây trồng Trung ương và các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, bước đầu thu hút được 15 hộ tham gia. Người dân được hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc theo quy trình từ các khâu: cải tạo đất, vun trồng, chăm sóc, đánh giá tình hình sâu bệnh, phát triển của cây đến khi thu hoạch. Huyện còn đầu tư xây dựng các bể dẫn nước từ các khe, mõ gần các mô hình để người dân tiện lợi trong việc sử dụng nước tưới. Phân bón được người dân kết hợp từ phân chuồng và các sản phẩm ngoài thị trường tăng thêm chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Ngoài ra, bà con dân bản còn quy hoạch các bãi chăn thả gia súc xa khu vực trồng cây ăn quả, xây dựng rào chắn tránh gia súc phá hoại. Chị Lý Thị Cương, bản Pa Ủ (xã Pa Ủ) cho biết: Từ khi lên định cư tại bản Pa Ủ từ bản Giẳng, xã Mường Tè, tôi đầu tư mua 2ha đất đồi để trồng cây ăn quả. Thời điểm đầu chưa có kinh nghiệm nên cây trồng không đem lại hiệu quả cao, thường chết do sâu bệnh, thời tiết. Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn, tôi trồng và chăm sóc có kỹ thuật hơn, bón phân, phun thuốc trừ sâu đúng liều lượng. Đến nay, cây trồng phát triển, quả to, chín mọng, dự kiến thời gian tới sẽ thu hoạch được gần 300 cân quả ở một số cây trồng ngắn hạn. Ngoài ra, tôi còn phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình.

Các hộ tham gia mô hình còn được hướng dẫn cách phun thuốc trừ sâu theo đúng liều lượng, thường xuyên thăm vườn, chủ động bắt sâu, xử lý cỏ dại, dùng túi nilon bọc quả tránh ảnh hưởng do sâu bệnh, thời tiết. Bên cạnh đó, cứ 2 tháng 1 lần, trường hợp đột xuất thì 1 tháng 1 lần, cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng của cây, nếu phát hiện sâu bệnh sẽ hướng dẫn bà con cách xử lý. Qua đó, tỷ lệ sống của cây luôn đạt trên 90%.

Từ khi triển khai đến nay, diện tích cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị thiệt hại do các tác động bên ngoài, nhiều cây đã cho ra quả như: cam, quýt, xoài với số lượng thu hoạch trên 1,3 tấn, xuất bán ra ngoài thị trường với giá 30 nghìn đồng/kg, nhiều thương lái còn tự đến các vườn trồng để thu mua. Đến nay đã có 553 hộ tham gia, nhiều hộ còn bỏ tiền đầu tư phát triển cây ăn quả trở thành nguồn thu chủ yếu cho gia đình.

Ông Tống Văn Thi – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Cây ăn quả dần trở thành lợi thế của địa phương, cạnh tranh với các mặt hàng đến từ các địa phương khác. Để cây ăn quả ngày càng phát triển, Phòng tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn vận động người dân tham gia; nhập các giống cây có chất lượng về trồng; quan tâm đến chất lượng chăm sóc; giới thiệu sản phẩm tới người dân qua các chợ đầu mối. Ngoài ra, tham mưu với UBND huyện đăng ký thương hiệu để sản phẩm được nhiều người biết tới. 

Phát triển kinh tế từ cây ăn quả đang dần chiếm được lòng tin của nhiều người. Tin rằng trong thời gian không xa, đây sẽ là thế mạnh của địa phương.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...