Thứ bảy, 27/04/2024, 02:55 [GMT+7]

Nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ sáu, 16/04/2021 - 10:51'
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện Tân Uyên và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang nỗ lực xây dựng để có sản phẩm được chứng nhận OCOP trong năm 2021.

Trong ngành Nông nghiệp ở huyện Tân Uyên, nhắc đến vợ chồng anh Đoàn Văn Kiên và chị Đàm Thị Nhiễu (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên) chắc hẳn nhiều người biết đến. Bởi, đến thời điểm hiện tại, đây là cơ sở chăn nuôi mang tính chuyên môn cao nhất trên địa bàn huyện. Nói như vậy là vì từ công đoạn nuôi, chăm sóc, giết mổ cho đến thành phẩm, cơ sở này đều thực hiện “trọn gói”. Và cũng vì thế, các sản phẩm như: Thịt lợn sấy, xúc xích lợn được huyện xây dựng trở thành sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã/thị trấn một sản phẩm.
Tìm hiểu rõ hơn quy trình xây dựng sản phẩm, chúng tôi được anh Đoàn Văn Kiên - chủ cơ sở cho biết: Trang trại của gia đình luôn duy trì chăn nuôi khoảng 50 con bò bao gồm các giống: babê, laisin, giống bò nái địa phương và khoảng 40 con lợn. Để có thức ăn chăn nuôi, ngoài mua thêm rơm, rạ, cám gạo, trồng ngô, chúng tôi còn trồng thêm 4ha cỏ voi. So với chăn nuôi các loại đại gia súc khác thì chăn nuôi bò nhàn hơn vì bò chịu được điều kiện thời tiết giá lạnh và kể cả trời nóng bức, đồng thời, chế độ ăn cũng ít hơn và không chiếm nhiều diện tích chuồng nuôi. Khi chăn nuôi, chúng tôi chú trọng đặc biệt đến thực hiện phòng dịch. Nếu có đợt dịch, chúng tôi tuyệt đối không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi. Đồng thời đầu tư bể lót sinh học kèm với trấu, mùn cưa rắc 1 tháng/lần. Việc này vừa duy trì độ ẩm chuồng trại, vừa không ảnh hưởng môi trường. Lượng phân chuồng bán ra trung bình 50.000 đồng/bao cũng là nguồn thu để chúng tôi tái đầu tư chăn nuôi.

Trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Đoàn Văn Kiên và chị Đàm Thị Nhiễu (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên).

Trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Đoàn Văn Kiên và chị Đàm Thị Nhiễu (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên).

Được biết, khi bò, lợn thương phẩm đã đủ thời gian xuất chuồng, gia đình anh Kiên chỉ bán một phần cho các thương lái, còn lại để chế biến thành các sản phẩm: thịt sấy, giò, xúc xích, lạp sườn với chất lượng sạch, giá cả hợp lý. Hiện nay, việc tìm đầu ra cho sản phẩm không khó vì với chất lượng sản phẩm đảm bảo, rõ nguồn gốc, xuất xứ và sạch, các cơ sở tiêu thụ yên tâm và ký hợp đồng thu mua lâu dài. Cùng với chăn nuôi và trồng chè, trung bình tổng thu nhập của gia đình anh Kiên, chị Nhiễu trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Ngoài cơ sở trên, Tân Uyên được xem là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành Nông nghiệp và điều kiện để xây dựng, hình thành các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, huyện vẫn chưa có sản phẩm nào được công nhận. Về điều này, đồng chí Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho rằng: “Tiến độ xây dựng và hình thành sản phẩm OCOP của huyện có chậm, nhưng chắc”.
Thực hiện chương trình mỗi xã xây dựng một sản phẩm (OCOP), đến nay Phòng NN & PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện kế hoạch triển khai chương trình OCOP; thành lập, kiện toàn Hội đồng và tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Tập trung chỉ đạo việc triển khai, tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã, thị trấn trong thực hiện chương trình, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tập huấn, hội thảo về chương trình, sản phẩm OCOP. Trong đó nhấn mạnh về lợi ích, ý nghĩa của chương trình đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, nhất là vai trò của chương trình đối với tiêu chí phát triển sản xuất, tăng thu nhập ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; tuân thủ đúng chu trình OCOP gồm 6 bước: Tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình OCOP; nhận ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án kinh doanh; đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; xúc tiến thương mại và tăng cường công tác rà soát, khuyến khích và hướng dẫn các chủ thể kinh tế tham gia, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt.
Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021-2025 và năm 2021. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện xây dựng 10 sản phẩm OCOP bao gồm: Bưởi da xanh, ổi, măng tây, cà chua socola, dưa leo baby, tinh dầu quế, chè Hoàng Liên, gạo Khẩu Hốc, gạo nếp tan Co Giàng, gạo Khẩu Ký, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, xúc xích lợn, hạt mắc-ca sấy; trong đó năm 2021 xây dựng 4 sản phẩm OCOP.
Để đạt được mục tiêu đề ra về xây dựng sản phẩm OCOP, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện chương trình OCOP lồng ghép vào chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân, nhất là việc đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm. Các phòng, ban chuyên môn huyện phân công công chức phụ trách trực tiếp hướng dẫn các chủ thể tham gia hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình OCOP tập trung cải tiến, hoàn thiện về tạo mã Qrcode, in nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website bán sản phẩm trực tuyến... Sau đó, hướng dẫn các cơ sở làm hồ sơ để đi thi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Được biết, trong bộ tiêu chí xét công nhận sản phẩm OCOP, đối với huyện Tân Uyên, tiêu chí về hồ sơ công bố chất lượng của sản phẩm có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam là tiêu chí khó thực hiện nhất. Bởi, sản phẩm sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô; chi phí để duy trì chứng nhận chất lượng còn cao, cơ sở không đáp ứng được. Do đó, thời gian tới, huyện từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập và cải thiện những hạn chế đang gặp phải với quyết tâm cao nhất phải có sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...