Thứ sáu, 17/05/2024, 08:41 [GMT+7]

Nghiên cứu thành công ứng dụng sinh học chế biến thức ăn chăn nuôi

Thứ ba, 17/05/2011 - 14:46'
(BLC) – Sáng nay (16/5), Hội Nông dân tỉnh (Đơn vị chủ trì Đề tài khoa học) tổ chức Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc tại huyện Than Uyên”.

Cán bộ Hội Nông dân, Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn anh Lường Văn Yên, xã Mường Than, huyện Than Uyên ủ chua thức ăn cho gia súc.

Sau gần 20 tháng triển khai thực hiện, đề tài đã nghiên cứu thành công quy trình thích hợp dự trữ, chế biến rơm tươi và thân lá cây ngô sau thu hoạch làm thức ăn cho đại gia súc.

Chăn nuôi đại gia súc là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đàn trâu, bò không chỉ cung cấp sức kéo, phân bón cho nông nghiệp mà còn cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, quan trọng cho nhân dân trong tỉnh. Song, những năm qua, tình trạng trâu bò chết vì rét đậm rét hại, thiếu thức ăn… diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính từ mùa rét năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh ta thiệt hại trên 5.000 con trâu, bò các loại. Nguyên nhân chủ yếu do bà con có tập quán chăn nuôi thả rông, thiếu thức ăn dẫn đến trâu bò không đủ sức đề kháng, ốm chết, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triẻn kinh tế của địa phương.

Trong khi đó, nguồn phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, thân lá ngô, lạc đậu tương (loại thức ăn chủ yếu của đại gia súc) thì rất nhiều song do không có biện pháp bảo quản, chế biến nên đã để lãng phí sau thu hoạch. Trước thực trạng trên, Đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc tại huyện Than Uyên” đã được triển khai có hiệu quả, bước đầu đáp ứng nhu cầu bức thiết trong bảo quản, dự trữ thức ăn trong chăn nuôi đối với người nông dân.

Với những ưu điểm như: chi phí thấp, dễ làm, giải quyết tốt thức ăn thô xanh cho trâu bò trong những tháng thiếu cỏ, phương pháp ủ chua có bổ sung chế phẩm sinh học được triển khai ứng dụng thực tiễn trên 100 con trâu, bò của 20 hộ gia đình tại 2 xã: Mường Than, Phúc Than (huyện Than Uyên). 100 con trâu, bò được chia thành 3 lô (trong đó có 1 lô đối chứng và 2 lô thí nghiệm). Nguyên vật liệu ủ chua bao gồm: rơm, thân lá ngô tươi. Sản phẩm phải được tận thu ngay sau thu họach, không lẫn bùn đất, không thối mốc, phơi tái. Thân, lá ngô được chặt ngắn từ 5 – 7cm, rơm tươi thì để nguyên trước khi ủ.

Đối với phương pháp ủ chua thì hố ủ có vai trò quan trọng. Vì hố ủ chắc chắn mới tạo điều kiện cho việc nén chặt rơm rạ và thân, lá ngô đạt hiệu quả cao; loại bỏ hết không khí ra ngoài, thúc đẩy quá trình lên men, yếm khí của thức ăn xanh, đảm bảo chất lượng thức ăn ủ xanh. 20 hộ tham gia đã thực hiện ủ thành công 31.500kg rơm tươi và thân lá cây ngô sau thu hoạch.

Anh Lò Văn Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Than - hộ tham gia mô hình cho biết: “Sau khi được cán bộ Hội nông dân, Chi cục Thú y tỉnh trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã ủ thành công một hố ủ. Sau 5 tháng cho ăn bổ sung thức ăn ủ chua đàn trâu của gia đình tôi đã được cải thiện rõ rệt”.

Qua việc chuyển giao phương pháp ủ chua, hầu hết bà con đều nhận xét, phương pháp này dễ làm, không tốn nhiều công sức và chi phí.

Tại Hội thảo đã đánh giá: phương pháp ủ chua rơm tươi và thân lá ngô sau thu hoạch là một giải pháp tốt để bảo quản, vừa tăng giá trị dinh dưỡng cho rơm tươi và thân lá ngô, vừa tránh được sự mất mát dinh dưỡng trong quá trình phơi khô. Việc sử dụng rơm tươi và thân, lá ngô sau khi ủ đã đem lại hiệu quả rõ rệt qua việc phân lô số trâu, bò thí điểm.

Trâu, bò sử dụng thức ăn ủ chua có sử dụng chế phẩm sinh học có trọng lượng đạt từ 300 - 350gam/con/ngày (tăng so với lô trâu bò ăn bổ sung rơm khô là trên 100gam/con/ngày). Đặc biệt phương pháp ủ chua phụ phẩm nông sản sẽ giúp cho nhân dân chủ động nguồn thức ăn cho đại gia súc, nhất là vào mùa đông.  

        Đây là một đề tài mới, có ý nghĩa quan trọng và tính thực tiễn cao; cần thiết cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, các đại biểu dự Hội thảo cũng đề nghị: Cơ quan chủ trì cần bổ sung làm rõ một số nội dung như: khái niệm “ủ tươi” nghĩa là ủ sau gặt bao nhiêu ngày, bởi sau khi thu hoạch, quá trình biến đổi chất trong nông sản diễn ra rất nhanh; xác định rõ các tiêu chí hố ủ như: nhiệt độ, độ ẩm; đánh giá thêm sự duy trì và nhân rộng mô hình ủ chua rơm, rạ; thân cây ngô sau thu hoạch; thu hoạch rơm rạ và thân lá ngô vào thời gian nào là tốt nhất; đánh giá sâu hơn hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của Đề tài khoa học…

Đồng chí Vũ Thị Liên – Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ nhiệm Đề tài khoa học đã tiếp thu và giải trình các ý kiến tham gia tại Hội thảo, những vấn đề hạn chế của đề tài sẽ được bổ sung làm rõ. Đối với phần thực hành thực hiện khá tốt, đã bám sát quá trình triển khai làm hố ủ cũng như bổ sung lượng thức ăn sau ủ cho trâu, bò. Phân lô đối chứng rõ ràng, cụ thể giúp người nông dân nhận thức rõ hiệu quả của việc bổ sung thức ăn sau ủ chua… Để đề tài phát huy hiệu quả, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ cần quan tâm, tạo điều kiện để Hội Nông dân tỉnh sớm triển khai đề tài áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời tạo điều kiện để giúp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thí điểm đối với một số cây họ đậu, cây keo dậu, cỏ stylo… góp phần đáp ứng nhu cầu thức ăn trong chăn nuôi.

Hố ủ thức ăn có 3 loại: hố ủ bằng thùng phi, bao li nông, bao đựng phân đạm, bao sắc rắn; hố ủ bằng đất (đào hố) và loại hố ủ được xây bằng gạch chắc chắn.

Cách tiến hành ủ: hòa tan men vi sinh vật, muối và nước với tỷ lệ phù hợp, lần lượt rải rơm vào hố ủ theo từng lớp cách nhau 20cm. Trên mỗi lớp rắc một lớp bột sắn hay bột ngô, tưới đều bằng ô roa dung dịch men vi sinh vật - muối, nước đã hòa tan đều. Dùng đầm, gậy hoặc chân (đi ủng) dậm nén cho thật chặt. Cứ làm lần lượt cho tới khi hết lượng rơm cần ủ. Sau đó phủ kín không để nước mưa, không khí, vi sinh vật lọt vào hố ủ. Thường sau 3 tuần ủ có thể sử dụng rơm rạ, thân lá ngô ủ chua.


 

Bình Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...