Thứ sáu, 17/05/2024, 13:27 [GMT+7]

Những tiểu thương quyết không tăng giá theo lương

Thứ năm, 05/05/2011 - 10:35'
Đi chợ về, bà Hồng nhà ở phố Trần Cung (Hà Nội) vui sướng vì giá cả hàng hóa vẫn ổn định dù thông báo tăng lương cơ bản đã có hiệu lực được bốn ngày. 

>Thực phẩm 'té nước theo giá xăng' 

Lương tối thiểu lên 830.000 đồng từ 1/5

Theo khảo sát của VnExpress.net, sau khi giá cả leo thang dồn dập, sức mua của người dân với các mặt hàng trong đó có thực phẩm, rau củ chậm đi do tâm lý thắt chặt chi tiêu. Đây cũng là lý do khiến phần lớn tiểu thương tại các chợ đang không dám “hét” giá trên trời. Nhiều mặt hàng giá vẫn ổn định.

Rất nhiều tiểu thương đang cố gắng ghìm giá ổn định nhất có thể để thu hút khách hàng. Ảnh: Tuệ Minh
Rất nhiều tiểu thương đang cố gắng ghìm giá ổn định nhất có thể để thu hút khách hàng. Ảnh: Tuệ Minh

Chị Tuyến, bán thịt lợn tại chợ Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết hiện tại, giá thịt nạc thăn vẫn là 110.000 đồng một kg, các loại thịt khác dao động 90.000 đồng đến 100.000 đồng một kg. Đây cũng là mức giá được đa phần những người kinh doanh áp dụng từ sau khi xăng tăng lên 21.300 đồng một lít hôm 29/3 cho đến nay.

Tại nhiều chợ ở Hà Nội như Thái Hà, Thành Công, Cầu Giấy, Nghĩa Tân… giá thực phẩm và rau củ cũng đang ổn định. Thịt lợn phổ biến từ 90.000 đồng đến 120.000 đồng một kg, thịt bò 170.000-190.000 đồng, gà 70.000-140.000 đồng, tùy loại.

Trong khi đó, nhiều loại rau xanh giá bán ra rẻ như cho. Có những loại giảm giá mạnh so với thời điểm cách đây hơn một tuần như đỗ quả hiện tại chỉ còn khoảng 13.000 đồng một kg (giảm 8.000 đồng một kg), rau dền 1.500-2.000 đồng một mớ (giảm 2.000 đồng), cải bắp 4.000 đồng một kg (giảm 1.000-2.000 đồng)…

Việc các mặt hàng thiết yếu không theo quy luật “lương tăng, giá tăng” là một trong những biểu hiện của sự cố gắng ghìm giá của một bộ phận người kinh doanh.

Anh Tuấn bán thịt lợn tại chợ Ngọc Khánh khẳng định, thời điểm này, người kinh doanh như anh không có ý định “té nước theo lương”. Việc bán hàng “phá giá” cũng không được chấp nhận, trừ phi “phá giá” theo chiều hướng rẻ đi. “Thật ra nếu có người bán rẻ đi, thì chúng tôi sẽ ăn lãi ít hơn và cạnh tranh mạnh hơn. Nhưng như thế cũng tốt, vì có động lực để mình ghìm giá thấp nhất, giữ chân được khách mà cũng cải thiện được tình hình bán hàng”, anh Tuấn nói.

Hiện tại, giá nhiều loại rau đã giảm thê thảm và không có hi vọng tăng nếu thời tiết dần ấm lên. Ảnh:Tuệ Minh

Theo anh, giá buôn lấy tại lò mổ vẫn đổ xô khoảng 75.000 đồng một kg cho tất cả các loại thịt. Giá này khiến cho ai cũng nghĩ mua 75.000 đồng mà bán 120.000 đồng thì lãi quá. Nhưng thực tế, nếu tính cả chi phí vận chuyển, tiền gửi xe, mua vé chợ…, mỗi kg thịt anh chỉ được lãi khoảng 10.000 đồng. Để lãi hơn mà vẫn không nâng giá, anh Tuấn tự đi lấy hàng tại lò mổ. Mỗi lần đi lấy, tiền xăng sẽ chỉ hết khoảng 15.000 đồng, tiết kiệm được 10.000 đồng so với việc ngồi ở chợ đợi nhân viên đưa hàng đến nơi, anh nói.

Anh kể trước kia, bán hết khoảng 3 tạ một ngày cũng được xấp xỉ 300.000 đồng. Nhưng hiện tại, mỗi ngày bán được yến, hơn yến, số lãi 100.000 đồng không đủ mua được một cái áo. “Cứ suy từ mình ra thì biết. 100.000 đồng không mua được một cái áo, mà lương cũng chỉ tăng được 100.000 đồng, nên nếu có chuyện lương tăng mà cái gì cũng tăng, mình là công chức viên chức hay cán bộ hưu trí, thà mình mong lương như cũ, giá như cũ cho xong chuyện”, anh Tuấn phân tích.

Tại một số chợ cóc, chợ tạm ở ngoại thành như chợ Năm Tầng ở đường Hồ Tùng Mậu, chợ Nhổn, Diễn… giá thực phẩm cũng không bị điều chỉnh. “Chúng tôi không dám đẩy cao lên nữa, vì giờ đã ế ẩm lắm rồi, nên phải tính toán sao cho hợp lý mà người bán hàng vẫn có lãi. Đẩy giá cao lên, mất hết khách”, chị Đào, bán thịt lợn tại chợ Năm Tầng phân bua.

Chị Hiền, bán hải sản tại chợ Kim Liên cũng chia sẻ, hiện tại, các loại thủy hải sản bán tại quầy chị vẫn nguyên giá. Chị kể, đi lấy hàng, bạn hàng đều xui “lương tăng rồi đấy, cứ tăng lên cho bõ công”, nhưng chị lại nghĩ khác. Theo chị, xăng tăng giá hai lần, các mặt hàng đều đắt gấp rưỡi so với trước nên nếu tăng giá bán thì chính người bán sẽ lại phải sử dụng những dịch vụ, hàng hóa khác được ‘hét’ giá trên trời so với giá trị thật. “Không khác gì mỡ nó rán nó”, chị Hiền kết luận.

Theo VnExpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...