Thứ bảy, 18/05/2024, 14:24 [GMT+7]

Phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển

Thứ bảy, 20/01/2024 - 12:01'
Phát huy truyền thống huyện anh hùng, trải qua chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư từ nguồn vốn trung ương, của tỉnh để khai thác tiềm năng, thế mạnh. Nhờ đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững, xây dựng huyện Mường Tè ngày một phát triển, đời sống nhân dân thêm ấm no, hạnh phúc.

Xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều. Thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, Mường Tè là địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, từ một huyện “đi mắc núi về mắc sông” Mường Tè hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ. Tới thời điểm hiện tại, 100% đường ôtô đến trung tâm các xã, bản, diện mạo thị trấn Mường Tè ngày một khang trang; kinh tế của huyện phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng.
Giai đoạn 2000-2020, là một trong những giai đoạn huyện Mường Tè phát triển mạnh mẽ, nhờ nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện, các chương trình xóa đói giảm nghèo triển khai hiệu quả. Mường Tè đã để lại dấu ấn quan trọng, thực hiện thành công Chương trình di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, góp phần tích cực để dự án trọng điểm quốc gia về đích sớm một năm, tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Di dân tái định cư kết hợp với sắp xếp ổn định lại các khu dân cư, đã có trên 1.000 hộ dân tình nguyện chuyển đến nơi ở mới. Để ổn định đời sống nhân dân, các cấp chính quyền triển khai hiệu quả các hạng mục dự án, chính sách hỗ trợ với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển khá toàn diện, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,85 triệu đồng/năm.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, huyện Mường Tè ấn nút khánh thành Nhà máy Thủy điện Nậm Xí Lùng 1 tại xã Pa Vệ Sủ ngày 14/6/2022.

Tiếp đà phát triển, từ năm 2020 đến nay, kinh tế của huyện luôn duy trì và tăng dần tốc độ tăng trưởng. UBND huyện chỉ đạo các địa phương triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: tích cực bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện thâm canh, tăng vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển các loại cây lợi thế như: quế, sâm Lai Châu... Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt chi bộ, bản, khu dân cư. Huyện huy động đội ngũ cán bộ xuống “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con canh tác và phát triển kinh tế hộ gia đình, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã về giá trị, tác dụng của cây sâm Lai Châu và các dược liệu quý; khuyến khích thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Định hướng vùng trồng sâm Lai Châu tập trung tại các xã: Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Tá Bạ, Pa Ủ, Ka Lăng. Đến nay, có 9 công ty, doanh nghiệp vào khảo sát, xin chủ trương đầu tư phát triển trồng sâm Lai Châu; trong đó có 5 công ty, doanh nghiệp đã đầu tư phát triển, diện tích ước đạt gần 20ha sâm Lai Châu, 5ha thất diệp nhất chi hoa và một số cây dược liệu khác. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sâm Lai Châu, dược liệu quý; phấn đấu đến năm 2025 trồng mới trên 50ha sâm Lai Châu, trên 200ha cây dược liệu quý…
Quế là cây trồng tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương. Sau 7 năm triển khai, huyện đã trồng được hơn 2.300ha quế; trong đó, hơn 50% diện tích đã được thu hoạch, giúp hàng nghìn hộ dân có nguồn thu ổn định. Diện tích quế ngày càng mở rộng, được người dân kỳ vọng là “cây giảm nghèo”. Ngoài ra, huyện quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP với 8 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 7,28%/năm. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 44,72%; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,6 triệu đồng/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 17.501 tấn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện nâng lên rõ rệt.
Cùng với phát huy thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện chủ động thu hút đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ và phát triển các nhà máy chế biến nông sản. Huyện Mường Tè có 56 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với quy mô tổng công suất khoảng 1.045MW đã được quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư. Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của địa phương. Nhờ đó, đã có 11/56 dự án thủy điện phát điện thương mại, mỗi năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển sản xuất một số sản phẩm nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trong 2 Chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2020-2025, huyện xây dựng kế hoạch hằng năm, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt cao như: diện tích cây thất diệp nhất chi hoa đạt 5/0,5ha (đạt 1.000% mục tiêu nghị quyết); trồng mới 1.527,6/1.000ha quế (đạt 152,7% mục tiêu nghị quyết)…
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân, tin rằng huyện sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, góp phần xây dựng huyện Mường Tè ngày một khang trang, giàu đẹp.

Đao Văn Khánh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...