Chủ nhật, 19/05/2024, 16:26 [GMT+7]

"Cửa hẹp" cho phát triển thủy điện nhỏ

Thứ ba, 31/07/2012 - 08:36'
Nhiều chuyên gia đã xác nhận tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển hệ thống nhà máy thủy điện quy mô nhỏ (TĐN) trên phạm vi cả nước nhằm phát huy nguồn lực của doanh nghiệp (DN) dân doanh và nguồn vốn dồi dào trong dân. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án TĐN vẫn gặp một số rào cản khó vượt qua…  

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có sự tham gia của các bên liên quan nhằm khắc phục tồn tại, để thêm nhiều vùng xa, vùng sâu có điện…

Đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho Nhà nước.

Theo các chuyên gia, nước ta có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho việc nghiên cứu, xây dựng các nhà máy TĐN. Thời gian qua, số lượng nhà máy TĐN cũng gia tăng, hiện diện ở nhiều tỉnh, khu vực, nhất là Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Việc nhiều DN dân doanh đã đầu tư xây dựng thành công nhà máy TĐN cho thấy lợi ích tổng thể của chủ trương xã hội hóa đầu tư, đồng thời qua đó góp phần nâng cao sản lượng điện toàn quốc. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và tiêu dùng vẫn cao hơn khả năng cung ứng, dự kiến sẽ tăng trung bình khoảng 15%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trong khi đó, DN đầu tư vào TĐN còn một số tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ như đại diện một số DN e ngại trước thực trạng thiếu và yếu về kết cấu hạ tầng tại khu vực triển khai dự án, nhất là vấn đề đường sá, cầu chưa được thiết lập đến sát chân công trình nên nảy sinh tình huống chủ đầu tư phải lập phương án xử lý. Khoảng cách địa lý xa xôi, gây khó khăn cho hoạt động vận tải và tập kết vật tư, máy móc thi công và gây ra sự đội giá thành tổng chi phí đầu vào. Một khi DN phải đối phó với vấn đề này tức là gặp khó khăn cho việc tìm đầu ra, bởi dự án TĐN có công suất nhỏ, nếu buộc phải bán điện với giá cao để bù chi phí thì gần như không thể cạnh tranh được với những dự án thủy điện quy mô vừa và lớn.

Mặt khác, quá trình thi công công trình TĐN cũng ẩn chứa một số rủi ro bất ngờ có thể gây thiệt hại, chủ yếu xuất phát từ thiên nhiên như mưa lũ vùng cao, sạt lở đất, bất ổn định về địa chất, khí hậu khắc nghiệt, tai nạn do trục trặc kỹ thuật… Những yếu tố bất lợi có tính chất khách quan nói trên đã trực tiếp cản trở, làm nản lòng giới đầu tư vào các dự án TĐN. Tiếp đến là một số khó khăn chủ quan. Hiện mức đầu tư trung bình trong xây dựng TĐN là 25-30 tỷ đồng cho mỗi MW công suất điện trong khi phần lớn nhà đầu tư đều thiếu vốn và luôn phải vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khi gặp nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến kết cục phải kéo dài thời gian thi công, tức là tăng thêm thời gian phải trả lãi thì nhà đầu tư khó chịu nổi lãi suất một cách "triền miên". Từ đó, phần lớn chủ đầu tư mong muốn Nhà nước đầu tư cải tạo hoặc xây dựng lưới điện đủ khả năng truyền tải điện từ các nhà máy TĐN hòa lưới điện quốc gia. Mặt khác, nhà đầu tư cũng đề xuất được hưởng cơ chế vay vốn riêng, lãi suất thấp để phù hợp với đặc thù và hoàn cảnh khó khăn của DN.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, để đầu ra của các nhà máy TĐN thuận lợi, Nhà nước nên tạo điều kiện cho DN TĐN tham gia thị trường điện cạnh tranh, đồng thời giao cho 5 tổng công ty điện lực chịu trách nhiệm mua điện của dự án TĐN để "rộng cửa" cho tiêu thụ điện; tránh tình trạng có ít nguồn mua như hiện nay. Đồng thời, nên quy định để các đầu mối mua - phân phối điện tăng lượng giờ mua điện để hỗ trợ chủ đầu tư bù đắp khấu hao, nhanh hoàn vốn. Đáng lưu ý là đến nay một số DN đầu tư TĐN vẫn e ngại vì giá bán điện vào thị trường trong nước còn thấp hơn so với giá điện nhập khẩu, trong khi thuế suất sử dụng tài nguyên nước lại cao so với sức chịu đựng của họ…

Xây dựng nhà máy TĐN thực chất là một hình thức tận thu, tận dụng những cơ hội, nguồn dự trữ về thủy năng từ hệ thống hàng trăm con sông, dòng suối trên cả nước. Qua đó, cũng là một biện pháp triển khai chủ trương xã hội hóa đầu tư trên diện rộng, làm giảm gánh nặng đối với nguồn đầu tư từ ngân sách, phát huy hiệu quả đồng vốn trong dân, tạo việc làm và nâng cao điều kiện sống dân cư tại nhiều địa phương…

Theo Hanoimoi.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...