Thứ bảy, 18/05/2024, 15:24 [GMT+7]

Sìn Hồ: Nguy cơ “phá sản” vùng dược liệu

Thứ tư, 13/07/2011 - 17:03'
(BLC) - Được sự kỳ vọng là sẽ mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc địa phương, nhưng sau gần 6 năm triển khai, Dự án Phát triển vùng dược liệu tại các xã vùng cao huyện Sìn Hồ đang đứng trước nguy cơ “phá sản”.

Dự án của lòng dân

Dự án Phát triển vùng dược liệu trên chính mảnh đất Nông trường dược liệu trước đây được Tập đoàn Y dược Bảo Long triển khai năm 2005. Mục tiêu của dự án là sẽ tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các xã: Tả Ngảo, Xà Dề Phìn. Vì vậy, khi dự án được triển khai đã nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn không chỉ của các cấp chính quyền mà còn hàng trăm hộ dân trong vùng.

Chỉ có một công nhân chăm sóc hơn 2ha cây hoài sơn.

 

Ngay sau đó Tập đoàn Y dược Bảo Long đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng để xây dựng trụ sở, nhà xưởng; tạo việc làm ổn định cho gần 100 công nhân và trồng được hơn 9ha đương quy, hoài sơn, actiso...  Việc phát triển vùng dược liệu đã cung cấp được một phần nguồn dược liệu cho Tập đoàn Y dược Bảo Long, đồng thời đáp ứng phần nào nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân cả nước bằng nguồn thuốc nam.  

 

Đồng hành cùng Công ty, phong trào trồng cây dược liệu đã phát triển mạnh tại các vườn, đồi của nhiều hộ dân đồng bào tộc tộc Mông, Dao quanh vùng. Từ đó, các gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều gia đình không chỉ xóa được đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu nhờ những cây thuốc.

 

Ông Đinh Danh Năm ở bản Ma Sao Phìn, xã Xà Dề Phìn cho biết: Từ những năm 80 của thế kỷ trước tôi là công nhân của nông trường dược liệu Sìn Hồ. Tôi rất vui vì Dự án Phát triển vùng dược liệu được thực hiện trên chính mảnh đất Nông trường dược liệu trước đây. Gia đình tôi đã tham gia trồng gần 1.000m2 cây actiso để bán cho Công ty, thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Từ tiền bán cây thuốc, gia đình đã mua được nhiều vật dụng đắt tiền và lo cho các con ăn, học.

Nguy cơ “phá sản” vùng dược liệu

Sau những năm tháng “hoàng kim”, người dân tưởng như đã có hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì Dự án phát triển vùng dược liệu lại đứng trước nguy cơ “phá sản”. Sản phẩm không có đầu ra bởi Công ty Dược liệu Sìn Hồ không thu mua nguyên liệu. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua giống, phân bón trồng cả nghìn mét vuông các loài dược liệu thì nay phải phá để trồng những cây lương thực ngắn ngày.

 

Hàng trăm bao thuốc đã qua sơ chế để mốc tại nhà kho.

Chúng tôi có mặt tại trụ sở Công ty Dược liệu Sìn Hồ vào một ngày đầu tháng7. Khác với không khí làm việc nhộn nhịp của Công ty cách đây 1 năm về trước, trụ sở Công ty vắng bóng người, cửa đóng im lìm. Liên hệ mãi chúng tôi mới tìm gặp được người đại diện của Công ty tại nhà riêng cách trụ sở Công ty gần 1km.

 

Không giấu nổi vẻ thất vọng, chị Tẩn Mí Lai – Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính (người phụ trách chính của Công ty Dược liệu Sìn Hồ hiện nay) cho biết: Hiện Công ty chỉ có 7 cán bộ, công nhân làm công tác quản lý, bảo vệ kiêm tất cả các công việc. Dù đang là thời gian cao điểm trồng các loại cây thuốc nhưng đến nay Công ty mới chỉ trồng được hơn 2ha cây hoài sơn. Đã 3 tháng nay cán bộ, công nhân của Công ty không nhận được đồng lương nào và cũng chính vì điều đó mà từ gần 100 cán bộ, công nhân nay chỉ còn vài người. Nhiều lần tôi đã kiến nghị với Tập đoàn nhưng chỉ nhận được câu trả lời "do Tập đoàn đang gặp khó khăn về tài chính nên việc đầu tư và trả lương công nhân phải từ từ…”.

 

Dạo quanh khuôn viên trụ sở, chúng tôi thấy nhà xưởng, máy móc đã hoen ố gỉ sắt. Khu vực nhà kho chứa hàng trăm bao nguyên liệu đã mốc và mạng nhện chăng kín chỉ chờ ngày đem hủy. Tại khu vực sản xuất, chỉ có một công nhân đang chăm sóc hơn 2ha cây hoài sơn. Trong khi một số diện tích cây đương quy trồng trước đây đã quá thời gian thu hoạch bị chết khô.

Giải pháp tạm thời

Lo cho cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch trồng dược liệu, chính quyền các cấp huyện Sìn Hồ đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo Tập đoàn Y dược Bảo Long về việc tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động của Công ty, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này huyện cũng chưa nhận được câu trả lời chính thức nào từ phía lãnh đạo tập đoàn.

 

Để giúp bà con tháo gỡ khó khăn, vừa qua huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách hỗ trợ một số hộ gia đình về cây giống, phân bón để khôi phục diện tích cây actiso tại các xã: Phăng Xô Lin, Xà Dề Phìn và thị trấn huyện. Với trên 90 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình 30a, nhiều gia đình trồng và bán sản phẩm actiso cho các nhà hàng tắm thuốc trên địa bàn thị trấn và có thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ.

 

Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Sìn Hồ, bằng nguồn vốn của Ngân hàng thế giới, UBND huyện đang chỉ đạo Ban xóa đói giảm nghèo xây dựng đề án hỗ trợ người dân tiếp tục trồng cây actiso và đỗ trọng. Theo đó, họ sẽ được hỗ trợ cây thuốc giống, phân bón và kỹ thuật. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào tư thương trên địa bàn. Huyện cũng đã liên hệ với một số công ty dược trong nước, tìm thị trường tiêu thụ, nhưng do sản phẩm làm ra chưa nhiều và gặp vướng mắc do Công ty Dược liệu Sìn Hồ là cơ quan chủ quản đứng chân trên địa bàn.

 

Thiếu đầu ra cho sản phẩm nên nhiều người dân đã phá bỏ cây thuốc để thay thế bằng các cây lương thực ngắn ngày. Công ty Dược liệu Sìn Hồ gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc Dự án Phát triển vùng dược liệu của huyện Sìn Hồ cũng đang đứng trước nguy cơ bị “phá sản”. Chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp lâu dài, tìm đầu ra cho sản phẩm giúp người dân.

Tháng 10/2005, Công ty Dược liệu Sìn Hồ được thành lập với mục đích nuôi trồng và bảo vệ nguồn gen của các loài cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ diệt chủng: đương quy, bạch chỉ, đỗ trọng, ngô thù du, chi tử... Công ty được giao hơn 14ha đất để xây dựng nhà xưởng, trụ sở, diện tích đất trồng cây dược liệu và hơn 12ha rừng già tại xã Tả Ngảo để khoanh nuôi, bảo vệ các loài cây thuốc quý.

 

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...