Thứ bảy, 27/04/2024, 02:42 [GMT+7]

Sùng Phài đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Thứ ba, 27/09/2022 - 18:58'
(BLC) - Thời gian qua, Đảng bộ xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) tích cực triển khai thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững cho Nhân dân.

Sau khi sáp nhập 2 xã: Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) và Sùng Phài (huyện Tam Đường) thành xã Sùng Phài, xã luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, nên diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể.

Đồng chí Hoàng Trung Kiên - Bí thư Đảng ủy xã Sùng Phài cho biết: Sùng Phài là xã thuần nông nên phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo, chúng tôi đã định hướng, tuyên truyền người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên đã đạt được kết quả khả quan, song sản lượng ít, chất lượng không ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức tổ chức, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên giá trị sản xuất thấp. Việc phát triển mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại còn hạn chế về số lượng, quy mô hoạt động, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Người dân xã Sùng Phài sản xuất lúa tẻ râu theo hướng sản xuất hàng hoá.

Người dân xã Sùng Phài sản xuất lúa tẻ râu theo hướng hàng hoá.

Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Sùng Phài ban hành Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn xã giai đoạn 2020-2025. Ngay sau khi ban hành Nghị quyết, Đảng uỷ đã chỉ đạo UBND xã ban hành kế hoạch thực hiện và phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu nghị quyết đã đề ra.

Trên địa bàn xã hiện có sản phẩm thuốc chữa bệnh gan A Súa của anh Cứ A Súa ở bản Cư Nhà La được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Thuốc chủ yếu được bào chế từ các thảo dược thiên nhiên, được chính tay anh Súa đi thu hái về. Các công đoạn làm thuốc rất thủ công và tỉ mỉ, từ thu lượm dược liệu đến chế tạo sản phẩm. Đây là bài thuốc gia truyền đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã được Sở Y tế cấp phép hoạt động và đến năm 2021, thuốc chữa bệnh gan A Súa tiếp tục được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP.

Anh Cứ A Súa chia sẻ: Khi tham gia sản phẩm OCOP, tôi thấy sản phẩm của mình có uy tín và thương hiệu hơn; có điều kiện tham gia bày bán tại các hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh; đặc biệt, sản phẩm có thể tham gia nhiều sàn giao dịch thương mại lớn. Do đó, dễ dàng tiếp cận với khách hàng, sản phẩm bán ra nhiều hơn. Đến nay, đã có rất nhiều bệnh nhân ở trong và ngoài tỉnh như: Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... biết đến và tin dùng. Sau khi trừ chi phí mỗi tháng tôi thu về hơn 30 triệu đồng.

Hiện, xã Sùng Phài đang tiếp tục tập trung xây dựng các sản phẩm như: rượu, gạo tẻ râu, hàng thổ cẩm thành các sản phẩm OCOP theo nghị quyết đề ra. Để hoàn thành mục tiêu, năm 2020 xã khuyến khích các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa chất lượng cao, nhằm tăng năng suất cây trồng. Do đó, trên địa bàn xã chủ yếu trồng lúa tẻ râu với diện tích hơn 200ha. Đây là những giống lúa chất lượng cao có năng suất đạt 40 - 50 tạ/ha bán với giá dao động từ 15 - 18 nghìn đồng/kg thóc.

Phát triển nghề thổ cẩm

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Mông luôn được chính quyền xã Sùng Phài quan tâm.

Anh Hoàng Trung Kiên - Bí thư Đảng uỷ xã Sùng Phài chia sẻ thêm: Gạo tẻ râu là một trong những sản phẩm đặc sản của tỉnh Lai Châu nói chung, trong đó có gạo tẻ râu của xã Sùng Phài. Hiện tại, gạo tẻ râu có thị trường đầu ra tương đối ổn định, giá thành lại cao. Xã cũng đang hướng xây dựng gạo tẻ râu làm sản phẩm OCOP của xã. Với những bản vùng cao, rất phù hợp để trồng giống lúa này, bởi sản phẩm làm ra đều được người tiêu dùng đánh giá cao. Do đó, chúng tôi khuyến khích bà con trồng 100% diện tích với giống lúa tẻ râu.

Trên địa bàn xã Sùng Phài người Mông chiếm hơn 70% nên ngoài làm nông nghiệp thì việc phát triển và gìn giữ nghề thêu truyền thống được chính quyền địa phương quan tâm triển khai. Nghề nấu rượu ngô truyền thống và thêu dệt thổ cẩm cũng được duy trì và phát triển, không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống của người dân mà còn giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Mông.

Hiện nay, xã đã thành lập các tổ liên kết nghề nấu rượu ngô truyền thống và thêu dệt thổ cẩm nhằm giới thiệu, quảng bá với người tiêu dùng khắp các tỉnh thành, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập. Khi tham gia vào tổ liên kết các thành viên có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra sản phẩm đúng theo mẫu mã, quy trình truyền thống của dân tộc. Nhất là, các tổ liên kết được chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ máy móc, kỹ thuật và tập huấn cho các thành viên nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng sản phẩm rượu ngô và thổ cẩm thành những sản phẩm OCOP của xã.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền xã Sùng Phài đã đạt được những thành quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, đời sống người dân. Thời gian tới, cấp ủy chính quyền xã tập trung huy động và tranh thủ thêm các nguồn lực đầu tư của nhà nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ưu tiên sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP nhằ nâng cao thu nhập cho người dân. Phấn đấu đưa Sùng Phài trở thành xã phát triển của thành phố Lai Châu. 

Bạch Dương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...