Thứ sáu, 17/05/2024, 12:34 [GMT+7]

Sớm giải quyết bài toán tôm giống tại ĐBSCL

Thứ ba, 17/05/2011 - 09:00'
Nguồn giống thiếu ổn định, thậm chí là nguồn giống trôi nổi gây dịch bệnh là một khó khăn lớn của ngành nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL. Hiện nhiều giải pháp đã được nghiên cứu, triển khai nhằm khắc phục vấn đề này.
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh ĐBSCL đã bước vào chính vụ nuôi tôm năm 2011. Do người nuôi tôm thả giống đồng loạt, cộng thêm thời tiết bất lợi, mưa trái mùa diễn ra liên tục, kéo dài, nên nhiều địa phương rơi vào tình trạng khan hiếm tôm giống. Hiện nay, phần lớn con giống được mua từ các tỉnh miền Trung.

ĐBSCL đang cần nguồn tôm giống ổn định và đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, cùng với các nguyên nhân khác như vệ sinh ao đầm không đảm bảo, diễn biến thời tiết thất thường, việc nhiều hộ đã mua con giống trôi nổi không kiểm dịch là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh xảy ra tại nhiều nơi.

Tại Trà Vinh, tính đến nay, hơn 5,5 nghìn ha mặt nước diện tích nuôi tôm sú đã có tôm chết, ước tính mức thiệt hại cả về giống và thức ăn, chi phí cải tạo ao hồ lên đến hàng chục tỷ đồng. Tại Long An, đã có 1.809 ha bị bệnh đốm trắng và sốc môi trường nước gây chết, chiếm 54,7% diện tích nuôi.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra đồng loạt các cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn cả nước, kiên quyết rút giấy phép, dừng sản xuất các cơ sở không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, việc tái kiểm tra tôm giống trước khi thả nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Tại Bến Tre, tỷ lệ này chỉ đạt 50%. Còn tại Tiền Giang, thậm chí người dân không biết cơ quan kiểm dịch ở chỗ nào để đến nhờ tái kiểm tra.

Tại hội thảo tham vấn "Dự thảo Kế hoạch năm năm ngành thủy sản 2011-2015" do Tổng cục Thủy sản vừa tổ chức cuối tuần trước, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cũng cho rằng, một trong những hạn chế của ngành thủy sản Việt Nam là chưa có tầm nhìn về chiến lược con giống.

Hiện, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu và cá ba sa là những loại thủy sản chủ lực. Nhưng chỉ duy nhất cá ba sa chủ động được hòan toàn nguồn giống trong nước.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cũng cho rằng do đầu tư dàn trải, không đồng bộ nên từ nhiều năm nay vấn đề con giống cho ngành thủy sản, trong đó có con tôm, vẫn trong vòng luẩn quẩn.

Sớm áp dụng VietGAP trong sản xuất tôm giống

Để giải quyết vấn đề giống tôm, các địa phương ĐBSCL đã có nhiều giải pháp trước mắt. Đơn cử, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã chủ động liên hệ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, rà soát lại các cơ sở tôm giống của các tỉnh miền Trung, đảm bảo chất lượng tôm giống khi nhập vào tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu nhập tôm giống ngoại, chủ yếu hỗ trợ về khâu thủ tục. Hiện một số trại đã nhập tôm giống ở Australia, Thái Lan.

Tại Trà Vinh, ngành nông nghiệp đã tiến hành tiêu huỷ hơn 2 triệu tôm giống mang mầm bệnh. Chi cục Thuỷ sản Long An cũng tiến hành tịch thu con giống đối với những hộ bán giống trôi nổi không qua kiểm dịch để tiêu huỷ.

Tuy nhiên, con tôm ĐBSCL cần những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn để đảm bảo nguồn giống ổn định và chất lượng.

Tại hội nghị “Đánh giá tình hình dịch bệnh tôm, nghêu và triển khai quản lý giám sát, khôi phục sản xuất" vừa diễn ra trong tuần trước tại Bến Tre với sự tham dự của đại diện ngành thủy sản 20 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ngãi trở vào, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản quy hoạch trung tâm sản xuất tôm giống ở một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm vùng ĐBSCL.

Đồng thời, sớm ban hành tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất tôm giống và tiến hành kiểm tra cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện sản xuất tôm giống.

Được biết, thời gian tới, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt miền Nam sẽ được xây dựng tại Tiền Giang; 3 trung tâm giống hải sản cấp I được xây dựng tại Hòn Khoai (Cà Mau), thị xã Bạc Liêu, Phú Quốc (Kiên Giang); nhiều trung tâm giống thủy sản nước ngọt cấp I cũng được xây dựng tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp…

Các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu sẽ xây dựng 3 khu sản xuất giống thủy sản nước lợ, mặn công nghiệp, mỗi khu có từ 200 – 500 trại giống, mỗi trại có công suất 10 triệu con giống/năm để tạo số lượng giống thủy sản lớn.

Dự kiến, từ nay tới 2013, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ sản xuất 36 tỷ con giống tôm sú, trên 3,5 tỷ con giống tôm càng xanh.

Theo ChinhPhu

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...