Thứ bảy, 27/04/2024, 13:49 [GMT+7]
Nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)

Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn

Thứ sáu, 15/03/2024 - 18:03'
Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, toàn tỉnh hướng đến mục tiêu đẩy lùi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường. Từ đó, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chị Đinh Thị Bảy ở khu phố 2 (thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) có đặt áo trên mạng xã hội facebook để tự thưởng cho mình nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3). Thấy chủ shop livestream quảng cáo áo có màu sắc đẹp, chất liệu tốt và cam kết y hình nên chị Bảy đã đặt một chiếc. Lúc nhân viên shipper giao sản phẩm, thu tiền chị cũng chỉ lướt qua vì nhìn màu áo có vẻ giống trên livestream, khi về thử, mới phát hiện áo rộng, đường may vụng về, chất liệu nhăn nhàu không như cam kết. Chị Bảy có nhắn tin cho chủ shop để kiến nghị thì bị chặn liên lạc.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những cá nhân, tổ chức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hay các mạng xã hội như: facebook, zalo… luôn mong muốn mang những sản phẩm chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng. Song, cũng không ít các chủ shop vì muốn kiếm tiền nhanh mà lừa dối khách hàng, giới thiệu hàng chất lượng tốt, nhưng bán cho người tiêu dùng lại là sản phẩm kém chất lượng, khi khách hàng không nhận thì yêu cầu phải trả phí hoàn hàng cao hơn mức bình thường.
Đơn cử như trường hợp của chị Hoàng Thị Phương ở tổ dân phố Hữu Nghị (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đặt mua đôi giày có nhãn hiệu Miumiu trên trang mạng xã hội với giá 750 nghìn đồng. Tuy nhiên, theo quảng cáo hôm nay là ngày đặc biệt nên chủ shop quyết định giảm giá đôi giày còn 279 nghìn đồng, miễn phí giao hàng, hàng không giống như quảng cáo có thể trả lại mà không mất phí. Thấy chủ shop quảng cáo hấp dẫn, nhìn trên livestream sản phẩm đẹp, bản thân chị Phương cũng thường đi giày của nhãn hiệu này đã không ngần ngại đặt mua. Đến khi nhận hàng, sản phẩm cũ, chất liệu không như quảng cáo, chị Phương không nhận thì được shipper thông báo phải trả 60 nghìn đồng tiền hoàn hàng đã ghi rõ trong đơn. Quá bức xúc chị lên mạng tìm tài khoản của chủ shop kiến nghị thì đã “biến mất”. Chị nhờ shipper gọi đến số điện thoại ghi trên địa chỉ người gửi cũng nhận được câu trả lời, em chỉ là nhân viên được thuê để gửi hàng.

Người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng có uy tín.

Trường hợp của chị Bảy, chị Phương là hai trong những ví dụ điển hình khi mua phải sản phẩm kém chất lượng trên nền tảng kỹ thuật số mà không biết kêu ai. Bởi hiện nay, việc xử lý những thông tin phản ánh của khách về các hành vi gian lận thương mại hầu hết gặp khó khăn. Đặc biệt là mua hàng theo hình thức trực tuyến.
Ông Đỗ Văn Tính - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Rất khó quản lý kinh doanh online do hoạt động này khá phức tạp, bởi phần lớn người bán không có địa chỉ cụ thể. Ngoài ra, đa số trường hợp người mua và người bán không biết nhau, phát sinh vấn đề hàng giả, hàng nhái thì người tiêu dùng phải chịu thiệt. Bởi vậy, khi chọn mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, nếu không rõ về sản phẩm thì không nên mua.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã có 330 vụ vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Điển hình như ngày 5/1/2024 tại khu phố 2 (thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên). Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải là ôtô bán tải, biển kiểm soát: 29H - 614.85 do bà Đặng Thị Thu Hiền (Thành phố Hà Nội) là lái xe kiêm chủ hàng. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện trên thùng xe có 1.600 chiếc kính cường lực điện thoại di động nhãn hiệu Remax, trị giá 5,6 triệu đồng do nước ngoài sản xuất. Bà Hiền không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng trên.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, ngành Công thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường. Đặc biệt, kiểm tra các cơ sở sản xuất, bán hàng, trong đó cũng tập trung vào hệ thống cửa hàng ở vùng sâu, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Các đối tượng vi phạm được xử lý nghiêm minh, tạo sức răn đe. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các hoạt động liên quan đến chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe; tiêu dùng thông minh trên môi trường thương mại điện tử… Qua đó, từng bước góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn dân; nâng cao đạo đức kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Khi quyết định mua một sản phẩm cần tìm hiểu kỹ, nhất là mua hàng trực tuyến chọn nơi uy tín, được khách hàng đánh giá cao. Riêng những sản phẩm có giá trị lớn nên mua ở những cửa hàng, đại lý bán lẻ uy tín, có thương hiệu tránh mua hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...