Chủ nhật, 19/05/2024, 06:52 [GMT+7]

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Cần giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm

Thứ hai, 09/07/2012 - 08:26'
Lãi suất cao, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư sản xuất, giải phóng hàng tồn kho và trả nợ... là những nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2012. Giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và hạ thấp tỷ lệ nợ xấu là giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang chỉ đạo toàn ngành triển khai.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngành ngân hàng diễn ra ngày 7/7 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, lãi suất huy động và cho vay đã giảm nhanh. Tuy nhiên, lãi suất thấp hiện chủ yếu tập trung ở các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ phần lớn vẫn phải chịu lãi suất cao.

Do các khoản vay vẫn phải chịu lãi cao, trong khi đó doanh nghiệp không đủ khả năng để trả nợ nên khiến nợ xấu của ngành ngân hàng tăng cao. Theo NHNN, đến cuối tháng 5/2012, tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 4,47% tổng dư nợ, tương đương hơn 100.000 tỷ đồng. Đây là mức khá cao khi cuối năm 2011 mức này mới ở mức 3,07%.

Tuy nhiên, theo số liệu giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% giá trị nợ xấu. Đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng đã tiến hành trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng.

Trước thực tế trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo, các ngân hàng khẩn trương đưa lãi suất với các khoản vay cũ xuống dưới 15%, sau thời hạn 1 tuần, tức đến 15/7, NHNN từng địa bàn sẽ làm việc với từng ngân hàng để đảm bảo việc cơ cấu nợ, hạ lãi suất được tiến hành đúng chủ trương đề ra. 

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ngân hàng cần phải tự xem lại là mình đã thực sự đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp hay chưa, thay vì nói thì cần thể hiện sự chia sẻ đó bằng những hành động thật cụ thể. Vì thế, các ngân hàng cần phải trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để tìm ra những hướng giải quyết phù hợp.

Ủng hộ chủ trương trên của NHNN, phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều ngân hàng đã cam kết sẽ sớm triển khai. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc ngân hàng Vietcombank cho biết, sẽ rà soát các khoản vay cũ, áp lãi suất từ 15%/năm trở xuống.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Thanh, các chủ trương điều hành của NHNN trong thời gian qua đã đạt được 3 mục tiêu lớn, đây là 3 vấn đề cơ bản nhất, là nền tảng để toàn ngành ngân hàng tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ thời gian tới. Thứ nhất, đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, các chính sách của NHNN đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ ba, đã từng bước ổn định lại hệ thống tổ chức tín dụng, đảm bảo họat động an toàn. Những kết quả này, chứng minh chủ trương đưa ra của ngành ngân hàng là hoàn toàn đúng. 

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn đang đứng trước tình trạng tồn kho cao, không có vốn. Nợ nần khiến doanh nghiệp phải bán lỗ, từ đó xếp hạng tín dụng thấp. Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đó cũng là cách để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng. 

“Chúng tôi phải tự cứu mình, ôm tín dụng mà không bơm ra được thì ngân hàng cũng chết. Trong 6 tháng cuối năm, ngoài 4 lĩnh vực ưu tiên, Vietcombank sẽ tập trung vào tiêu dùng. Phấn đấu năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt 10- 12%”- ông Nguyễn Phước Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Phước Thanh, hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank không quá 11%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực không ưu tiên tối đa 15%/năm, các khoản vay lãi suất quá 15% chỉ chiếm khoảng 12- 13% và không có khoản vay nào quá 18%/năm. 

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Sương, giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đang quyết tâm đưa những khoản vay cũ có lãi suất trên 20% xuống dưới 20%/năm ngay trong tháng 7 này.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Sương, hiện mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn Hà Nội đã giảm 4-6%, từ nay đến cuối năm, NHNN chi nhánh Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 9-10% trong năm 2012. Cùng với đó, tiếp tục nắm bắt thông tin khó khăn của doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ khó khăn, trong đó dự kiến cuối tháng 7 này sẽ tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với một số tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Còn theo ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank, để góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Vietinbank đã gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp để đàm phán, tìm phương án giải quyết khó khăn, chấp nhận miễn giảm lãi 100% với một số doanh nghiệp, miễn là doanh nghiệp phải trả được nợ gốc. 

Cũng theo ông Phạm Huy Hùng, vừa qua, khu vực ngân hàng tiềm ẩn cạnh tranh không lành mạnh. Hiện đầu vào của mộ số ngân hàng luôn bị cuốn hút bởi lãi suất cao, có ngân hàng chào lãi suất huy động 14%/năm. Do đó, ông Hùng cũng đề nghị NHNN cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc ngân hàng thương mại, đánh giá đúng sức khỏe các ngân hàng, đặc biệt là năng lực tài chính. Vì hiện nay nhiều ngân hàng thương mại yếu đang dùng lãi suất cao để dẫn dắt lãi suất thị trường, do đó, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh ngay những ngân hàng này.

“Hiện chúng tôi áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn là 11-12%/năm, trung hạn là dưới 15%, còn vài khoản vay lãi suất 16% nhưng chúng tôi sẽ nhanh chóng điều chỉnh giảm xuống dưới 15%. Chúng tôi khẳng định, mọi khách hàng, đủ đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của Vietinbank đều được vay vốn lãi suất 11-12%/năm, không cần phương án kinh doanh hiệu quả lắm”- Ông Phạm Huy Hùng cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng Eximbank cũng cho biết, Eximbank đã chấp nhận miễn giảm 100 tỷ đồng lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện Eximbank đã thống nhất việc hạ lãi suất xuống theo đúng chủ trương của NHNN...

Với sự đồng thuận lớn của hầu hết các ngân hàng, mong rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi để cơ cấu lại nợ và tiếp cận nguồn vốn rẻ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế./.

 

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...