Thứ bảy, 27/04/2024, 11:56 [GMT+7]

Than Uyên đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ hai, 14/09/2020 - 19:17'
(BLC) - Với sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của huyện Than Uyên đã góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đến các bản từ vùng thấp đến vùng cao của huyện Than Uyên, điều chúng tôi cảm nhận rõ nét là cơ sở hạ tầng: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế từng bước hoàn thiện. Đặc biệt, các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, liên bản, đường nội đồng được đầu tư cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhờ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, thay đổi diện mạo nông thôn ở các địa phương.

Huyện Than Uyên có 12 xã, thị trấn, 131 bản, tổ dân phố; có quốc lộ 32, 279 đi qua với chiều dài 77,58km, đường huyện 39,7km, đường xã 192,4km, đường bản 283km. Điều này thuận lợi kết nối giao thương, đưa nông sản của các xã đến thị trường trong và ngoài huyện. Xác định phát triển giao thông là khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, đánh giá thực trạng của các tuyến đường. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao trách nhiệm, tư duy về quản lý từ việc lập, quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối của các dự án giao thông trên địa bàn. Ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối giữa các địa phương và phương thức vận tải phù hợp với điều kiện thực tế.

Cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Than Uyên kiểm tra chất lượng công trình đường nội bản Tèn Cò Mư (xã Ta Gia).

Cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Than Uyên kiểm tra chất lượng công trình đường nội bản Tèn Cò Mư (xã Ta Gia).

Ông Nguyễn Chung Thủy - Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Than Uyên cho biết: “Phòng chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo khảo sát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông làm cơ sở cho hoạt động đầu tư. Từng bước đầu tư, nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông ở các xã và bản theo quy hoạch. Chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là công trình dở dang, chuyển tiếp đã được bố trí vốn theo từng giai đoạn. Đối với dự án mới, lựa chọn nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, đảm bảo thi công đúng thời hạn quy định; quản lý chặt chẽ việc thi công, nghiệm thu, từ đó phát huy hiệu quả sau khi đưa vào khai thác, sử dụng”.

Huyện đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn triển khai thực hiện các dự án hoàn thành đúng tiến độ. Các đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác đo đạc, quy chủ, tính toán lập phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thi công các tuyến đường. Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thuộc vùng dự án bị thu hồi đất chấp hành quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong công tác kiểm kê, bồi thường, bàn giao mặt bằng. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của người dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135/CP, huyện dành 300 tỷ đồng xây dựng 200km đường giao thông trọng điểm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân và phúc lợi xã hội. Hằng năm, huyện chú trọng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 5 tuyến đường huyện, 6 tuyến đường xã với tổng số tiền thực hiện khoảng 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, 100% đường giao thông đến trung tâm xã và đường đến bản được cứng hóa, xe máy đi lại thuận lợi quanh năm; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa trên địa bàn huyện đạt 71,86%.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sửu - Bí thư Đảng ủy xã Ta Gia chia sẻ: “Xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó đường nội bản được cứng hóa đạt 99,1%, đường nội đồng cứng hóa đạt 50,1%. Ngoài việc Nhà nước đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường, xã vận động bà con hiến đất, góp công tu sửa đường. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân”.

Từ đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Than Uyên thuận lợi hơn trong giao thương, tổ chức mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập đáng kể. Đây là tiền đề để huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...