Thứ bảy, 27/04/2024, 11:25 [GMT+7]

Trồng sắn - hướng phát triển kinh tế mới

Thứ năm, 10/06/2021 - 15:34'
Ba năm gần đây người dân xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ) chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng sắn. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn.

Theo cán bộ nông nghiệp xã Pa Khóa chúng tôi tới nương của bản Hồng Quảng 2 - nơi bà con đang khẩn trương làm cỏ, chăm sóc những cây sắn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vàng A Ỏn (ở bản Hồng Quảng 2) cho biết: “Trước đây, gần 1ha đất nương này của gia đình gần như để hoang, 2-3 năm mới trồng 1 vụ lúa nương. Nguyên nhân vì trồng cây gì cũng còi cọc mà không có hiệu quả. Đến năm 2019, khi thấy sắn có người thu mua cùng với giá trị kinh tế cao, thời gian trồng lại ngắn nên tôi quyết định mua ngô giống về trồng thử nghiệm 5.000m2. Sắn trồng trên đất nương của gia đình phát triển tốt, sản lượng thu hoạch cao, vụ đầu tiên thu hoạch được 4 tấn củ tươi/5.000m2 đất, bán được 8 triệu đồng. Nhận thấy giá trị kinh tế từ sắn mang lại năm nay gia đình tôi sử dụng toàn bộ gần 1ha đất nương để trồng sắn. Cùng diện tích đất trồng sắn, tôi trồng xen cây quế. Mong rằng vụ sắn năm nay sẽ đạt sản lượng cao và giá bán cao hơn năm ngoái”.

Nương sắn của dân bản Hồng Quảng 2 (xã Pa Khóa).

Anh Lày A Nọi (bản Hồng Quảng 2) chia sẻ: “Tôi mạnh dạn chuyển đổi khoảng 2ha đất nương kém hiệu qủa sang trồng sắn. Trồng sắn không mất nhiều công chăm sóc, không vất vả, tiết kiệm được thời gian, công sức vì từ khi trồng trung bình 1 tháng làm cỏ 1 lần, đến khi cây cao khoảng hơn 1m. Không mất tiền phân bón, chi phí ban đầu thấp, chỉ mất tiền mua giống; sau khi trồng 1 vụ có thể tự để giống cho vụ sau mà không mất tiền mua. Sắn ít bị bệnh, 2 năm trồng diện tích sắn của gia đình tôi phát triển tốt. Vụ sắn năm 2020 tôi thu hoạch được 25 tấn củ sắn tươi thu về hơn 25 triệu đồng. Từ tiền bán sắn tôi có tiền đầu tư mua cây, con giống khác về chăn nuôi, trồng trọt và mua sắm một số thiết bị trong nhà. Ban đầu mới trồng do chưa biết kỹ thuật, tôi trồng dày cây, vừa qua được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn, hiện gia đình đang tích cực làm cỏ vườn sắn, hứa hẹn một mùa sắn bội thu”.

Hiện trên địa bàn xã Pa Khóa có tổng 80ha đất trồng sắn. Anh Thần A Kỉn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ban đầu người dân trồng sắn tự phát, sau một thời gian đến năm 2020 nhận thấy cây sắn phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, cây cho củ to, nặng và đem lại thu nhập. Do đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng sắn. Vụ sắn năm 2020 sản lượng đạt 5.600 tấn, năng suất đạt 70 tạ/ha. Vụ sắn năm nay bà con trồng từ tháng 2 đến tháng 12 và tháng 1 năm sau cho thu hoạch. Xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xuống từng bản, từng nơi trồng hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc theo kỹ thuật. Vận động bà con tích cực làm cỏ, chăm sóc và hướng dẫn cách bảo quản sắn cho người dân”.

So với việc trồng ngô, lúa thì trồng sắn đỡ công chăm sóc và ít rủi ro dịch bệnh hơn; giá thành cũng cao gấp 2-3 lần. Vì vậy trồng sắn đang là hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn xã Pa Khóa, giúp người dân có thêm thu nhập, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, giá và tiêu thụ sản phẩm sắn củ chông chênh dẫn đến việc chính quyền, người dân băn khoăn nên hay không nên mở rộng diện tích. Anh Kỉn chia sẻ thêm: Hiện nay, sắn củ khi thu hoạch người dân đem bán tại xưởng ở xã Nậm Tăm cách xã hơn 5km nhưng giá thu mua bấp bênh. Ví dụ như năm 2019, sắn được mua với giá cao 2.000- 2.500 đồng/kg thì năm 2020 chỉ còn 1.000-1.200 đồng/kg. Vì vậy, thời gian tới chính quyền xã mong muốn huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sắn và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm sắn củ. Từ đó, người dân mở rộng diện tích trồng sắn, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm nghèo trên địa bàn.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...