Thứ bảy, 18/05/2024, 21:58 [GMT+7]

Triển khai thu thuế đất phi nông nghiệp: Nhiều cái khó

Thứ năm, 10/05/2012 - 10:40'
(BLC) - Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Sau một thời gian triển khai thực hiện, trên địa bàn thị xã Lai Châu đã xuất hiện những vướng mắc khiến cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền lúng túng.

Thực hiện Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn triển khai thu thuế đất phi nông nghiệp, Chi cục Thuế thị xã Lai Châu đã tham mưu với UBND thị xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ thu thuế đến các thành viên Hội đồng tư vấn thuế, tổ trưởng tổ dân phố, bản để phổ biến, hướng dẫn kê khai và lập Bộ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho từng hộ. Trong hơn 11.000 tờ khai phát ra, đến nay, Chi cục đã thu lại được trên 90%. Theo kế hoạch, đến ngày 15/5, các xã, phường sẽ đôn đốc, hướng dẫn các hộ nộp xong tờ khai; ngày 25/5 sẽ lập xong Bộ và đến ngày 1/6 Chi cục sẽ có thể phát thông báo thu thuế đến các gia đình có nghĩa vụ nộp thuế.

Nhiều vướng mắc

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, đối với các hộ thuộc diện tái định cư (TĐC) hoặc cán bộ công nhân viên chức (CNVC), lực lượng vũ trang (LLVT) đã được cấp đất ở tại các khu dân cư song vì nhiều lý do, hiện tại chưa làm nhà, chưa ở trên phần đất đã được cấp mà đăng ký tạm trú, tạm vắng, thường trú và làm ăn sinh sống ở nơi khác khiến cho việc phát tờ khai, kê khai gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Lý Văn Minh - Trưởng bản Tả Làn Than hướng dẫn nhân dân điền thông tin vào tờ khai thuế.

Theo ông Nguyễn Quang Mạnh – Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã, đối với các hộ đăng ký tạm trú, tạm vắng và đủ điều kiện sinh sống ở nơi khác thì rất khó để liên hệ với họ và điền các thông tin cần thiết vào tờ khai ngay thời điểm này. Bởi có những người đang làm ăn sinh sống ở rất xa địa chỉ đất nên không thể có mặt kịp thời. Nhiều gia đình nhận tờ khai nhưng chưa thành thật khai hết số diện tích, số thửa đất của gia đình vì sợ phải nộp thuế cao dẫn đến việc kê khai, tính thuế đất của cơ quan thuế chênh lệnh, thiếu chính xác so với thực tế.

Bên cạnh đó, thông tin quan trọng, cần thiết phải điền vào tờ khai (như: số chứng minh thư nhân dân (CMTND), ngày, tháng, năm được cấp; đơn vị cấp) thì có khoảng 15 – 20% hộ lại bỏ trống khi điền vì không có CMTND. Một trong những khó khăn cơ bản trong triển khai thu thuế đất phi nông nghiệp nữa đó là: khi kê khai, nhiều gia đình lúng túng vì không biết điền thông tin nguồn gốc của thửa đất gia đình mình có từ đâu? bao giờ?... Bởi: “Có đến 50% tổ dân phố, bản trên địa bàn phường Tân Phong, người dân không thể kê khai được nguồn gốc đất phi nông nghiệp của gia đình. Từ năm 1960, nhiều người dân ở các tỉnh miền xuôi lên Lai Châu xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang ruộng đất, trồng chè và là công nhân của Nông trường Chè Lai Châu. Để tạo điều kiện cho công nhân gắn bó lâu dài và yên tâm công tác, Nông trường đã cho công nhân mượn đất làm nhà, ổn định cuộc sống. Song một số gia đình có giấy tờ chứng minh mượn đất từ nông trường nhưng có gia đình thì chỉ thỏa thuận miệng nên không thể nhớ chính xác số diện tích, số thứ tự thửa và thời điểm chuyển nhượng để điền vào tờ khai” – ông Lê Đức Mạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phong chia sẻ vướng mắc lớn nhất của phường khi triển khai thực hiện sắc thuế này.

“Phương châm của Chi cục Thuế thị xã trong việc thu các loại sắc thuế là thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng và phải có cơ sở chứng minh quyền lợi. Ví như những gia đình thuộc diện thương binh, người nghèo, người già neo đơn nếu không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh thì chúng tôi không có cơ sở để làm thủ tục miễn giảm” – ông Nguyễn Quang Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã cho biết.

Giải pháp tạm thời

Chúng tôi đến UBND phường Tân Phong - địa bàn có số tổ dân phố, bản đông nhất thị xã; nơi tiếp nhận nhiều hộ thuộc diện TĐC Thủy điện Sơn La; có tỷ lệ hộ dân lên xây dựng vùng kinh tế mới khá cao so với các địa bàn khác.

Tìm hiểu về giải pháp của phường để hướng dẫn người dân kê khai đúng, đủ, chính xác thông tin vào tờ khai, chúng tôi được biết: Sau khi hướng dẫn các hộ kê tờ khai thuế theo mẫu, phường đã phát ra khoảng 3.600 tờ khai, đến nay đã thu lại khoảng 90%.

Để đạt được con số trên, phường đã rất vất vả trong chỉ đạo thực hiện. Cụ thể: đối với các hộ thuộc diện là cán bộ, CNVC và TĐC, phường giao nhiệm vụ cho cán bộ tổ dân phố liên hệ với các hộ để có trách nhiệm kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đối với các hộ đã sinh sống trên địa bàn phường lâu năm, nay đã thất lạc hoặc không có giấy tờ đất để chứng minh nguồn gốc, phường cho rằng “do bối cảnh tình hình kinh tế trước đây để lại” nên nếu gia đình nào đã ở ổn định từ thời điểm mượn đất đến nay, không có tranh chấp, chuyển nhượng … thì phường “chấp nhận tính diện tích hiện có của gia đình”.

Theo kế hoạch, đến ngày 15/5, Chi cục Thuế thị xã sẽ phải thu lại 100% tờ khai đã phát ra, như vậy, chỉ còn 5 ngày để giải quyết, liệu có đảm bảo kế hoạch? Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, đặc biệt là các đội tư vấn thuế để tuyên truyền người dân hiểu rõ hơn về chính sách, quyền lợi khi nộp thuế. Yêu cầu các chủ sở hữu đất nhanh chóng hoàn thiện các thông tin về CMTND và phối hợp với tổ dân phố, bàn, xác minh lại các thông tin đã kê khai đảm bảo tính chính xác”.

Theo quy định Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, diện tích đất tính thuế là tổng diện tích đất được nhà nước giao, cho thuê (mượn) ghi trên giấy chứng nhận, quyết định giao đất, quyết định hoặc hợp đồng cho thuê (mượn) đất. Trường hợp diện tích đất ghi trên giấy chứng nhận, quyết định giao đất, quyết định hoặc hợp đồng cho thuê đất thấp hơn diện tích đất thực tế sử dụng vào mục đích kinh doanh thì diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế sử dụng. Vấn đề khó ở chỗ diện tích đất thực tế sử dụng, chắc chắn sẽ không có trong cơ sở dữ liệu của các ngành chức năng, nên việc xác định diện tích đất thực tế là không đơn giản.

Ông Mạnh cũng kiến nghị với các cơ quan liên quan như: UBND thị xã, Phòng Tài nguyên – Môi trường, Tài chính – Kế hoạch tăng cường phối hợp thực hiện; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các hộ chưa thực hiện kê khai để nâng cao tinh thần tự giác, chủ động trong việc kê khai nộp thuế.

Qua kết quả thống kê và khảo sát sơ bộ, dự tính thị xã Lai Châu sẽ có khoảng trên 10 nghìn hộ dân thuộc diện đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, với trên 100ha đất phi nông nghiệp, nguồn thu khoảng 500-700 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, vấn đề tờ khai phải được thực hiện chính xác, đảm bảo tính bền vững.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...