Chủ nhật, 19/05/2024, 08:41 [GMT+7]

Trung tâm Dạy nghề huyện Tân Uyên: Chuyển giao khoa học kỹ thuật từ những mô hình điểm

Thứ sáu, 06/07/2012 - 10:31'
(BLC) - Sau hơn 1 năm thành lập, Trung tâm Dạy nghề huyện Tân Uyên (TTDN) đã tổ chức gần 20 lớp dạy nghề ngắn hạn. Qua các mô hình thí điểm cây, con giống mới đã từng bước chuyển giao khoa học kỹ thuật đến cho nông dân.

Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tới thăm trụ sở tạm của TTDN huyện Tân Uyên là trong các phòng làm việc ngổn ngang những thức ăn gia súc, máng nước, hộp đựng thức ăn cho gia cầm… cùng một số nông cụ khác - đó là “giáo cụ” được Trung tâm trang bị cho bà con nông dân.

Mô hình ngô nếp tại Phiêng Lúc, xã Nậm Cần.

Chị Nguyễn Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung mở lớp dạy nghề ngắn hạn miễn phí về chăn nuôi, trồng trọt tại các bản vùng sâu, vùng xa như: Nậm Cần, Nậm Sỏ và các bản trong vùng tái định cư Thủy điện Bản Chát – Huội Quảng”.

Với phương châm “Học đi đôi với hành” các lớp học đều xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để học viên có điều kiện thực hành, áp dụng các kỹ thuật, kiến thức mới vào thực tiễn. Qua đó, bà con tiếp cận nhanh với phương thức sản xuất mới; từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ theo lối quảng canh, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên.

Cán bộ TTDN huyện Tân Uyên kiểm tra mô hình trồng nấm tại Pá Mít, xã Trung Đồng.

Theo các cán bộ trong Trung tâm, chúng tôi tới thăm mô hình trồng ngô giống mới, nuôi gà nhốt chuồng tại điểm tái định cư Phiêng Lúc, Pá Tra (Nậm Cần).

Nhìn những đám ngô xanh mướt trên chân ruộng một vụ của bản Phiêng Lúc đã đỏ cờ, bắp to mập đang chờ bà con dân bản thu hoạch chúng tôi phần nào hiểu được kết quả bước đầu của mô hình.

Anh Lò Văn Ón - trưởng bản Phiêng Lúc, xã Nậm Cần (một thành viên của lớp học) phấn khởi nói: “Vừa qua, TTDN thí điểm gần 3.000m2 ngô nếp. chúng tôi mạnh dạn tham gia trồng theo mô hình của TTDN. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ TTDN như: đánh luống, bón lót, bón thúc, vun gốc, làm cỏ... vụ này, Phiêng Lúc được mùa ngô”.

Bình quân 1m2 cho 4 bắp, 1 bắp giá 2.500đồng, 1ha trồng ngô nếp bán ra thị trường trừ chi phí bà con nông dân thu lãi từ 50 – 70 triệu đồng. Với gần 20ha ngô, người dân TĐC Phiêng Lúc có thêm thu nhập đáng kể nhờ mạnh dạn xen vụ ngô nếp trên chân ruộng 1 vụ.

Được TTDN Tân Uyên trang bị kiến thức cơ bản về trồng các loại cây lương thực, thực phẩm thời gian qua nhiều hộ dân các xã: Nậm Sỏ, Hố Mít, Pắc Ta… đã triển khai thành công mô hình lúa, ngô, khoai tây, đậu tương giống mới và măng bát độ.

Trở lại bản Phiêng Lúc, chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình thí điểm nuôi gà nhốt chuồng do Trung tâm triển khai thực hiện. Anh Lò Văn Lá, một trong những hộ nông dân trong bản được tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, khi sống ở bản Bàng Mai, bà con trong bản cũng nuôi gà, nhưng thả rông, gà không được chăm sóc nên chậm lớn (1 năm chỉ tăng hơn 1kg). Do không chú trọng phòng dịch nên hay xảy ra các loại dịch cúm, tụ huyết trùng... Nay TTDN triển khai mô hình gà lương phượng lai, khi nhập giống gà 15 ngày tuổi sau hơn 2 tháng nuôi nhốt gà đã tăng trưởng, trọng lượng bình quân 1,7 - 2kg nên bà con rất phấn khởi”

Được biết, TTDN Tân Uyên đã từng triển khai và thành công với lớp dạy nghề ngắn hạn nuôi gà nhốt chuồng tại xã Trung Đồng. Hiện nay nhiều hộ dân ở các bản Kim Pu, Pá Lầu đã đầu tư, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình nhờ nuôi gà.

Một trong những lớp học được đánh giá là hiệu quả, đó là lớp trồng nấm sò tại bản Tảng Đán (xã Thân Thuộc) và Pá Mít (xã Trung Đồng). Chi phí ban đầu không lớn song đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mỗi túi nấm chi phí chưa tới 30 nghìn đồng, nhưng thu bình quân 2,5 – 3kg, với mức giá 40 nghìn/kg nấm thành phẩm, trồng nấm sò được nông dân ví là nghề “một vốn bốn lời”.

Chị Lò Thị Thuận ở bản Pá Mít - thành viên của lớp học chia sẻ, có thể tận dụng rơm khổ xử lý làm sạch bằng cách ngâm với nước vôi trong khoảng 10h, sau đó ủ khoảng 2 ngày cho rơm mềm rồi lèn rơm vào các túi ni lông sạch và rắc giống nấm rồi buộc chặt miệng túi đặt lên giàn.

Khi thấy giống phát triển mọc sợi trắng thì rạch túi để nấm phát triển, chú ý làm ẩm, phun nước cho nấm 2 lần/ngày. Sau 7 – 10 ngày nấm phát triển có thể thu hoạch. Mô hình trồng nấm của lớp dạy nghề ở Pá Mít hiện đang được bà con dân bản nhân rộng.

Chủ động khảo sát nhu cầu học tập của nông dân, trong các lớp dạy nghề dành nhiều thời gian cho học viên thực hành tại thực địa, TTDN huyện Tân Uyên đã gặt hái thành công trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng...

 

Bùi Chiến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...