Thứ bảy, 18/05/2024, 22:44 [GMT+7]

Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Thứ hai, 24/04/2017 - 15:35'
(BLC) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương… Với vai trò quan trọng đó, tỉnh Lai Châu đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân trên đồng đất quê hương. 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, UBND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các Đề án: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020; Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015-2020 và các Đề án về phát triển cây quế, sơn tra... Cùng với tập trung thực hiện các quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2014-2016; Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2021)…. Theo đó, tính riêng trong giai đoạn 2014-2017, toàn tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí trên 197 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 49,3 tỷ đồng.

Cùng với phê duyệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều đề án, chương trình hỗ trợ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương quan tâm xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, thâm canh, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ; phát triển một số giống lúa đặc sản như: Séng cù, Tả cù, Tẻ râu, nếp Tan Cò Giàng; một số vùng sản xuất ngô tập trung tại các huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Than Uyên, Sìn Hồ, chủ lực là các giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung tại huyện: Tam Đường, Tân Uyên, thành phố Lai Châu, Nậm Nhùn. Đồng thời, quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án Phát triển cây quế, sơn tra trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2016, diện tích quế đã đạt 1.820ha, diện tích cây sơn tra đạt 1.180ha.


Nhờ triển khai hiệu quả các Dự án phát triển chăn nuôi, nhiều hộ dân bản Huổi Lùng, xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu) phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn.

Đặc biệt là việc hình thành 3 vùng kinh tế động lực bao gồm (vùng kinh tế động lực quốc lộ 32 và 4D, vùng kinh tế lâm – nông nghiệp sinh thái sông Đà; vùng kinh tế du lịch sinh thái, văn hóa dân tộc và nông nghiệp chất lượng cao ở cao nguyên Sìn Hồ) đã từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại, phát triển nuôi cá nước lạnh ở huyện Tam Đường và Phong Thổ. Khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng gắn với trồng rừng sản xuất và phát triển cao su đại điền; cây ăn quả và một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao... Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch Phát triển vùng kinh tế nông - lâm sinh thái sông Đà tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung khai thác lợi thế vùng gắn với quy hoạch, sắp xếp tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc; tích cực khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; quy hoạch phát triển cây dược liệu, hoa quả ôn đới; bước đầu hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch bản sắc văn hóa dân tộc ở quy mô hộ gia đình...

Để nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, các ngành chức năng trong tỉnh cũng tích cực phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Công tác đào tạo được thực hiện theo hướng đa dạng hóa các ngành nghề, theo nhu cầu người học và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2014 đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 15.000 người, với 27 loại ngành nghề. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36,4% năm 2013 lên 42,8% năm 2016.

Có thể khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đề án, dự án, chương trình hỗ trợ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt 206.700 tấn, tăng 23.700 tấn so với năm 2013. Duy trì và phát triển trên 820ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng tập trung sử dụng 1-2 giống lúa thuần chất lượng cao. Tiếp tục phát triển một số cây công nghiệp có lợi thế: Năm 2016, tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 4.110ha, tăng 837ha, sản lượng chè búp tươi đạt 23.670 tấn, tăng 3.697 tấn so với năm 2013; tổng diện tích cây cao su đạt 13.226ha, tăng 2.088ha so với năm 2013, trong đó diện tích đến tuổi khai thác là 2.982ha, diện tích đã khai thác 71,5ha. Tổng diện tích cây ăn quả đạt 3.083ha, tăng 2.354ha so với năm 2013.

Chăn nuôi phát triển ổn định, tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt 336.776 con, tốc độ tăng đàn gia súc bình quân đạt 5%/năm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 840ha và 7 cơ sở nuôi cá nước lạnh với tổng thể tích 8.427m3; tổng sản lượng nuôi thả và đánh bắt tự nhiên năm 2016 đạt 2.423 tấn, trong đó nuôi cá nước lạnh 147 tấn, cá lồng 138 tấn. Tập trung thực hiện công tác phát triển lâm nghiệp, coi trọng phát triển rừng phòng hộ; làm tốt công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Diện tích rừng hiện có là 431.784ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 381.152ha; diện tích rừng trồng là 12.028ha; diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 25.379ha. Giai đoạn 2014 - 2016 trồng mới 6.554,8ha rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,55%, tăng 2,95% so với năm 2013.

Đồng chí Hà Văn Um – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Đảng, nhà nước, sự quan tâm lãnh chỉ đạo toàn diện của Đảng bộ tỉnh, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh phát triển, xác định rõ vùng sản xuất hàng hóa tập trung và một số sản phẩm chủ lực để phát triển. Sản lượng lương thực tăng nhanh, an ninh lương thực được đảm bảo, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, chè, cao su. Xuất hiện một số mô hình trang trại quy mô lớn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng... Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao...

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp, trình độ canh tác còn lạc hậu. Công tác nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao... Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để khơi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; triển khai có hiệu quả chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng, kiện toàn kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Bên cạnh đó, giải quyết vướng mắc, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư trên địa bàn; thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành nghề mới mà tỉnh có nhu cầu. Các xã, phường, thị trấn quan tâm xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

Nguyễn Khương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...