Thứ tư, 22/05/2024, 01:09 [GMT+7]

Con đường từ sức dân

Thứ hai, 04/05/2015 - 17:50'
 (BLC) - Trước đây, nếu ai đã từng một lần được đến các bản Noong Hẻo 1, Noong Hẻo 2, Noong Hẻo 3 (xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ) hẳn không quên về những bản người Thái nằm giữa “thế giới” đá khối, đá tảng. Đá dưới gầm sàn, đá trên đầu bản, đá “ngự” trong ao, đá lan cả ra đường... Ông Lò Văn Chựa - Chủ tịch UBND xã kể: Trước đây nếu ngày mưa có thể đi vào cả 3 bản mà chẳng sợ ướt chân bởi chỉ cần… xách dép mà nhảy giữa các khối đá là đi khắp nơi. Nhưng đá nhiều quá chiếm hết cả không gian riêng lẫn không gian công cộng của bản.

Ông Quàng Văn In - Trưởng bản Noong Hẻo 2 bảo rằng: đá chiếm hết cả đường đi của bản. Có chỗ, hai khối đá áp lại với nhau như thắt ngưỡng cổ bồng chỉ chừa cho dân bản một lối đi rộng vài chục centimet. Cái lối ấy chỉ vừa cho 1 con trâu đi qua, hai đứa trẻ đi học ngược chiều cũng phải nhường nhau nếu không sẽ xảy ra… tắc đường cục bộ! Cả đường chính lẫn trục đường xương cá đều bé tẹo, gập ghềnh và lầy lội.

Đã ở cái tuổi đại thọ, ông Lò Văn Líu (85 tuổi, bản Noong Hẻo 3) dường như không bao giờ quên được những hình ảnh, âm thanh, ấn tượng về những con đường đã từng một thời chạy trong bản. Nhìn những khối đá thâm xì nằm chềnh ềnh giữa bản như thách thức, ông Líu bặm môi, lắc đầu kết luận: “Dân các bản Noong Hẻo chúng tôi khổ vì đường nhiều rồi!” rồi lại lui cui nhìn vào cái rổ đang đan dở. Bằng ấy năm sống cũng là bằng ấy năm ông chứng kiến những mùa mưa, rồi cảnh trẻ con ngã bì bọp khi leo trên đá trơn, những bà, những chị bầm dập mặt mày khi chẳng may vấp vào đá. Rồi những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, có nhiều nhà mua được xe máy ông lại thấy cảnh những người mặt mũi tơ tướp vì đổ xe, lao vào đá hay cảnh cả toán thanh niên xúm lại cùng khiêng một chiếc xe máy vỡ yếm, vỡ đèn vì đi trên con đường này. Ông chợt phì cười: Ở đây xe cõng người thì ít mà người cõng xe thì nhiều!

Người dân bản Noong Hẻo 3, xã Noong Hẻo đi xe máy trên con đường mới.

Con đường nhỏ và hẹp khi gặp mưa thì lầy lội đã đành lại còn có nước suối chảy qua, đôi khi cả lũ. Noong Hẻo 2 là bản có tới 2 con suối chảy qua. Khi mùa mưa đến trẻ con nghỉ học là thường tình mà không bậc phụ huynh nào dám trách bởi con suối chảy qua bản lúc này đã cuồn cuộn, có đoạn nước sâu đến cổ người lớn. Như đã “ăn” vào kỹ năng của mỗi đứa trẻ, cứ đến mùa mưa, lũ về là tụi trẻ tự nghỉ học, leo lên những khối đá mà ngắm nước suối tràn về nên cũng may, chưa có vụ học sinh bị trôi suối đáng tiếc.

Mùa nước đã vậy, ở đây mùa khô cũng chẳng có gì khá khẩm hơn. Do đường gập ghềnh, lầy lội và chật hẹp nên nhiều nhà đã mua xe máy, đã thử đi vào bản và đã phải trả giá tại các quán sửa xe nên hầu hết các hộ có xe đều chỉ dùng cho việc giao thông liên xã và phải gửi xe ở trung tâm xã rồi đi bộ vào bản. Nông sản có để bán cũng chỉ bằng cách cõng ra trung tâm.

Nay trong bản đã xuất hiện nhiều điều lạ. Điều lạ đầu tiên và đáng kể nhất là xe máy có thể đi thoải mái, tránh nhau vô tư trên đường của cả 3 bản. Chuyện cõng xe cũng không còn mà thay vào đó là xe cõng nông sản ra trung tâm chợ bán diễn ra hàng ngày...

Để có được con đường ngày hôm nay, bà con Nhân dân 3 bản đã đoàn kết góp công, góp sức với hơn 8 ngàn ngày công cho hơn 1,1km đường trục nội bản, liên bản rộng 3m. Trưởng bản Noong Hẻo 3 kể lại: "Ngày vận động bà con làm đường rất khó khăn. Dù Nhà nước hỗ trợ ximăng, cát, sỏi nhưng nhìn những khối đá cứ như những toà nhà án ngữ giữa đường không ai nghĩ có thể phá được đá để làm đường.

Ngay cả cán bộ huyện, xã khi nhìn thấy "mặt bằng" như vậy cũng chỉ biết lắc đầu. Thế nhưng chính sự quyết tâm của bà con đã đem đến một giải pháp khá táo bạo đó là dùng mìn phá đá". Việc này đòi hỏi một khoản chi phí khá lớn để thuê thợ khoan và người nổ mìn phá đá; sau khi bàn bạc, bà con thống nhất mỗi hộ đóng góp 250 ngàn đồng. Khi thi công tất cả các hộ cử người tham gia lao động, đổ bêtông đường.

Ngày làm đường cả bản vui hơn mở hội. Theo "định mức" mỗi hộ phải cử một người tham gia làm đường, nhưng thực tế có nhiều hộ các thành viên trong gia đình đều lao động tự nguyện. Thanh niên, trai tráng thì cậy đá giải phóng mặt bằng, chị em phụ nữ san nền, tạo mặt bằng. Đường mở đến đâu, vào đến đất nhà nào là nhà ấy hiến đất. Dù đường có chạy qua ao, qua vườn thì bà con cũng tình nguyện hiến đất.

Nhớ lại ngày đó, trưởng bản Noong Hẻo 2 kể: Thời gian thấm thoắt đã gần hai tháng, con đường thì vẫn còn ngổn ngang mà Tết Nguyên đán đã cận kề, tôi cứ tưởng "phải ăn tết ngoài đường". Thật may bà con quyết tâm, phấn đấu làm cho bằng được. Cũng trong thời gian này, các đoàn thể, cán bộ, công chức xã thậm chí cả đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cũng xắn tay, bê đá giúp bà con làm đường. Thấy vậy, tinh thần bà con càng cao. Sức cả bản cộng vào như lũ cuốn, đường mở đến đâu, đổ bêtông đến đó.

Con đường làm xong đúng dịp tết đến, người người, nhà nhà ai cũng vui, nhưng vui nhất có lẽ là người già trong bản. Ông Quàng Văn Lả - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi bản Noong Hẻo 2 cứ cầm tay trưởng bản mà rằng: cứ tưởng hết đời bố không được nhìn thấy con đường này chứ.

Ở Noong Hẻo, nhờ sức dân mà những điều không tưởng nay đã thành sự thật. Dù có gian nan đến mấy nhưng khi đã đoàn kết một lòng thì mọi việc sẽ thành công.

Khánh Kiên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...