Thứ sáu, 17/05/2024, 10:21 [GMT+7]

Đề cương tuyên truyền 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Lai Châu (29/2/1952 - 28/2/2017)

Thứ ba, 07/02/2017 - 16:31'
(BLC) - Lai Châu là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Ngày 29/2/1952 tại Bảo Hà - Yên Bái theo quyết định của Chính phủ về việc thành lập các Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Huyện đội, xã đội; Tỉnh đội Lai Châu được thành lập (lúc đó gọi là Tỉnh đội dân quân). 

Ảnh minh họa.

 

Ngày 13/3/2001, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ra Quyết định số 39/QĐ-BTL công nhận ngày 29/2/1952 là ngày truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT) Nhân dân tỉnh Lai Châu.

LLVT Nhân dân tỉnh Lai Châu ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ Nhân dân đánh giặc có Bộ tham mưu giúp việc đắc lực cho Đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

65 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT Nhân dân tỉnh Lai Châu đã lớn mạnh không ngừng, cùng với đồng bào các dân tộc lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần tô thắm truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Trong công cuộc đổi mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay LLVT tỉnh đã và đang sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh xây dựng Lai Châu thành một tỉnh ổn định về chính trị, mạnh về quốc phòng, vững về an ninh chính trị, phong phú về đời sống văn hoá tinh thần.

I. LLVT TỈNH LAI CHÂU TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã đề ra đường lối giải phóng dân tộc theo lập trường vô sản và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Nhưng do Lai Châu là một tỉnh miền núi xa xôi hẻo lánh, ảnh hưởng của cách mạng, của Đảng đến với đồng bào các dân tộc chư­a nhiều. Trong tình hình đó nhằm làm giảm ảnh hưởng của Đảng, thực dân Pháp tăng cường kiểm soát, phòng thủ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng lan đến Lai Châu.

Tháng 5/1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp, Pháp nhanh chóng đầu hàng phát xít Đức. Khi Nhật vào Đông Dương, chúng âm mư­u ép thực dân Pháp để độc chiếm vùng Tây Bắc Việt Nam. Những mâu thuẫn sâu sắc về quyền lợi giữa Pháp và Nhật ở Đông Dương ngày càng gay gắt, ngày 9/3/1945, quân Pháp bị truy đánh ráo riết, quân Nhật tràn vào Lai Châu. Chiếm được Lai Châu, Nhật chỉ gạt bỏ và tiêu diệt những tên tay sai cũ vẫn còn quan hệ với Pháp. Hệ thống tổ chức vẫn giữ như thời Pháp, chỉ thay đổi bằng các tên mới như: tỉnh trưởng, phủ trưởng, châu trưởng.

Bộ máy và chính sách cai trị, bóc lột và vơ vét của cải của Nhật ở Lai Châu tàn ác đã làm cho đời sống của Nhân dân các dân tộc Lai Châu vô cùng cực khổ, tăm tối. Mâu thuẫn giữa Nhân dân các dân tộc Lai Châu với phát xít Nhật và bè lũ tay sai ngày càng trở nên gay gắt.

Cách mạng Tháng Tám (1945) nổ ra và thành công, phát xít Nhật bị đuổi ra khỏi bờ cõi. Nhưng không lâu sau, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân các dân tộc Lai Châu củng cố, xây dựng các tổ, đội du kích, xây dựng căn cứ cách mạng chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là cơ sở dẫn tới sự ra đời của tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở Lai Châu (7/1949) và đầu tháng 2/1952, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Liên khu uỷ Việt Bắc, Ban cán sự Đảng tỉnh họp hội nghị mở rộng nhằm quán triệt chỉ thị cấp trên và đề ra những nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Hội nghị chủ trương tăng cường bộ máy chính quyền các cấp để chỉ đạo kháng chiến, củng cố LLVT và bán vũ trang, xây dựng phương án đánh địch, phù hợp với điều kiện khả năng của địa phương.

Ngày 29/2/1952, tại Bảo Hà - Yên Bái, Chính phủ đã quyết định thành lập Tỉnh đội Lai Châu do đồng chí Phạm Duy Tiến làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Hoàng Hoa Thưởng - Uỷ viên Ban cán sự Đảng tỉnh làm Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Long Bảo làm Trưởng ban Tham mưu, đồng chí Nguyễn Việt Tước làm Trưởng ban Chính trị, đồng chí Nông Quốc Long làm Trưởng ban Cung cấp. Các huyện đội, xã đội ở các địa phương trong tỉnh cũng lần lượt được thành lập.

Ngay sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, LLVT Nhân dân Lai Châu đã nhanh chóng đi vào xây dựng lực lượng, củng cố tổ chức, tham gia chiến đấu, tổ chức nhiều trận đánh nhằm thu hút, tiêu hao sinh lực địch (chia lửa với bộ đội chủ lực). Sau khi được thành lập, đầu năm 1953, LLVT tỉnh đã giành nhiều chiến công lớn như: trong trận đánh biệt kích của địch từ Lào tràn sang ở Mường Thanh, chiến đấu phục kích Nậm Mạ đã tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng hàng chục tên địch, bắn chìm 5 thuyền vận tải, bắn hỏng 1 ca nô và nhiều đồ dùng quân sự khác.

Trên khí thế của thắng lợi, LLVT tỉnh lai Châu phát triển không ngừng, đến tháng 9/1953, lực lượng du kích và tự vệ toàn tỉnh đã phát triển tới 2.572 người. Tháng 10/1953 đã phối hợp với bộ đội chủ lực mở chiến dịch tiễu phỉ ở Thuận Châu. Kết quả, ta gọi hàng và bắt sống 2.300 tên, thu 39 súng trung liên, 859 súng trường. Huyện Thuận Châu với số dân 20.000 người được hoàn toàn giải phóng, 1.600 thanh niên bị ép theo phỉ đã quay trở về làng bản làm ăn sinh sống...

Từ tháng 3 đến hết tháng 4/1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện phía Bắc Lai Châu phối hợp với bộ đội chủ lực đã đập tan các cụm phỉ lớn ở Mường Tè, Sìn Hồ, Mường Lay, Quỳnh Nhai, tiêu diệt 88 tên, bắt sống 120 tên, thu 867 khẩu súng các loại.

Trong chiến cuộc Thu Đông 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Nhân dân các dân tộc Lai Châu mặc dù đời sống vô cùng khó khăn nhưng đã có những đóng góp to lớn cả về sức người, sức của chi viện cho chiến dịch với: 2.666 tấn gạo, 266 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động 16.972 dân công bằng 568.139 ngày công, 348 ngựa thồ, 38 thuyền mảng, hơn 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy làm đường cho xe pháo, bộ đội hành quân... góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 

II. LLVT TỈNH LAI CHÂU TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. LLVT Quân khu đã được củng cố kiện toàn thêm một bước. Bộ đội chủ lực của Quân khu được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ vùng Tây Bắc của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại 6 tỉnh Bắc Lào. Bộ đội địa phương và dân quân tự vệ được phát triển rộng khắp đã tham gia tích cực cùng bộ đội chủ lực diệt phỉ trừ gian, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Những thành tích và chiến công xuất sắc đóng góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) đã cổ vũ quân và dân trên địa bàn tỉnh quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ xây dựng địa bàn tỉnh thành khu vực vững mạnh về cả chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh và quốc phòng. Quân và dân tỉnh Lai Châu đã nỗ lực cao nhất, cùng lúc khắc phục khó khăn ra sức chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều phong trào thi đua quyết thắng được đông đảo quần chúng tham gia như các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, đã có 9.274 nam nữ thanh niên, những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Lai Châu lên đường đánh Mỹ.

Một mặt, Lai Châu tích cực phát triển kinh tế để trở thành hậu phương lớn cho miền Nam, mặt khác tiếp tục củng cố lực lượng theo sự chỉ đạo của Trung ương. Tháng 6/1959, Phân khu quân sự Lai Châu được thành lập. Tháng 10/1962, cấp tỉnh được thành lập lại, cấp châu đổi thành huyện. Về mặt tổ chức, LLVT phân khu quân sự Lai Châu chuyển thành Tỉnh đội Lai Châu, đổi tên các châu đội thành huyện đội.

Đến tháng 10/1971, Tỉnh đội Lai châu được chuyển thành Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lai châu. Bộ CHQS tỉnh Lai Châu (thời kỳ chống Mỹ) lần lượt do các đồng chí: Đinh Kim Sơn, Giàng A Páo là Chỉ huy trưởng; Đinh Kim Sơn, Nguyễn Đức Năm, Nông Hoàng Thọ là Chính uỷ. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT Lai Châu thường xuyên được củng cố, kiện toàn: Năm 1954-1955, bộ đội địa phương tỉnh có 1 tiểu đoàn (phiên hiệu dBB 287). Đến tháng 11/1971 đến năm 1975 Tiểu đoàn 907B gồm 4 đại đội (phiên hiệu dBB 907) và 1 Đại đội 815 (phiên hiệu cBB815).

Dân quân tự vệ: năm 1963 có 11.257 người, 1964 có 12.798 người, 1965 có 13.896 người, 1967 có 19.286 người, 1968 có 21.033 người, 1969 có 23.555 người, 1972 có 25.085 người, 1975 có 27.678 người. So với dân số thì lực lượng dân quân tự vệ chiến tỷ lệ thấp nhất là 6,70 % (1965), năm cao nhất là 13,20% (1969).

Từ tháng 5/1965 đến cuối năm 1972, Lai Châu đã cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. LLVT Lai Châu đã phối hợp đánh trả máy bay địch 648 trận, bắn rơi 14 máy bay phản lực hiện đại của địch, bắn bị thương 45 chiếc khác. Trong đó nổi lên các địa phương như: dân quân xã Thanh An, dân quân xã Búng Lao - Tuần Giáo, dân quân xã Sính Phình - Tủa Chùa... góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương Lai Châu.

LLVT Lai Châu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ địa phương, sự giúp đỡ có hiệu quả của chính quyền các cấp và Nhân dân các dân tộc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở 4 tỉnh Bắc Lào; từ năm 1966 - 1973 hoạt động ở chiến trường Bắc Lào, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Lai Châu đã đánh 150 trận lớn, nhỏ, diệt 487 tên địch, bắn bị thương 142 tên, bắt sống 219 tên, gọi hàng 541 tên, phá huỷ và phá hỏng 3 máy bay T28, bắn chìm 9 xuồng chiến đấu, thu 721 súng các loại, bảo vệ và xây dựng cơ sở vùng giải phóng ở 2 huyện, 13 xã, 121 bản, với 9.812 người. LLVT tỉnh đã có những trận đánh xuất sắc, điển hình như tiêu diệt căn cứ phỉ ở Si Ca Hồ, Pu Ta Cọ trong chiến dịch 800, trận đánh vào Nậm Hang, Nậm On trong chiến dịch Nậm Hang, Nậm On, Pu Ta Cọ (1967 - 1968), trận tập kích vào sân bay Luông Pha Băng (1972), trận Xen Ha Núc ngày 18/01/1973... Những chiến công vang dội đó mãi là niềm tự hào trong lòng Nhân dân các dân tộc Lai Châu và Nhân dân các tỉnh Bắc Lào.

Trong sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào anh em từ 1965-1975 đã có 9.274 thanh niên ưu tú con em các dân tộc lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu đóng góp trên 65 vạn ngày công đi chiến đấu và phục vụ chiến trường. Nhiều đồng chí được vinh dự vào Nam chiến đấu, chia lửa cùng đồng bào miền Nam ruột thịt và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng 30/4/1975 thu non sông về một mối.

III. LLVT TỈNH LAI CHÂU TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1976 – 1979 đã có hàng ngàn thanh niên ưu tú là con em các dân tộc Lai Châu lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Riêng năm 1979 có 3.480 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều đồng chí lập công xuất sắc. Điển hình như anh hùng liệt sỹ Trần Xuân Vinh, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Vũ Tráng, Khoàng Văn Tấm; các anh hùng Lừu A Phừ, Hoàng Minh Phương, Vàng A Sình, Tòng Văn Kim và nhiều tấm gương anh dũng khác nữa.

Quân dân các dân tộc Lai Châu đã tích cực củng cố xây dựng công sự trận địa, xây dựng phòng tuyến chiến đấu, đấu tranh chống xâm canh, xâm cư ở khu vực Pô Tô thuộc xã Huổi Luông, Pa Tần (Sìn Hồ), Sì Lờ Lầu, Pa Nậm Cúm (Phong Thổ). Trực tiếp chiến đấu anh dũng ngoan cường ở điểm tựa 844 của c5 - d64, điểm tựa Mù Sang của c1/d1/e193, các Đồn Biên phòng số 33, đồn 1; quân dân các xã Giào San, Ma Ly Chải, Sì Lờ Lầu (Phong Thổ); lâm trường Huổi Luông (Sìn Hồ)… đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù, loại khỏi vòng chiến đấu 12.275 tên, phá huỷ 4 xe tăng, xe học thép, 4 xe quân sự, 4 giàn hoả tiễu H.12,8; pháo ĐKZ, 5 súng trung liên, 12 súng cối, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Cùng quá trình chiến đấu là việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cũng được củng cố biên chế đến cấp đại đội ở các xã biên giới, cấp trung đội ở các lâm trường được trang bị súng bộ binh các loại với tổng quân số lên đến 13,6% dân số.

Đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, từ năm 1989 đến nay, LLVT Lai Châu có sự điều chỉnh về lực lượng, biên chế, tổ chức. Một số đơn vị trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc tỉnh, huyện được giải thể như: Trung đoàn 191, Trung đoàn 880, Tiểu đoàn 25... Một số đơn vị được rút gọn làm nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên như: Trung đoàn 741, các tiểu đoàn trực thuộc huyện...

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, phức tạp, tình hình thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, mà thường xuyên trực tiếp là Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, LLVT  tỉnh đã thường xuyên được chấn chỉnh về tổ chức biên chế và không ngừng nâng cao chất lượng về chính trị, tư tưởng, sức chiến đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, từng bước làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, nền quốc phòng toàn dân được củng cố, khu vực phòng thủ từ tỉnh đến huyện được tăng cường, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT được nâng lên, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

IV. LLVT TỈNH LAI CHÂU TRONG GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

LLVT tỉnh đã thường xuyên phấn đấu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị và khả năng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ hạnh phúc của Nhân dân, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. LLVT đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh Nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

LLVT tỉnh đã chú trong xây dựng củng cố lực lượng ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Không ngừng giáo dục bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho lực lượng dự bị động viên, dân quan tự vệ cũng như lực lượng thường trực, làm cho LLVT luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

V. LLVT TỈNH LAI CHÂU BƯỚC ĐẦU HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRONG ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TỈNH MỚI

Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XI về điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên. Ngày 1/1/2004, tỉnh Lai Châu (mới) chính thức đi vào hoạt động. LLVT tỉnh Lai Châu đứng trước thời kỳ mới với rất nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Quân khu 2, mà thường xuyên, trực tiếp của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, bằng sự nỗ lực cố gắng, LLVT tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng ổn định tổ chức, điều chỉnh kế hoạch phòng thủ, xây dựng phương án tác chiến, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Luôn duy trì thường xuyên, nghiêm túc các chế độ trực sẵn sàng chiếu đấu, nâng cao chất lượng luyện tập, diễn tập các phương án chiến đấu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai - tìm kiếm cứu nạn; chất lượng huấn luyện, xây dựng chính quy, trình độ tác chiến của LLVT được củng cố và nâng cao. Nắm vững địa bàn, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng các phương án bảo vệ an toàn các ngày lễ lớn. Chỉ đạo tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thut đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối; tổ chức rà phá vật cản phục vụ công tác phân giới cắm mốc; bảo vệ an ninh biên giới.

Các tổ chức cơ sở Đảng được kiện toàn củng cố, đủ sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên, quần chúng. Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp, yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ, xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh; đoàn kết quân dân, đoàn kết nội bộ ngày càng được củng cố vững chắc; dân chủ được đề cao. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng địa bàn vững mạnh; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, LLVT tỉnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 665 lớp dạy nghề, tập huấn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, giúp người nông dân có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Các cấp Hội như: Hội phụ nữ, Công đoàn cơ sở đã tổ chức được 176 lớp dạy nghề với 5.101 lượt hội viên tham gia; xây dựng điểm 34 mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao; cán bộ, chiến sĩ đóng góp 22.233 ngày công lao động giúp Nhân dân làm mới, tu sửa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Tổ chức 15 đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, huy động 3.664 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia với 45.836 công lao động tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè... Tích cực, chủ động tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển cây cao su đã giúp 1.506 hộ/5.7.85 nhân khẩu xóa đói, giảm nghèo. 

Trong 10 năm hoạt động (1/2003 - 1/2013), các đội công tác 123 đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế phù hợp; tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được 4.800 buổi, 19.200 lượt người, giúp dân 1.200 cây, 53 con giống, giúp 166 hộ thoát nghèo. Hướng dẫn Nhân dân trồng 36ha lúa nước 2 vụ/năm; phối hợp với Trạm Khuyến nông, UBND huyện Phong Thổ triển khai mô hình 36,4ha lúa nước 2 vụ LC25, Nghi hương 2308 tại 3 xã Vàng Ma Chải, Mù Sang, Ma Ly Chải/Phong Thổ cùng mô hình vườn-chuồng-giàn của các đội sản xuất 1, 2, 4 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 từng bước đem lại hiệu quả cao; giúp đỡ Nhân dân xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh tổ chức cho các cơ quan, đơn vị cam kết bảo vệ môi trường đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường ở: bệnh xá, kho, trạm, xưởng, xí nghiệp các công trình xây dựng cơ bản. Đầu tư, xây dựng các công trình xử lý khí; nước; chất thải rắn. Xây dựng mới các công trình kho, trạm, xưởng; tích cực hưởng ứng tết trồng cây, ngày môi trường thế giới... góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, phát triển bền vững.

Công tác xây dựng lực lượng được củng cố, kiện toàn, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cấp ủy với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Tổ chức thực hiện tốt công việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, coi trọng nâng cao chất lượng chính trị.

Trong 5 năm (2010-2015) đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho 61.451 lượt cán bộ, công chức đạt 100% kế hoạch; phối hợp giáo dục quốc phòng cho 38.294 lược học sinh, sinh viên, giáo dục quốc phòng toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân tự về và dự bị động viên được quan tâm, trong 5 năm đã kết nạp được 724 đồng chí dân quân tự vệ, 216 đồng chí thuộc đối tượng dự bị động viên vào Đảng, nâng tỉ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ lên 16,55,% tăng 3,05% và dự bị động viên là 16,84% tăng 6,64% so với năm 2010. Thành lập được 24 chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn. Làm tốt công tác đăng ký và quản lý chặt chẽ nguồn dự bị động viên; quân nhân dự bị xếp vào các đơn vị dự bị động viên đạt 82%.

Những kết quả của LLVT Lai Châu đã đạt được đó là sự kết hợp ý chí quyết chiến, quyết thắng, tự lực, tự cường, đoàn kết của quân và dân Lai Châu, là sự quan tâm lãnh đạo của Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Quân khu 2, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự yêu thương đùm bọc giúp đỡ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những thành tích đó đã tô thắm thêm truyền thống, bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng” của LLVT Quân khu 2 và truyền thống Lai Châu anh hùng.

VI. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG 65 NĂM XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH CỦA LLVT TỈNH LAI CHÂU

65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trải qua các thời kỳ cách mạng, vượt qua nhiều thử thách hy sinh, mưu trí sáng tạo, lập nên nhiều chiến công to lớn, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống “Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng” của LLVT Quân khu 2 và truyền thống đấu tranh oanh liệt của Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Trên chặng đường chiến đấu gian khổ, ác liệt, dù trong chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế cũng như trong xây dựng làm kinh tế, LLVT Lai Châu luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT Lai Châu đã cùng với Nhân dân và các đơn vị bạn chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt địch, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Lào.  Đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, LLVT tỉnh Lai Châu thường xuyên phấn đấu nâng cao sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong LLVT, phòng chống có hiệu quả âm mưu thủ đoạn “diễn biến hoà bình” “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích đã đạt được, LLVT tỉnh Lai Châu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý gồm:

- Tập thể: có 1 Huân chương Sao vàng; 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 70 Huân chương Chiến công Hạng 1, Hạng 2; 20 tập thể được tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT Nhân dân.

 - Cá nhân: có 10 Bà mẹ được tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng LLVT Nhân dân; 19 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân; 133 đồng chí được tặng thưởng Huân, Huy chương trong kháng chiến chống Pháp; 21.302 đồng chí được tặng thưởng Huân, Huy chương trong kháng chiến chống Mỹ; 133 đồng chí được tặng thưởng Huân, Huy chương trong chiến tranh bảo vệ biên giới cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

- Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân, Huy chương cho 1.745 đồng chí là chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào.

- Năm 2016 đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Những chiến công và thành tích đó, trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, LLVT tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, lập nên nhiều chiến công, làm tròn nhiệm vụ của một tỉnh vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương, đồng thời làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Chiến công của LLVT tỉnh còn thuộc về Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc ở các địa phương trong tỉnh đã hết lòng cưu mang đùm bọc, thương yêu giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân trong sản xuất, chiến đấu, xây dựng kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh, chống nghèo nàn lạc hậu, chiến thắng mọi kẻ thù. Đó là sự kết tinh của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tự lực, anh dũng, sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã không ngừng rèn luyện phấn đấu, xây dựng bản lĩnh chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm bản chất truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” và truyền thống Quân khu 2 “Trung thành - Tự lực - Đoàn kết - Anh dũng - Chiến thắng”.

Đó là tài sản tinh thần quý báu được tạo ra và bồi đắp không ngừng bằng công sức, xương máu của những anh hùng, liệt sỹ và các thế hệ cán bộ, chiến sỹ trong LLVT tỉnh; bằng sự đóng góp to lớn của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Những truyền thống, chiến công đó đã và sẽ mãi mãi còn là nguồn sức mạnh tinh thần cổ vũ, động viên mọi cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao cho trong giai đoạn cách mạng mới. Truyền thống tiêu biểu đó, được thể hiện qua một số nét chính sau:

Một Là: Luôn quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh Nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, xây dựng LLVT Nhân dân vững mạnh toàn diện.

Hai là: Luôn coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của LLVT Nhân dân tỉnh, bảo đảm LLVT luôn là lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Đảng.

Bà là: Chăm lo xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là: Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trong LLVT bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc đối với LLVT trong mọi hoạt động, mọi tình huống.

BT

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...