Thứ sáu, 26/04/2024, 23:40 [GMT+7]

Xây dựng đời sống văn hóa vùng biên

Thứ năm, 09/11/2017 - 16:04'
(BLC) - Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn các xã biên giới được triển khai sâu rộng. Qua đó, không chỉ đời sống vật chất, tinh thần của bà con các dân tộc được cải thiện mà diện mạo vùng biên cũng ngày càng khởi sắc.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khu vực biên giới tỉnh ta có 231 bản/23 xã thuộc 4 huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ. Đây là địa bàn cư trú chủ yếu của người 10 dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm Đảng, Nhà nước, những năm qua đời sống người dân khu vực biên giới được cải thiện rõ rệt; công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe được nâng cao về chất lượng; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hoạt động du lịch phát triển sôi nổi, rộng khắp. Song mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đói nghèo theo tiêu chí mới còn cao, giao thông đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” bằng nhiều âm mưu thủ đoạn như: tuyên truyền, lôi kéo, kích động di dịch cư tự do, vi phạm quy chế biên giới, tội phạm về ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí, buôn lậu, mua bán người, tiềm ẩn gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn..

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San phổ biến các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho người dân bản Hợp 2.

Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của địa bàn biên giới, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đồn BP tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh- quốc phòng. Tích cực tham gia nhiều dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với giữ vững an ninh biên giới, trong đó phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được chú trọng triển khai với nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo đó, công tác tuyên truyền các nội dung của phong trào bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú như tuyên truyền miệng, chiếu video, giao lưu văn nghệ, băng zôn, pa nô, khẩu hiệu, thông tin lưu động được đẩy mạnh. BĐBP phối hợp với Đoàn Nghệ thuật tỉnh xây dựng và biểu diễn hàng trăm chương trình nghệ thuật, thông tin lưu động, phục vụ hàng vạn lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim lưu động; tổ chức tuyên truyền trên 10 cụm loa truyền thanh các xã biên giới với 7 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Mảng; xây dựng và duy trì chuyên trang, chuyên mục vì chủ quyền biên giới trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; bài trừ mê tín dị đoan; Luật Phòng chống ma túy; Luật Biên giới quốc gia, hay tuyên truyền trực tiếp tại các bản, hộ gia đình về các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc nơi biên giới.

Gắn phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa nói riêng với xây dựng nông thôn mới, BĐBP tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch - cơ quan thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân; phối hợp với UBMTTQ thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân ở khu vực dân cư”; phối hợp với Hội Nông dân thông qua ký kết xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”; phối hợp với Sở Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xây dựng văn hóa - sức khỏe, gia đình văn hóa - sức khỏe, xây dựng CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Bình đẳng giới”…

Các đồn Biên phòng còn chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện và Ban Văn hóa các xã biên giới tham mưu cấp ủy, chính quyền duy trì hoạt động của các đội văn nghệ ở các xã, bản; tổ chức các lễ hội dân gian theo phong tục tập quán của từng dân tộc, như: lễ hội Gầu tào dân tộc Mông ở xã Dào San huyện Phong Thổ; lễ hội mừng lúa mới dân tộc Mảng, lễ hội cầu mưa dân tộc La Hủ, Tết mùa mưa của dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè... tổ chức lấy ý kiến và trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các quy ước, hương ước gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, phong trào tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản...Góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trước nguy cơ mai một và sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai.

Đứng chân trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Đồn BP Sin Suối Hồ chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 9,202km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc và 3 xã biên giới gồm Sin Suối Hồ, Nậm Xe, Bản Lang, chủ yếu là bà con dân tộc Mông, Dao, đời sống kinh tế rất khó khăn, nhất là những bản nằm sát biên giới. Những năm qua, bên cạnh bám sát vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để giúp người dân nâng cao nhận thức về đảm bảo an ninh biên giới cán bộ, chiến sỹ còn có nhiều hoạt động thiết thực nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Thiếu tá Hà Đức Long - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ chia sẻ: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã lồng ghép thực hiện tốt các nội dung xây dựng đời sống văn hóa, như: Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xóa đói giảm nghèo; trẻ em trong độ tuổi được đến trường; bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nói không với tệ nạn xã hội; bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống; thực hiện các cuộc vận động “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các phong trào, cuộc vận động do các cấp phát động. Đến nay, các tập tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; việc hiếu, hỷ được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc; các trường hợp kết hôn đều đến UBND xã đăng ký; không để thi hài người quá cố quá 48 giờ trong nhà. Người dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự và thực hiện nghiêm các quy định, quy chế khu vực biên giới; tự chủ hơn trong lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát huy thế mạnh từ thiên nhiên ban tặng phát triển kinh tế qua mô hình làm du lịch cộng đồng

Đặc biệt, triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nơi biên giới thời gian qua, BĐBP tỉnh chủ động phối hợp mở cuộc vận động xây dựng điểm sáng văn hoá trên biên giới theo 5 nội dung chính: xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc; giúp đỡ nhân dân vùng cao phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống, xây dựng cơ sở hạ tầng; tham gia phát triển giáo dục, y tế; xây dựng nếp sống văn hoá mới ở thôn bản; giữ gìn trật tự, an ninh biên giới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Từ đó đã hình thành mô hình 14 điểm sáng văn hoá biên giới, trong đó có nhiều điểm sáng toàn diện như: Đồn Biên phòng Dào San, Huổi Luông, Ma Lù Thàng, Pa Ủ, Ka Lăng, Pa Tần.... Từ những mô hình điểm sáng văn hóa này, cán bộ, chiến sỹ biên phòng luôn là hạt nhân trong các phong trào, thổi bùng ý thức tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Các anh cũng là những chiến sỹ tiên phong trong vận động bà con không di dịch cư tự do mà “an cư” để “lạc nghiệp”;  hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động, sản xuất nâng cao thu nhập, xây dựng nếp sống mới ở biên giới.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn là đầu mối kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước hướng về đồng bào nghèo biên giới đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với số tiền hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, duy trì tốt mô hình nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 61 em học sinh là con em dân tộc thiểu số trung bình 500 nghìn đồng- 1 triệu đồng/tháng/em giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập và vươn lên trong cuộc sống.

Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Tất Hậu – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thì với sự vào cuộc quyết liệt của cán bộ, chiến sỹ BĐBP tỉnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn các xã biên giới từng bước đi vào chiều sâu; các tập tục lạc hậu được đẩy lùi, tình trạng tảo hôn từng bước hạn chế; việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, văn minh phù hợp với nét truyền thống dân tộc. Nhất là bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; quan hệ gia đình, làng bản ngày càng đoàn kết, gắn bó. Đến nay, có 121/231 bản đạt danh hiệu bản văn hóa, 7.165/14.875 hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa.

Có thể khẳng định rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của những người lính quân hàm xanh trong triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nơi biên giới đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các dân tộc, từng bước xây dựng vùng biên phát triển toàn diện và bền vững.

Hồng Luyến

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...