Thứ sáu, 17/05/2024, 09:38 [GMT+7]

Công dân có tài có thể tốt nghiệp đại học mới nhập ngũ

Thứ sáu, 12/09/2014 - 08:09'
"Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, cần ưu tiên công dân có đức tài, thi đỗ vào đại học chính quy được đi học. Sau khi họ học xong mới gọi nhập ngũ để xây dựng quân đội", đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) chia sẻ với VnExpress.

Cử nhân đại học có thể được gọi nhập ngũ  /  Không gọi nhập ngũ thí sinh đỗ trường Công an

- Cả nước vừa hoàn thành giao nhận quân đợt 2 năm 2014. Chất lượng tân binh năm nay như thế nào, thưa ông?

- Mục tiêu, yêu cầu của Bộ Quốc phòng trong công tác tuyển quân hằng năm là nâng cao chất lượng để xây dựng lực lượng thường trực, gắn với nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên và tạo nguồn cơ sở cho các địa phương, đặc biệt là vùng xa. Chất lượng tân binh những năm gần đây đã tăng nhưng mức độ tăng chưa nhiều. Tỷ lệ công dân nhập ngũ vào quân đội có trình độ ĐH, CĐ… vẫn còn thấp.

Công tác tuyển quân đợt 2 năm 2014 đến ngày 10/9 mới hoàn thành nên chưa có thống kê chất lượng đầy đủ trên cả nước. Tuy nhiên, qua nắm tình hình ở một số địa phương, nhìn chung chất lượng được nâng cao hơn so với những năm trước.

Trong đợt tuyển quân đầu năm 2014, chiến sĩ có tuổi đời 18 đến 21 đạt 79,6%. Sức khỏe loại 1, 2 đạt 68,7%. Trình độ tân binh đã tốt nghiệp THPT trở lên đạt 65,6%, trong đó trình độ CĐ, ĐH là 5,7%. Con em của cán bộ là 3,92%, đảng viên vào quân đội đạt 2,6% và người dân tộc là 13,2%. 

dai-ta-diep-4669-1410442329-7709-1410442

 

Cục trưởng Cục Quân lực, đại tá Nguyễn Minh Diệp. Ảnh: Hoàng Thùy.

- Qua tổng kết thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, có trên 80% tân binh là con em nông dân, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định tất cả công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi đều có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong thời bình (trừ diện được tạm hoãn, miễn làm nghĩa vụ quân sự). Đối với con em cán bộ hoặc các gia đình có điều kiện không nằm trong đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ. Vì vậy, để xảy ra tình trạng nói trên là do hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương cấp huyện, xã - nơi trực tiếp tổ chức tuyển quân, nhất là cơ quan quân sự địa phương cùng cấp làm tham mưu chưa thật tốt.

Theo quy định, hằng năm các địa phương sơ tuyển, lập danh sách công dân nằm trong độ tuổi nhập ngũ gọi khám sức khỏe, sau đó tổ chức xét tuyển từ người có tiêu chí cao xuống thấp để đảm bảo nâng cao chất lượng chiến sĩ mới.

- Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện nay, đối tượng và thời gian công dân phục vụ tại ngũ phải thay đổi như thế nào?

- Ngoài việc huấn luyện, quân đội còn những nhiệm vụ khác như tham gia phòng chống thiên tai, bão lụt, cứu hộ cứu nạn... Vì vậy, cần có nhiều thời gian hơn để huấn luyện nâng cao trình độ cho chiến sĩ và thực hiện các nhiệm vụ khác. Năm 2005, chúng ta sửa luật Luật nghĩa vụ quân sự đã hạ thời hạn phục vụ tại ngũ từ 36 tháng xuống còn 24 tháng đối với hạ sĩ quan chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo và hạ sĩ quan, binh sĩ trên tàu Hải quân. Chiến sĩ phổ thông (hạ sĩ quan, binh sĩ thông thường) phục vụ 18 tháng.

Năm 2008 và 2011, thực hiện tổng kết luật Nghĩa vụ quân sự, tất cả địa phương, đơn vị trong toàn quân đều thống nhất cần nâng thời hạn phục vụ tại ngũ từ 18 tháng lên 24 tháng. Với vũ khí trang bị hiện đại ngày nay, đòi hỏi phải có phương pháp huấn luyện mới và có thời gian huấn luyện phù hợp. Nếu thời hạn 18 tháng sẽ không đảm bảo tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Mặt khác độ đội xuất ngũ về địa phương, khi có chiến tranh tổng động viên vào quân đội, phải cần nhiều thời gian hơn để huấn luyện lại mới chiến đấu được.

Với chiến sĩ có trình độ cao, khả năng nắm bắt, làm quen với các phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại sẽ nhanh hơn, quân đội đảm bảo huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tốt hơn. Lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên khi có nhiệm vụ chỉ cần hợp luyện thời gian ngắn là có thể chiến đấu được ngay. 

- Tân binh có cơ hội được cống hiến cho quân đội và phát triển bản thân như thế nào?

- Sau khi cả nước tiến hành giao nhận chiến sĩ mới sẽ được đưa về các đơn vị để huấn luyện thống nhất đảm bảo đồng nhất về quan điểm, tư tưởng, lập trường, bản lĩnh chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới, các đơn vị tuyển chọn chiến sĩ có trình độ học vấn cao hơn đi đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Những chiến sĩ đã qua đào tạo ĐH, CĐ, trung cấp có ngành nghề phù hợp với yêu cầu của quân đội sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ sẽ được tuyển chọn chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp để phục vụ lâu dài trong quân đội.

Một số quân nhân chuyên nghiệp nếu có phẩm chất, năng lực có thể được tuyển chọn chuyển sang diện cán bộ quản lý, tạo nguồn, đào tạo thành sĩ quan. Tuy nhiên, tỷ lệ này không nhiều vì quân đội có những đặc thù đòi hỏi phải đào tạo riêng.

Bên cạnh đó, chiến sĩ đang phục vụ tại ngũ được đăng ký dự thi, xét tuyển vào các trường đào tạo sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật của quân đội. Chiến sĩ nào tốt nghiệp THPT đều được đăng ký dự thi sĩ quan, được sơ tuyển tại đơn vị, có đủ điều kiện mới được dự thi và xét tuyển, nếu trúng tuyển sẽ được đi học. Trong thi tuyển và xét tuyển được cộng điểm ưu tiên (1 điểm). Chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đăng ký thi đại học cũng được cộng điểm ưu tiên.

- Có nhiều ý kiến cho rằng nghĩa vụ quân sự nên bắt buộc mọi công dân đều phải có thời gian cống hiến trong quân đội, ông suy nghĩ thế nào về đề xuất này?   

- Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị, khi cần quân đội sẽ tuyển chọn và gọi nhập ngũ. Tuy nhiên, trong điều kiện đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần ưu tiên công dân có đức tài, thi đỗ vào đại học chính quy được đi học, sau khi học xong mới gọi nhập ngũ để xây dựng quân đội. Công dân học thời gian lâu nhất như ĐH Y đến 24 tuổi tốt nhiệp ra trường thì vẫn còn 1 năm trong độ tuổi gọi nhập ngũ.

Hiện nay có những ngành nghề quân đội không đào tạo hoặc đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng cần phải tuyển chọn bên ngoài quân đội như: y, bác sĩ, tài chính, hóa dầu, phòng cháy chữa cháy... 

Trường hợp những công dân này không được gọi nhập ngũ thì phải phục vụ trong ngạch dự bị. Tất cả công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ đều phải có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, nhưng cần có những chính sách phù hợp giữa nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đây là chính sách ưu tiên nhân tài và tuyển chọn nhân tài để xây dựng đất nước và xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc.

Theo Hoàng Thùy thực hiện vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...